Tổng Bí thư thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa
VOV.VN -Tổng Bí thư mong muốn Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.
Trong hai ngày 31/7 và 1/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa để kiểm tra kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và công tác xây dựng đảng. Cùng đi với Tổng Bí thư có lãnh đạo nhiều Ban, Bộ, ngành của Trung ương.
Sáng 1/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Khu Kinh tế Nghi Sơn. Khu Kinh tế này được thành lập từ năm 2006 với diện tích hơn 18.600 ha bao gồm 12 xã phía Nam của huyện Tĩnh Gia.
Sau gần 8 năm xây dựng và phát triển, nhờ phát huy lợi thế, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đến nay, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp đã thu hút 294 dự án với tổng vốn đầu tư là 362.345 tỷ đồng, tương đương 16,5 tỷ đôla Mỹ, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Trong đó có những dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển không chỉ của Thanh Hóa mà còn với cả nước như Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn; cảng nước sâu Nghi Sơn; Trung tâm luyện cán thép; xi măng…
Tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch cho phù hợp với định hướng phát triển; quản lý quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng; giải phóng mặt bằng, tái định cư, cải cách thủ tục hành chính… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thị sát công trình xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu có công suất 200 nghìn thùng/ngày; nhà máy xi măng; nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn có công suất 4600MW, hiện Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 hiện đã đi vào hoạt động và cảng Nghi Sơn.
Phát biểu tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa, của các cán bộ, kỹ sư, chuyên gia và công nhân đã và đang góp sức vào việc xây dựng các công trình, nhà máy. Phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn là hướng đi đúng đắn, cần thiết tại một khu vực bãi ngang rất khó khăn của Thanh Hóa. Bộ Chính trị và Trung ương đánh giá đây là một trong những khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, tạo động lực cho phát triển của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Nam Thanh – Bắc Nghệ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhiều ngành, lĩnh vực.
Tổng Bí thư chia sẻ với những khó khăn mà Khu Kinh tế Nghi Sơn đang gặp phải về xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, thu hút nguồn vốn…Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hy vọng từng bước Khu Kinh tế Nghi Sơn phát triển nhanh, vững chắc, đạt hiệu quả cao từ đó Thanh Hóa có bứt phá, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Chiều nay, 1/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt của tỉnh. Báo cáo với Tổng Bí thư, đồng chí Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy cho biết qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh đạt hơn 11%; quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2014 đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng cao gấp hơn 1,5 lần so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt hơn 1.300 đôla Mỹ/người. Năm 2013 tỉnh đứng thứ 8 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; đứng thứ 8 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Trong tổng số 24 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, Thanh Hóa hoàn thành vượt mức kế hoạch 6 chỉ tiêu; 13 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành kế hoạch và 5 chỉ tiêu còn lại là tốc độ tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách và tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh khó đạt kế hoạch nhưng cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
Thanh Hóa đã tích cực triển khai 6 chương trình trọng tâm là phát triển kinh tế- xã hội vùng biển; phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực; phát triển kinh tế- xã hội miền Tây Thanh Hóa và phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Trong công tác xây dựng đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa lãnh đạo triển khai toàn diện, đồng bộ, đúng nguyên tắc trong công tác tổ chức cán bộ, luân chuyển 39 người thuộc diện tỉnh ủy quản lý và 316 người thuộc diện cấp ủy huyện quản lý; thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân ở 31 xã, phường, thị trấn; triển khai Đề án lựa chọn những cán bộ trẻ, có triển vọng cử đi đào tạo tại nước ngoài.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và đánh giá cao những kết quả tích cực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong 4 năm qua trong điều kiện tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước gặp nhiều khó khăn.
Theo Tổng Bí thư một trong những nguyên nhân dẫn tới việc này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt: “Chỉ đạo công tác hết sức tập trung, quết liệt, ráo riết. Kể cả cá nhân hay tập thể, kể cả trên tỉnh cũng như các sở, ban, ngành… Phong cách làm việc có nhiều đổi mới. Có việc gì đã xuống tận nơi làm việc với bà con. Các đồng chí thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 như trong báo cáo với đoàn kiểm tra Bộ Chính trị. Đoàn đã đánh giá làm việc khá bài bản, tập trung, tích cực.”
Tuy nhiên, Tổng Bí thư nhắc nhở Thanh Hóa không được chủ quan. Thanh Hóa vẫn là một tỉnh nghèo; tăng trưởng GDP thấp; thu chưa đủ chi; số hộ nghèo còn 10%.
Trong thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị Thanh Hóa tập trung sức hoàn thành những nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XVII của tỉnh đã đề ra trong đó tập trung vào những chỉ tiêu khó, chưa thực hiện được. Cần đặt trong bối cảnh tình hình hiện nay bên cạnh thuận lợi cơ bản nhưng còn nhiều diễn biến khó khăn, phức tạp. Tập trung chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp cả về văn kiện và nhân sự; coi đây là cơ hội củng cố, chỉnh đốn xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, để tiếp tục kiện toàn cán bộ, chấn chỉnh nội bộ, chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu không làm tốt công tác xây dựng đảng, công tác cán bộ thì khó có thể phát triển được kinh tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở Thanh Hóa phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XI và của Trung ương là phát triển nhanh nhưng bền vững; phát triển không chỉ chú trọng tới kinh tế mà phải toàn diện: “Chúng ta phải phát triển nhanh mà bền vững, rộng nhưng phải chiều sâu, kinh tế gắn với xã hội và bảo vệ môi trường. Không ham chiều rộng, làm đâu chắc đấy. Chúng ta đề ra tăng trưởng đến 18-20% nhưng không đạt được. Giả sử có đạt được thì vấn đề môi trường, xã hội, con người như thế nào thì chưa chắc đã tốt. Mặc dù hiện nay đang rất bức bách về tăng trưởng cho nhanh nhưng nhanh mà phải bền vững.”
Tổng Bí thư cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa tập trung khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh nhất là việc phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn. Tập trung vào Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp vì đây là khâu đột phá, tập trung tháo gỡ khó khăn để làm tốt. Đồng thời chú ý tới kinh tế nông nghiệp, gắn nông nghiệp với chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản. Chú trọng mảng kinh tế biển. Có làm điều này tốt thì mới bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Về các kiến nghị của tỉnh, Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các Bộ, Ban, ngành quan tâm để tìm ra các cơ chế, chính sách và giải pháp khả thi để đạt hiệu quả cao.
Trước đó, chiều qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Thanh Hóa; thắp hương và đặt hoa tạị Đền thờ các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa đặt tại Khu Di tích lịch sử Hàm Rồng./.