Tổng Bí thư kiểm tra thực hiện chính sách Tam nông

Những kết quả bước đầu sau 3 năm triển khai Nghị quyết về Tam nông tại An Giang được thể hiện rõ nét, tuy nhiên vẫn còn những bất cập cần sớm giải quyết.  

Ngày 5/8/2008, Nghị quyết số 26 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Tam nông) được ban hành.

Cùng với nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì sau hơn 20 năm đổi mới, đây là lần đầu Đảng ta có một nghị quyết toàn diện nhất về vấn đề Tam nông.

Để kiểm tra nắm bắt tình hình sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, trong hai ngày 26 và 27/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn công tác Trung ương đã đi thăm và làm việc tại An Giang.

Những kết quả bước đầu sau 3 năm triển khai Nghị quyết tại địa phương này được thể hiện rõ nét, tuy nhiên cũng còn có những bất cập cần sớm giải quyết để Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cao nhất.

Tại tỉnh An Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác đã dành thời gian xuống xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn để nắm bắt việc triển khai Nghị quyết 26. Đây là huyện có nhiều cách làm sáng tạo trong thực hiện các đề án, chương trình cụ thể, mang lại những hiệu quả bước đầu.

Thế mạnh của huyện Thoại Sơn là cây lúa với 33.000 ha và mỗi năm huyện duy trì 3 vụ lúa, sản lượng lương thực đạt hơn 600.000 tấn. Tại địa phương, khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất ngày càng rộng rãi, các chương trình khuyến nông đuợc thực hiện trên 90% diện tích.

Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nông thôn tiếp tục được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Toàn huyện có 486 km đường giao thông đã được bê tông và nhựa hoá, đã xây dựng được hàng trăm cầu sắt và bê tông và đến nay đã cơ bản xoá xong cầu ván, tất cả các ấp đều có điện, tỷ lệ hộ dùng nước máy đạt 45%.

Cùng với việc tìm hiểu tình hình chung của huyện, xã, Tổng Bí thư đã xuống tận các hộ gia đình nông dân để hiểu thêm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng Nông thôn mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chia sẻ với những hạn chế, tồn tại sau 3 năm triển khai Nghị quyết về Tam nông ở xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn. Đó là cơ cấu chuyển dịch còn chậm, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã còn thấp, nhiều xã còn lúng túng, bị động khi triển khai tổ chức thực hiện.

Nỗi lo “được mùa, rớt giá” của nguời nông dân vẫn còn, một số chương trình hưởng lợi trực tiếp chưa đến được với người dân, lao động địa phương qua đào tạo còn thấp so với yêu cầu.

Làm việc với huyện Thoại Sơn và Xã Vĩnh Phú, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Sau 3 năm triển khai Nghị quyết, những việc mà huyện làm được là rất đáng khích lệ, cho thấy chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân là rất đúng đắn. Điều quan trọng mà huyện đã làm được đó là ngay sau khi có Nghị quyết, nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò của Nghị quyết 26 được quán triệt sâu rộng.

Từ nhận thức đúng đắn, sớm đề ra những chương trình, đề án cụ thể, có giải pháp thực hiện một cách sáng tạo. Đây là yếu tố quan trọng nhất mà không phải địa phương nào cũng làm được.

Để nắm bắt toàn diện chung sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26, sáng 27/8, Tổng Bí thư và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh An Giang.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả mà An Giang đã đạt được sau 3 năm triển khai Nghị quyết, đặc biệt là tăng cao năng suất, sản lượng gắn với nâng cao chất lượng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được nâng lên.

Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm đến quản lý quy hoạch đất đai, vì đây là vấn đề thời sự liên quan trực tiếp đến đất sản xuất của dân. Mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, chia sẻ rủi ro là cách làm tốt, trong đó chú trọng vai trò phối hợp, gắn kết giữa các bộ phận. Tuy nhiên cần có sự kiên kết chặt chẽ hơn nữa để bà con nông dân yên tâm với các sản phẩm làm ra, xác đinh rõ ai là “đầu tàu” trong chuỗi giá trị ấy và hiện từng khâu đang gặp khó khăn, vướng mắc gì.

Thêm nữa, các Bộ, ngành và tỉnh cần chú trọng vấn đề nhiễm mặn, nước biển dâng, biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp, kéo dài ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của nông dân.

Tổng Bí thư cho rằng, cùng với tập trung phát triển kinh tế thì vấn đề công bằng, dân chủ cần đặc biệt được quan tâm; chú trọng nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc, gắn với giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Tỉnh cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát huy đoàn kết, huy động được sức mạnh trong nhân dân

Tổng Bí thư tin tưởng với truyền thống cách mạng, quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, An Giang sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên