Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không ngừng, không nghỉ"
VOV.VN - Thực hiện Chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 15, sáng nay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng.
Buổi tiếp xúc thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến 56 phường của 3 quận với 1.225 cử tri, nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2 và trả lời các ý kiến kiến nghị của cử tri.
Đa số cử tri đánh giá kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 15 diễn ra trong điều kiện hết sức đặc biệt, các đại biểu Quốc hội làm việc với tinh thần trách nhiệm và đạt được sự thống nhất cao. Nhất là về những đổi mới, cải tiến trong hoạt động của Quốc hội trong công tác chuẩn bị, điều hành các phiên họp, không khí thảo luận, tranh luận rất thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm, tập trung vào những vấn đề nóng, cử tri quan tâm.
Cử tri đề nghị, Quốc hội cần tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ việc tiêu cực trước khi xảy ra.
“Đề nghị cần tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, nhất là vấn đề về nhũng nhiễu, tăng cường giám sát, kiểm tra. Hiện nay đang thí điểm các mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội và thực hiện cải cách hành chính, bộ phận một cửa cần đổi mới, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực nhũng nhiễu, trục lợi; phát huy vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội công tác phản biện xã hội và giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận”, cử tri Lê Gia Ánh đề nghị.
Đối với việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở, công tác y tế dự phòng; thiết lập và thống nhất nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục quan tâm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, đời sống của Nhân dân; xây dựng ngân sách dự phòng cho an sinh xã hội dự trù các khả năng khi dịch bệnh tái bùng phát. Kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm và định giá vật tư chống dịch, đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào Danh mục hàng hóa Nhà nước quản lý bình ổn giá.
Quan tâm giải quyết các chính sách, giúp đỡ những người trở về quê từ vùng dịch sớm ổn định việc làm và đời sống… Cử tri Đào Bá Cường nêu ý kiến: “Đề nghị Nhà nước cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa tiêm phủ mũi 2 vaccine tới 100 % người dân từ 18 tuổi trở lên và có thể chúng ta sẽ tiến hành tiêm lứa tuổi dưới nữa. Tiếp theo đó là triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba, ưu tiên cho những người có nguy cơ cao những người ở tuyến đầu chống dịch. Cần đẩy nhanh tiến độ tự sản xuất vaccine trong nước đủ tiêu chuẩn được tổ chức y tế thế giới công nhận, có như vậy, chúng ta mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và chiến thắng được đại dịch”.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu những ý kiến tâm huyết xác đáng, sát với thực tế của đông đảo các cử tri, khi không chỉ nhận xét rất chính xác, đánh giá đúng đắn về chất lượng, những tiến bộ trong hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thời gian gần đây; mà còn góp ý những nội dung cần khắc phục ngay, đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác giám sát; và gợi ý một số giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, nhất là công tác lập pháp, để sau khiluật được thông qua và thực hiện có tính khả thi sát với thực tiễn.
“Mặc dù Quốc hội chỉ họp 16 ngày trong điều kiện dịch bệnh như vậy chia ra làm hai đợt, các bác đánh giá ý kiến rất cao, chúng tôi thấy rất đúng. Quốc hội sở dĩ làm được như vậy cũng do chất lượng của Quốc hội, chất lượng của đại biểu Quốc hội mà do chính các vị cử tri đã bầu ra. Mới là kỳ họp thứ 2 đăng ký phát biểu rất nhiều, thậm chí còn phải là nhắc ngắn thôi; hoàn thành tất cả những nhiệm vụ chương trình của kỳ họp thứ hai đề ra thuộc 3 lĩnh vực là: xung quanh công tác lập pháp, 2 là quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo thẩm quyền của Quốc hội và Luật pháp quy định và thứ ba là công tác giám sát tối cao”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để các Nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật, nghị quyết vừa được thông qua; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chú trọng công tác giám sát, đánh giá để phát huy những mặt tích cực và khắc phục những bất cập, hạn chế.
Trao đổi với cử tri về những vấn đề được thảo luận tại Hội nghị văn hoá toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng mới được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức đã thành công rất tốt đẹp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, hội nghị đã ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững với trí tuệ, bản sắc, bản lĩnh Việt Nam.
“Cách đây 75 năm kể từ hội nghị văn hóa lần thứ nhất, bây giờ mới tổ chức tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc. Trước đó, tôi có trao đổi với đồng chí Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tôi lo về tình hình văn hóa, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì mất cả dân tộc. Bản sắc riêng mỗi dân tộc, mà mình có truyền thống 4.000 năm lịch sử “4.000 năm ta lại là ta” phải giữ được truyền thống văn hóa 4.000 năm. Hôm trước, tôi có nói thẳng với các văn nghệ sỹ, trước kia chúng ta có bao nhiêu bài hát, vở kịch hay, nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc; nhìn lại bây giờ bước vào thời kỳ đổi mới tôi chưa thấy có vở kịch, nghệ sỹ nổi tiếng như ngày xưa”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Đề cập về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sắp tới sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội 13 về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tinh thần là đẩy mạnh đấu tranh, quyết tâm quét sạch chủ nghĩa cá nhân; không chỉ chống tham nhũng, mà phải chống cả tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
“Tôi xin được nói về điểm mới, lần này chúng ta không phải chỉ phòng chống tham nhũng, lãng phí mà chúng tôi đề nghị thì tham nhũng phải tiêu cực, mà trọng tâm là chống suy thoái về phẩm chất chính trị về tư tưởng về đạo đức, lối sống, đây là cái gốc. Nếu mà anh đứng đắn, có đạo đức tốt, có tư tưởng chính trị tốt thực sự vì dân vì Đảng thì làm sao phải tham nhũng. Cho nên lần này, dân rất đồng tình, ủng hộ. Trước khi họp, Trung ương xử lý một loạt, thi hành kỉ luật 13 tướng trong quân đội, quyết liệt xử lý vụ việc tham nhũng tiêu cực thuộc Bộ Y tế, cũng có ý kiến bây giờ đang dịch bệnh mà lại đi xử lý cán bộ y tế, tôi chỉ đạo việc nào đi việc ấy, khóa này người ta đang làm rất tốt, chống dịch bệnh nhưng mà đây là chuyện của khóa trước phạm tội buôn bán tham ô tham nhũng, chúng ta đã xử mà mới ở bước đầu, có thể khẳng định cuộc chiến phòng chống tham nhũng sẽ không ngừng không nghỉ”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, chính quyền Thành phố Hà Nội, và bà con nhân dân tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, cố gắng không bị động bất ngờ, thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, để tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội./.