Tổng Bí thư Trường Chinh dũng cảm đấu tranh với quan điểm bảo thủ
VOV.VN -Tổng Bí thư Trường Chinh cùng với Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng đã xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội Đảng lần thứ VI.
Hai từ “Đổi mới” được nhắc tới như một kỳ tích ở Việt Nam suốt 30 năm qua. Thành công của sự nghiệp mang tính cách mạng này được bắt đầu khi Đại hội VI của Đảng phát đi thông điệp mạnh mẽ về việc thực hiện đường lối đổi mới. Tuy nhiên, quyết tâm đổi mới đã thể hiện ngay trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI của Đảng, mà người đặt nền móng cho quá trình này là Tổng Bí thư Trường Chinh.
Những cống hiến đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư Trường Chinh năm 1986 đã đánh dấu mốc son chói lọi của Đảng trong lịch sử cách mạng Viêt Nam, một bước ngoặt trong tư duy lý luận của Đảng.
Tổng Bí thư Trường Chinh chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc dự Đại hội VI. (Ảnh tư liệu) |
Hơn 30 năm trước, đồng chí Trường Chinh đã nhận thấy sự cấp bách của đất nước cần đổi mới. Đó là thời điểm thật ngặt nghèo của đất nước. Bối cảnh quốc tế là các nước bao vây cấm vận nước ta. Liên Xô và Đông Âu bắt đầu cải cách mở cửa nên cắt giảm viện trợ. Đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề. Nền kinh tế vận hành thiếu năng động, kém hiệu quả. Đời sống nhân dân đói nghèo đến cùng cực. Với những người sống trong hoản cảnh đất nước lúc bấy giờ mới thấu hiểu hết giá trị của đổi mới.
Bà Phạm Thị Như Thủy (thôn Diên Khánh, xã Hải Thái, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) nhớ lại: “Thời tem phiếu, mua gì cũng phải xếp hàng; gạo, dầu, đường mỗi người đều mua theo tiêu chuẩn. Thời đó, cán bộ công nhân viên, mỗi tháng tiêu chuẩn 2 lạng rưỡi thịt và cá, còn dân chỉ được 1 lạng, rất là vất vả. Gạo thì chỉ được một phần còn lúc phải mua bằng khoai, lúc thì mì sợi, ngô. Mì, ngô, gạo thường xuyên bị mốc”.
Ông Nguyễn Văn Bình, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: “Thời bao cấp kinh tế hàng hóa không được lưu chuyển, không được luân chuyển, bán rất hạn chế. Nuôi con gà, con lợn mổ thịt cũng rất ngại. Vì vậy việc xóa bỏ bao cấp rất ý nghĩa".
Trước tình hình đó, có một số nơi manh nha đổi mới. Tuy nhiên, để trở thành chủ trương lớn của toàn Đảng, toàn dân về đổi mới thì chưa có. Đồng chí Trường Chinh đã thành lập một nhóm gồm những trí thức, nhà khoa học... có tư duy đổi mới (còn gọi là nhóm cố vấn Tổng Bí thư) để nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn đất nước, làm căn cứ phương pháp luận cho việc đổi mới. Đồng thời, tiến hành khảo sát thực tế tại 20 tỉnh, thành từ miền Nam, ra miền Trung và về miền Bắc. Mỗi tỉnh, mỗi địa phương là những đúc kết quan trọng làm cơ sở trong tư duy kinh tế của đồng chí Trường Chinh.
Qua khảo sát, đồng chí Trường Chinh bắt đầu nhận ra đã đến lúc đổi mới tư duy về lý luận cũng như tư duy về kinh tế. Đó là, phải bãi bỏ nền kinh tế hiện tại, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, phải có cơ chế tự hạch toán, tự chủ tài chính, phải bắt đầu áp dụng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước.
Là thành viên của nhóm nghiên cứu và được đồng chí Trường Chinh phân công viết 2 chuyên đề là “Chính sách kinh tế mới của Lê-nin áp dụng vào Việt Nam” và “Chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới”, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhớ lại: “Tổng Bí thư Trường Chinh giao cho tôi viết 2 chuyên đề này, và tôi được biết ông đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Thời điểm đó chúng ta phải dựa vào tư tưởng, chính sách kinh tế mới của Lê-nin để áp dụng vào Việt Nam, xóa bỏ cơ chế mệnh lệnh, quan liêu, bao cấp và thay vào đó quan hệ hàng hóa, tiền tệ. Đó là 2 tư tưởng quan trọng nhất của Lê-nin chúng ta đã áp dụng để khởi đầu cho công cuộc đổi mới”.
Tuy nhiên, quá trình đổi mới không hề bằng phẳng, không phải nói là thực hiện được ngay. Ở thời điểm đó vẫn còn tư duy, nhận thức khác nhau. Có lý do chủ quan và lý do khách quan. Có cả những lý do về nhận thức, hiểu biết chưa thay đổi được thói quen cũ. Đồng thời cũng có lý do của những người xa rời nhân dân, quan liêu hóa, chưa nhận thức hết vai trò quan trọng của đổi mới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đổi mới năm 1986 là cuộc đấu tranh nội bộ quyết liệt, giữa đổi mới hay không đổi mới và đồng chí Trường Chinh là tấm gương tự phê bình và phê bình, tự đổi mới mình, đổi mới Đảng.
“Khi đưa ra tư tưởng đổi mới tư duy kinh tế cũng như đổi mới tư duy lý luận của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã rất kiên trì, kiên trung với những tư tưởng, đường lối và bảo vệ những lý luận đó, dù có những lúc bị phê phán, phê bình. Đặc biệt khi bị những sức ép, kể cả những ý kiến phê phán gay gắt, đồng chí Trường Chinh vẫn bảo vệ. Và trong quá trình đổi mới ấy không phải lúc nào cũng thành công hết mà có những giai đoạn thiếu sót, khiếm khuyết. Bởi giữa quá trình đổi mới tư duy ấy, có người thông nhưng có những người không thông. Họ có thể đồng ý đổi mới nhưng cách làm của họ chưa đổi mới” - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý nói.
Từ khảo sát thực tế sinh động và quyết tâm tự đổi mới mình, đổi mới Đảng, tại các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8, 9 (khóa V), những phát biểu tâm huyết đồng chí Trường Chinh đã gây tiếng vang trong cả nước, người dân chuyền tay nhau đọc. Những tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở, suy tư của cán bộ, đảng viên, của quần chúng nhân dân trong bao lâu không nói ra được thì lúc này, nhờ những quan điểm đổi mới, những phân tích sâu sắc của đồng chí Trường Chinh đã nói thay cho họ.
Bằng lý luận, phương pháp luận, nghiên cứu thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm, Tổng Bí thư Trường Chinh là người lát viên gạch đầu tiên để xây nên ngôi nhà “đổi mới”, dũng cảm tiến hành cuộc đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, Tổng Bí thư Trường Chinh đã cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng./.
Hình ảnh tư liệu về đồng chí Trường Chinh-Tổng Bí thư của “Đổi mới”