Tổng kết Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị về các hội quần chúng

Qua 13 năm thực hiện Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị, công tác chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với các hội quần chúng có chuyển biến tích cực, quản lý Nhà nước được tăng cường...

Sáng 12/1, tại Đà Nẵng, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị tổng kết Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị (khóa 8) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng chủ trì hội nghị.

Báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Chỉ thị 42 do Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết trình bày tại hội nghị nêu rõ: Hiện nay, cả nước có hơn 430 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, 3.500 hội hoạt động ở phạm vi cấp tỉnh, cấp huyện. Ở Trung ương, hiện có 25 hội được Nhà nước giao biên chế, gồm các hội được công nhận là tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và một số hội được giao nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

Qua 13 năm thực hiện Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị, công tác chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với các hội quần chúng có chuyển biến tích cực, quản lý Nhà nước được tăng cường, sự phối hợp với các hội quần chúng có bước phát triển, hoạt động đúng pháp luật, điều lệ, tôn chỉ mục đích.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết nêu rõ: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các ủy đảng trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân thông qua các hội, cùng với việc lãnh đạo định hướng công tác cán bộ phụ trách các hội là yếu tố quyết định trong việc phát triển và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng.

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, nhấn mạnh: Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị Khóa 8 đã khẳng định sự quan tâm của Đảng đối với các hội quần chúng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội với các hội quần chúng, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

Quan điểm của Đảng ta trong thời gian tới là tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước đối với các hội quần chúng; tạo môi trường pháp lý phù hợp nhằm phát huy tiềm năng của các hội, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia quản lý và phát triển xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên