Nan giải bài toán ngăn chặn xuất cảnh lao động trái phép
VOV.VN - 5 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có hơn 520 trường hợp người dân lao động trái phép tại Trung Quốc, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, chính quyền cùng ngành chức năng tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động cũng như nỗ lực hỗ trợ nâng cao đời sống cho người dân, tuy nhiên, tình trạng người dân xuất cảnh lao động trái phép tại Trung Quốc ở địa phương này vẫn diễn ra khá phức tạp.
Cốc Ỏ, xã Thuần Mang là một trong những thôn có số người xuất cảnh lao động trái phép tại Trung Quốc nhiều nhất của huyện Ngân Sơn. Cả thôn gần 50 hộ dân tộc Mông thì có tới hơn chục người thường xuyên qua lại phía bên kia biên giới lao động trái phép. Trong thôn đã có 1 người bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ, xử phạt sau đó trục xuất về nước nhưng điều đó không làm những người dân e ngại.
Chị Dương Thị Mỵ, thôn Cốc Ỏ, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) tranh thủ dọn dẹp nhà cửa sau những ngày đi lao động tại Trung Quốc trở về. |
Chị Dương Thị Mỵ, một người vừa từ bên kia biên giới trở về cho biết, mỗi năm 2 vợ chồng chị sang Trung Quốc khoảng 4 lần, mỗi lần làm chừng 1 tháng rồi về, công việc chủ yếu là phát nương rẫy, làm cỏ vườn cây thuê cho người dân bản địa.
Chị Mỵ cho biết: "Làm bên ấy không phải tiêu nên giữ được tiền, việc bên ấy cũng dễ tìm hơn. Đi thì có người vào đưa đón tận nơi. Dự kiến tháng 9 tôi sẽ tiếp tục đi".
Thu nhập ra sao thì chưa rõ, nhưng sau vài năm đi Trung Quốc, ngôi nhà của vợ chồng chị vẫn không có lấy một vật dụng đáng giá, căn nhà trống tuềnh toàng, bụi bặm do thiếu bàn tay chăm sóc của những trụ cột gia đình.
Đặc biệt là những đứa con chị Mỵ thiếu đi sự quan tâm của bố mẹ. 9 tuổi, cậu bé Phùng Văn Quy, con chị Mỵ đã tự ở nhà, chăm sóc các em, các cháu để người lớn đi làm ăn xa, việc học của cháu thường gián đoạn do không ai đôn đốc, nhắc nhở...
Khi vợ chồng chị Mỵ lao động tại Trung Quốc, cậu bé Phùng Văn Quy (con chị Mỵ) cùng những đứa em, đứa cháu ở nhà tự chăm sóc lẫn nhau. Việc học hành của Quy thường gián đoạn do thiếu sự quan tâm, nhắc nhở của cha mẹ. (Ảnh CTV Hoàng Hải) |
Tuy nhiên, việc ngăn người dân lại không đơn giản, ông Đào Việt Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thuần Mang cho biết: "Trước đây chúng tôi đề xuất trường hợp đi về là phải xử lý hành chính nhưng không xử lý được. Các đối tượng này bây giờ họ đi thì khi kiểm tra có giấy tờ thông hành sang bên kia nên không ngăn chặn người ta được. Khi nắm được thông tin do thôn báo lên có người đi, chúng tôi cho lực lượng công an, báo cả công an huyện xuống tận nơi nhưng kiểm tra họ có giấy tờ thì họ đi."
Theo thống kê từ Công an tỉnh Bắc Kạn, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã có hơn 520 trường hợp người dân lao động trái phép tại Trung Quốc, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số.
Họ thường lấy lý do đi thăm người thân, du lịch, sau đó thì ở lại lao động trái phép. Theo chính quyền một số địa phương, hiện việc xuất cảnh của người dân một số nơi đã có tính tổ chức, có người đưa đón tận nơi. Số lượt lao động trái phép thường tăng vào dịp cuối năm hoặc những lúc nông nhàn…
Khi lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc, quyền lợi người lao động sẽ không có gì được đảm bảo, luôn có nguy cơ bị lừa, bị bắt giữ, trục xuất, thậm chí bị tuyên án tù giam. Trong 5 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 80 trường hợp người dân tỉnh Bắc Kạn bị bắt giữ, trao trả.
Còn trước đó trong năm 2018, đã có ít nhất 2 trường hợp lao động trái phép tử vong không rõ nguyên nhân. Người dân không phải không biết điều đó, tuy nhiên, bất chấp rủi ro số lượng người dân Bắc Kạn lao động trái phép tại Trung Quốc vẫn khá lớn.
Ông Hà Sỹ Huân, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn nói: "Qua theo dõi thì hiện tình trạng xuất cảnh lao động trái phép trên địa bàn chủ yếu tập trung ở 1 số xã, mà ở khu vực này điều kiện đời sống của người dân còn khó khăn. Một số nhận thức chưa sâu sắc ảnh hưởng của lao động trái phép. Ngành công an và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở nhưng hiệu quả của nội dung này còn hạn chế."
Bên cạnh tăng cường tuyên truyền vận động, nhiều năm qua, Bắc Kạn cũng chú trọng nâng cao kinh tế, đời sống cho người dân thông qua hàng loạt các chương trình hỗ trợ sinh kế, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng cho đồng bào như các chương trình 30A, 3PAD, 135, chương trình hỗ trợ vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, trong đó có cả việc tổ chức các chương trình xuất khẩu lao động tại nước ngoài.
Bên cạnh đó là nâng cao chăm sóc y tế, giáo dục vùng cao…. Tuy nhiên, hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng xuất cảnh lao động trái phép vẫn chưa như mong muốn.
Tỉnh Bắc Kạn thực hiện nhiều chương trình nhằm nâng cao đời sống kinh tế người dân vùng cao như hỗ trợ cây, con giống, vay vốn ưu đãi, tập huấn, đào tạo nghề... giúp đồng bào thể phát triển kinh tế tại địa phương. |
Ông Nguyễn Tiến Cương, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội Bắc Kạn cho rằng: "Tôi nghĩ rằng chỉ có một giải pháp mang tính căn cơ, đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân. Trong thời gian qua cơ chế chính sách đã có đủ, nếu người dân không có đất đã có các chương trình khác như xuất khẩu lao động, người dân không có tiền cơ chế chính sách đã có cho vay tiền qua ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất thấp… chủ yếu vẫn là nhận thức của người dân."
Bài toán ngăn chặn người dân xuất cảnh lao động trái phép thực tế không phải chỉ nan giải với Bắc Kạn, mà với nhiều địa phương khác cũng đang là vấn đề không dễ giải quyết. Điều này cần có sự vào cuộc một cách đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở có những biện pháp căn cơ, quyết liệt hơn trong thời gian tới./.
Giải pháp nào cho tình trạng “Vượt biên đi lao động trái phép” ở Tây Bắc?