Tổng Bí thư: Đấu tranh chống tham nhũng phải làm kiên trì, quyết liệt
VOV.VN - Tổng Bí thư cho rằng điều quan trọng là phải xây dựng cơ chế, luật pháp để “có muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng".
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 sắp khai mạc, ngày 6/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội khóa XIII và các thành viên đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri hai quận Ba Đình và Tây Hồ để lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cử tri gửi tới Quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã báo cáo cử tri những nội dung chính của kỳ họp thứ 8. Dự kiến kỳ họp khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc ngày 29/11. Về công tác xây dựng pháp luật, kỳ họp dự kiến xem xét và thông qua 17 dự án Luật và 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án luật; giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hồng Toán ở quận Tây Hồ vui mừng trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thủ đô trong thời gian qua; hoan nghênh quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cử tri Toán cho rằng nếu không quyết liệt thì không thể ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, biến chất, thoái hóa, lấy tiền của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân để phục vụ cá nhân.
Cử tri Nguyễn Phú Nho ở quận Ba Đình bày tỏ sự bức xúc về tình trạng lãng phí vẫn đang diễn ra trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, cử tri Nguyễn Sản mong muốn Quốc hội tiếp tục có những biện pháp để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Cử tri Phạm Văn Tá và Đặng Tài Tính cùng ở quận Ba Đình đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm trong việc phát triển kinh tế biển và nông nghiệp.
Nói chuyện với cử tri hai quận Ba Đình và Tây Hồ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cám ơn những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm của cử tri đã đề cập nhiều vấn đề ở tầm quốc gia. Tổng Bí thư thông tin thêm về kỳ họp thứ 8, cho biết đây là kỳ họp cuối năm nên nội dung làm việc rất nhiều, rất nặng, trong đó có nhiều vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm như các phiên chất vấn và trả lời chất vấn; việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Trao đổi với cử tri về vấn đề phát triển nông nghiệp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp; hết sức coi trọng nông nghiệp. Đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa không có nghĩa là coi nhẹ nông nghiệp.
Tổng Bí thư đồng tình với ý kiến của cử tri là Nhà nước cần phải tiếp tục quan tâm thích đáng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân bởi cuộc sống ở khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn. Số hộ nghèo đói chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Chủ trương phát triển nông nghiệp vẫn là vấn đề chiến lược. Sắp tới phải tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tạo ra năng suất, chất lượng cao, đưa khoa học công nghệ vào. Theo Tổng Bí thư: “Đấy chính là công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn”. Cùng với phát triển nông nghiệp, Tổng Bí thư cũng nhất trí với cử tri về sự cần thiết phải đầu tư phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trước những ý kiến của cử tri về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hư hỏng trong nội bộ. Không ai bật đèn xanh dung túng cho hành động tham nhũng, lãng phí.
Tổng Bí thư cho rằng điều quan trọng là phải xây dựng cơ chế, luật pháp để “có muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng"; tăng cường phát hiện tham nhũng. Tuy nhiên, phòng, chống tham nhũng là "phức tạp và quá khó", có nhiều việc muốn mà chưa làm ngay được, đòi hỏi phải làm kiên trì, quyết liệt. Trong xử lý tham nhũng chúng ta muốn làm nhanh nhưng trong một vụ án chằng chịt nhiều quan hệ câu kết với nhau, móc ngoặc với nhau, lợi ích nhóm, “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”. Tinh thần là khi phát hiện phải xử lý rất nghiêm minh.
Đề cập công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Tổng Bí thư nêu rõ: Đây là công việc gốc của đảng bởi cán bộ là quyết định tất cả. Vừa qua, lần đầu tiên chúng ta tổ chức các lớp cán bộ dự nguồn; tiếp tục luân chuyển cán bộ xuống địa phương, vừa chống cục bộ địa phương chủ nghĩa, vừa rèn luyện, giúp cán bộ có thêm kinh nghiệm thực tế, nắm bắt cơ sở.
Việc luân chuyển đi cơ sở là phải theo quy định, tối thiểu phải 3 năm, không phải đi một thời gian ngắn rồi lại rút về, như “chuồn chuồn đạp nước”, cốt lấy cái mác đi thực tế rồi về, không phải cứ đi về là để đề bạt lên. Luân chuyển là cần thiết, để đào tạo cán bộ lãnh đạo toàn diện./.