Vượt biên lao động trái phép: Những lối mòn chưa tìm ra lối thoát

VOV.VN -Con đường nào dẫn đến tình trạng người dân ở Tây Bắc vượt biên đi lao động ở nước ngoài lại dễ dàng và ngày càng báo động như vậy.

Cách thức để người dân vượt biên sang Trung Quốc dễ dàng nhất được lựa chọn lại không phải đi qua các cửa khẩu, lối mở thông thương chính thống của địa bàn, mà chủ yếu đi qua các đường tiểu ngạch, hoặc thông qua gia đình bạn bè tại các địa bàn giáp biên của Lào Cai, Hà Giang với lý do thăm thân. Điều này khiến các cơ quan chức năng của cả Trung Quốc và Việt Nam đều rất khó quản lý.

Hiện nay tỉnh Lai Châu có hàng chục cây cầu qua biên giới. Với việc thuận tiện trong làm thủ tục xuất nhập cảnh, chỉ trong thời gian ngắn người dân có thể đi qua biên giới để làm thuê.

Cho đến giờ, anh Hạng A Hùa, người dân bản Nậm Tin 3, xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên vẫn chưa hết hãi hùng khi nhớ về những ngày tháng tìm cách vượt biên sang Trung Quốc tìm việc làm: “Bây giờ không muốn đi nữa, đi trên kia cũng khó khăn. Mình đi cũng xa con không có ai trông con. Đi trên kia thì không đi được vào cửa khẩu đi thì đi vòng đường biên, vượt biên thì cũng khó lắm. Nếu có người không may mắn đi cũng gặp cướp hoặc các cơ quan chức năng của Trung Quốc. Riêng huyện Nậm Pồ này đi nhiều lắm, mình đi trên kia thì những người cùng bản ấy cũng biết tiếng nhiều họ cũng giúp mình đi tìm chủ”.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Lào Cai có hơn 6.000 trường hợp qua Trung Quốc đi làm thuê. Điều đáng nói là các lao động này đều vượt biên trái phép vì không muốn bị gò bó bởi thủ tục, vị trí xuất cảnh hay những quy định về thời gian.

Dọc tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu có hàng trăm con đường tiểu ngạch mà chỉ vài bước chân là người dân có thể sang nước bạn.

Đại tá Nguyễn Văn Thái, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết, do đặc thù đường biên giới dài gần 200Km với nhiều lối mòn, lối mở, có nơi biên giới chỉ phân định bằng con suối hoặc đoạn sông cạn, nên nhiều trường hợp lợi dụng lực lượng chức năng sơ hở là trốn đi: “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường lực lượng kiểm soát chặt chẽ biên giới, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, giáo dục, nhắc nhở bà con phải đi làm đúng đường, đúng quy định, tránh vượt biên trái phép sẽ vi phạm pháp luật. Chúng tôi không áp dụng xử phạt bằng hình thức phạt tiền, vì bà con đều có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức cũng chưa được đầy đủ. Đặc biệt, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với địa phương để địa phương tổ chức giáo dục cho bà con là tốt nhất”.

Dọc tuyến biên giới hơn 265 km giữa tỉnh Lai Châu với nước bạn Trung Quốc có hàng trăm lối mở, đường mòn. Chỉ cần một vài bước chân là người dân địa phương đã có mặt ở bên kia biên giới. Dòng suối Nậm Cáy, xã Ma Ly Pho, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu  tiếp giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là một trong những con đường như vậy. Nhiều năm nay, dù lực lượng của Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, để sớm phát hiện, ngăn chặn, nhưng tình trạng người dân vượt biên qua đây vẫn diễn ra. Để đi sang bên kia biên giới, người lao động chui phải kết nối được với người quen đang có mặt tại nước bạn, nếu không, họ đành phải nghe theo các đối tượng xấu, và việc bị lợi dụng là không thể tránh khỏi.

Đối tượng Triệu Đức Cường, sinh năm 1979, trú tại xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vừa bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái bắt giữ về hành vi “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Chỉ trong một thời gian ngắn, Triệu Đức Cường đã 03 lần móc nối với một đối tượng đang làm ăn ở Trung Quốc để tổ chức đưa 40 công dân ở các xã Phù Nham, Thanh Lương, huyện Văn Chấn vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Sau một thời gian, do bị chủ lao động Trung Quốc quỵt tiền lương, nên một số người đã trở về tố cáo hành vi của đối tượng này: “Hai vợ chồng em sang bên đấy làm có người giới thiệu quen được một chị bên đấy lấy người vào xưởng làm. Chị bảo trả cho em 100.000 đồng một người. Mọi người cũng đồng ý sang hỏi em đi, em cũng đưa mọi người sang bên đấy”.

Thượng tá Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó trưởng phòng Bảo vệ chính trị, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: “Chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lí xuất nhập cảnh tại địa phương. Phối hợp với các cơ quan báo đài để tuyên truyền pháp luật đến người dân, để từ đó người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với các hoạt động môi giới, lôi kéo người dân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài. Từ đó để người dân nhận thức rõ bản chất sự việc để không xuất cảnh trái phép ra nước ngoài và nếu có nhu cầu thì sẽ đi bằng con đường công khai, hợp pháp...).

