Tổng Thanh tra Chính phủ: Ngăn chặn hành vi tham nhũng lợi ích nhóm
VOV.VN -Trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện ngăn chặn đẩy lùi các hành vi tham nhũng nói chung, trong đó có lợi ích nhóm.
Thời gian qua, công tác thanh tra đã có chuyển biến tích cực, việc phát hiện và xử lý vi phạm tham nhũng tăng lên đã cho thấy những nỗ lực của ngành thanh tra. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được ngành thanh tra xử lý, qua đó, từng bước giải quyết được những bức xúc của người dân. Trong Chương trình dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh sẽ chia sẻ biện pháp giải quyết những vụ việc thanh tra được dư luận quan tâm thời gian qua.
PV: Thưa ông, trong báo cáo 9 tháng năm nay, Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh cho biết là không phát hiện trường hợp nào tham nhũng. Trước đó, Thanh tra thành phố Hà Nội cũng có báo cáo tương tự là không phát hiện tham nhũng. Vậy, Tổng Thanh tra đánh giá như thế nào về báo cáo này?.
Ông Huỳnh Phong Tranh: Theo chức năng nhiệm của ngành thanh tra được pháp luật quy định, thì thanh tra là một giải pháp vừa phát hiện, răn đe hành vi tiêu cực, có dấu hiệu tham nhũng.
Ông Huỳnh Phong Tranh. |
Trong thời gian qua, ngành thanh tra cả nước cùng với các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ này.
Riêng Thanh tra Hà Nội trong 9 tháng đầu năm, đã chuyển cơ quan điều tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm được 7 vụ việc.
Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh chuyển được 4 vụ việc. Có thể nói, Thanh tra Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh làm được việc này, là rất tích cực.
Tuy nhiên, việc xác định tội danh tham nhũng theo quy định của pháp luật, thì chỉ khi nào Tòa án phán quyết tội danh đó, thì mới gọi là tội danh tham nhũng, nên đối với ngành thanh tra chức năng chúng tôi thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chúng tôi chuyển cơ quan điều tra để cơ quan điều tra làm rõ, và chuyển truy tố, cơ quan xét xử.
Có thể nói, cố gắng của ngành thanh tra thời gian qua, chúng tôi thể hiện hết sức trách nhiệm.
Tuy nhiên, một số vụ việc chuyển chưa được nhiều, nên thời gian tới chúng tôi quyết tâm cao hơn để làm sao ngăn chặn, phát hiện răn đe để chuyển cơ quan điều tra được nhiều hơn.
PV: Có thể thấy, tham nhũng đang ngày một tinh vi, được che chắn kỹ càng dưới những vỏ bọc khác nhau. Ví dụ như tình trạng lợi ích nhóm chẳng hạn. Vậy theo ông, ngành thanh tra cần cách thức nào để phát hiện tham nhũng?
Ông Huỳnh Phong Tranh: Trong những năm gần đây, những vụ việc phát hiện về tham nhũng thì có xuất hiện biểu hiện của lợi ích nhóm, điều này thể hiện những điểm sau.
Thứ nhất, khi phát hiện vi phạm thì có một nhóm dù ở những cương vị khác nhau nhưng câu kết chặt chẽ để tạo thành nhóm, tiêu cực và tham nhũng lấy tiền và tài sản của nhà nước.
Thứ hai, trong điều kiện của một đơn vị, cơ quan cũng có một nhóm người sử dụng tiền và tài sản của nhà nước không đúng mục đích, lấy phúc lợi của cơ quan chia nhau để vụ lợi cho mình.
Thứ ba, trong hoạt động ngân hàng, trong báo cáo năm 2015, của thanh tra ngân hàng nhà nước thì trong hoạt động ngân hàng cũng có biểu hiện lợi ích nhóm, câu kết nhau để làm thất thoát tiền, tài sản của nhà nước.
Có thể nói rằng, lợi ích nhóm hiện nay thể hiện rất tinh vi, mang lại hậu quả cũng rất lớn. Biểu hiện thứ nhất là cấu kết nhau rất chặt chẽ thành một nhóm người, tạo thành một việc tinh vi, khó phát việc. Biểu hiện thứ hai là, làm vô hiệu hóa thiết chế dân chủ ở cơ quan đơn vị.
Biểu hiện thứ ba là, tạo ra lợi ích nhóm từ xây dựng cơ chế chính sách để làm vụ lợi cho cá nhân, cho nhóm của mình. Vì vậy, thời gian tới, trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đồng bộ thì phải có những giải pháp thiết thực, ngăn chặn đẩy lùi các hành vi tham nhũng nói chung, trong đó có hành vi tham nhũng lợi ích nhóm.
PV: Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế, chỉ số cảm nhận tham nhũng – tức là chỉ số dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về tham nhũng tại Việt Nam sau 15 năm đã tăng lên từ 23 lên 31, trên thang điểm 100. Theo ông, mức đánh giá này đã phản ánh đúng thực tế công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam chưa?