Cũng do có nhiều đường tiểu ngạch mà những năm qua các đối tượng mua bán người gia tăng hoạt động, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên thông qua công tác hội đàm với phía bạn cũng đã đề xuất công khai danh tính và trao trả người xuất cảnh theo con đường công khai, chính ngạch để hai bên cùng phối hợp quản lý tốt. Nhưng thực tiễn hiện nay, phía Trung Quốc cũng chưa phải hoàn toàn thực hiện đúng theo cam kết thỏa thuận giữa hai bên. Điều này càng làm cho công tác quản lý người qua biên giới trở nên khó khăn hơn. 

Đại tá Vừ A Khua, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ độ Biên phòng tỉnh Điện Biên nêu thực tế: “Riêng các đường mòn này mỗi một lần người dân đi một tốp đi các đường khác nhau, hoặc hoàn toàn không phải chỉ có một đường đi. Như tuyến biên giới từ đồn 317 đến 319 thì trên tuyến biên giới đó nhìn thì rừng núi thế nhưng các trục và địa hình đấy thì đều đi được sang bên kia. Thế nên không nhất thiết là cứ phải có đường đi. Nên mỗi lần có thông tin, triển khai lực lượng đón nhưng có đợt ngăn chặn được, có đợt không. Vì người dân sống sát với biên giới, hoạt động đi lại địa bàn rất quen thuộc nên khi đã xác định đi thì đường nào họ cũng đi được. Đó là cái khó khăn”.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến số lao động đi làm thuê tại Trung Quốc gia tăng và số người vượt biên trái phép cũng gia tăng. Về vấn đề này, theo đơn vị quản lý công tác cấp phép thủ tục xuất nhập cảnh địa phương cho biết, nguyên nhân là tại địa phương doanh nghiệp ít, chủ yếu là vừa, nhỏ và hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

-  Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ thắt chặt quản lý vốn ngân sách cho lĩnh vực này, công trình xây dựng trên địa bàn ít đi, đồng nghĩa với không có việc làm.

-  Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp, nhận thức còn hạn chế nên chủ yếu xuất cảnh bằng giấythông hành có thời hạn khoảng 1 tuần, trong khi sang làm thuê cả tháng, thậm chí là vài tháng nên hết hạn mà không biết. 

Thượng tá Hà Xuân Đông, Trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lai Châu cho biết: “Ý thức của người dân trong công tác cấp thủ tục xuất nhập cảnh thời gian gần đây được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, số người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm ngoái là lý do phía Trung Quốc tăng cường công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng. Và khi phát hiện công dân Việt Nam sang bên đó cư trú bất hợp pháp thì người ta sẽ bắt giữ, trao đổi thông tin và trao trả công khai”.

Nguyên nhân người dân vượt biên sang bên kia biên giới làm thuê là thiếu việc làm, nhất là lúc nông nhàn.

Không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập thấp… là nguyên nhân chính khiến số lượng lao động tại các tỉnh Tây Bắc tìm đường vượt biên ra nước ngoài tăng cao trong thời gian qua. Còn những hệ lụy thì vẫn đang chực chờ trước mắt với những người lao động, khi họ vừa gây ra thiệt hại đáng kể cho Nhà nước vì phải trích ngân sách để thanh toán chi phí tìm kiếm, đón nạn nhân và hỗ trợ giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Ngoài bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục và mắc các bệnh xã hội, mất quyền tự do, bị kỳ thị thì khi lao động chính bị lừa bán, gặp tai nạn khiến các gia đình vốn dĩ khó khăn nay càng kiệt quệ hơn. Trong khi chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề này thì người dân hàng ngày, hàng giờ tiếp tục vượt biên trái phép tìm việc làm ở Trung Quốc. Vậy giải pháp nào để giải quyết tình trạng này. VOV sẽ tiếp tục thông tin tới  bạn đọc bài tiếp theo với nhan đề “Giải pháp nào cho tình trạng “vượt biên đi lao động trái phép” ở Tây Bắc?”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vượt biên lao động trái phép ở Tây Bắc: Chưa đổi đời đã đổi mạng
Vượt biên lao động trái phép ở Tây Bắc: Chưa đổi đời đã đổi mạng

VOV.VN - Vượt biên trái phép ra nước ngoài lao động với giấc mơ đổi đời nhưng chỉ thấy chuỗi ngày đói khát, bị đánh đập, thậm chí bỏ mạng nơi xứ người

Vượt biên lao động trái phép ở Tây Bắc: Chưa đổi đời đã đổi mạng

Vượt biên lao động trái phép ở Tây Bắc: Chưa đổi đời đã đổi mạng

VOV.VN - Vượt biên trái phép ra nước ngoài lao động với giấc mơ đổi đời nhưng chỉ thấy chuỗi ngày đói khát, bị đánh đập, thậm chí bỏ mạng nơi xứ người