Ông Huỳnh Phong Tranh: Đối với Việt Nam trong những năm vừa qua, việc thực thi công ước Liên Hợp quốc, cũng như những nhiệm vụ phòng chống tham nhũng trong nước chúng ta có những chuyển biến hết sức tích cực.
Trong 15 năm vừa qua, năm 2001, Việt Nam được đánh giá 25 điểm/100 điểm, 2010 được 27 điểm/100 và năm 2014, 31 điểm/100 điểm.
Đây là một sự tiến bộ của LHQ, cụ thể là Tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá. Họ đánh giá, yếu tố thứ nhất là hoàn thiện thể chế, thì Việt Nam hoàn thiện thể chế từ sớm, bắt đầu từ luật từ Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi năm 2007, và sửa đổi lần thứ 3 vào năm 2012.
Hiện nay, đang tổng kết 10 Luật để sửa luật toàn diện. Việt Nam đề ra chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Nhiều luật khác liên quan cũng tham gia để điều chỉnh hành vi tham nhũng.
Có thể nói, việc hoàn thiện thể chế của Việt Nam đã có bước tiến rất dài. Họ cũng đánh giá, Việt Nam dân chủ và công khai minh bạch, từ khi xây dựng Hiến pháp.
Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đều lấy ý kiến nhân dân. Các luật, nghị định, thông tư đều lấy ý kiến của nhân dân đóng góp.
Về công khai minh bạch, thì Việt Nam luôn công khai minh bạch với người dân. Từ Chính phủ đến các cơ quan nhà nước, chính quyền ở địa phương đều công khai minh bạch các hoạt động của mình cũng như trong các hoạt động kinh tế xã hội, kỳ họp Quốc hội, diễn đàn thì Việt Nam đều công khai minh bạch việc này.
Họ cũng đánh giá trách nhiệm giải trình của Việt Nam tốt, so với một số nước thì Việt Nam thường xuyên từ Chính phủ, cơ quan nhà nước các cấp chú trọng giải trình những vấn đề được người dân, báo chí, dư luận quan tâm.
Nội dung, công khai trước Quốc hội, giải trình trước Quốc hội, đặc biệt, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng trả lời chất vấn trước các kỳ họp Quốc hội, cũng là một trách nhiệm giải trình.
Vì vậy, quốc tế, Tổ chức minh bạch thế giới đánh giá ở 3 yếu tố hoàn thiện thể chế, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình tốt, nên trong 15 năm Việt Nam tăng 6 điểm so với các nước khác.
PV: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đang đến gần, tuy nhiên một số vụ việc khiếu nại, tố cáo vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Với trách nhiệm được phân công trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ Đại hội, Thanh tra Chính phủ và ngành tranh có giải pháp như nào để đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý tham nhũng gây bất bình trong dư luận thời gian qua, thưa ông?
Ông Huỳnh Phong Tranh: Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và chủ trương của Tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, trong năm 2014 và 2015 Thanh tra Chính phủ đã quan tâm, phối hợp với các cấp các ngành để giải quyết những vụ việc khiếu nại tố cáo của người dân. Đặc biệt những vụ việc phức tạp, đông người gay gắt và kéo đông người về thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Đến thời điểm này, ngành thanh tra phối hợp và tham mưu cho các ngành các cấp, giải quyết kịp thời những vụ việc phát sinh mới. Đồng thời tích cực triển khai giải quyết những vụ việc tồn đọng kéo dài để ổn định tình hình, an ninh trật tự an toàn xã hội phục vụ cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.
Hiện nay, tình hình khiếu nại, gay gắt phức tạp vẫn còn nhưng chúng ta kiểm soát được tình hình và đảm bảo được yêu cầu hoạt động trong Đại hội Đảng của các cấp, cũng như kỳ họp Quốc hội khóa XIII.
Thời gian sắp tới, Thanh tra Chính phủ cùng với các bộ, ngành, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị giao ban ở 3 khu vực, Đồng bằng Sông Cửu Long, Miền Trung Tây Nguyên và khu vực phía Bắc để bàn chủ trương, biện pháp phối hợp giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người.
Chúng tôi tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, hệ thống chính trị để việc giải quyết tạo sự đồng thuận cho người dân, quan điểm giải quyết dứt điểm vụ việc, để người dân không còn khiếu nại đông người phức tạp.
Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, đôn đốc phối hợp để trong công tác giải quyết khiếu nại đạt hiệu quả, tạo sự đồng thuận, để người dân thực hiện quyền nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo của mình.
Đồng thời chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo an toàn tuyệt đối trong giải quyết khiếu nại tố cáo cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, cũng như bầu cử quốc hội, Hội đồng nhân dân sắp tới.
PV: Vâng, xin cảm ơn Tổng Thanh tra Chính phủ!./.