Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Không để quá khứ ngăn cản tương lai
VOV.VN - “Mặc dù còn có những khác biệt nhưng điều đó sẽ không cản trở sự phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ”.
Đây là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Nam Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tiến sĩ Nguyễn Nam Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Việt Nam. |
PV: Trong cuộc họp báo ngày 19/5 tại Washington DC, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cho rằng “Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama là chỉ dấu về những tiến bộ vượt bậc trong quan hệ giữa hai nước”. Theo ông những tiến bộ vượt bậc này thể hiện ở những khía cạnh nào?
TS. Nguyễn Nam Dương: Có thể nói rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama đã nhận được sự đồng thuận cao giữa 2 nước.
Theo tôi, chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam có ý nghĩa nhằm tiếp tục triển khai các biện pháp hợp tác trong khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện được thiết lập năm 2013 trong chuyến thăm Mỹ của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có chuyến thăm Mỹ. Chính vì vậy, chuyến thăm của Tổng thống Obama lần này có thể xem là một sự “đáp lễ” đối với các chuyến thăm trên và nó mang ý nghĩa biểu tượng rất cao đối với quan hệ hai nước.
Cá nhân tôi cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Obama thăm chính thức Việt Nam cũng đã cho thấy sự phát triển vượt bậc của quan hệ Việt - Mỹ thời gian qua. Kết quả của chuyến thăm sẽ phụ thuộc vào những thỏa thuận mà 2 bên đạt được. Tuy nhiên, dù sao chuyến thăm cũng cho thấy hai bên đã đạt được sự nhất trí cao nhằm tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác toàn diện giữa 2 nước.
PV: Theo ông trong chuyến thăm này 2 bên sẽ thảo luận những biện pháp hợp tác cụ thể nào để làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước?
TS. Nguyễn Nam Dương: Theo tôi, tất cả những trụ cột hợp tác trong khuôn khổ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ sẽ được đề cập đến trong các cuộc gặp sắp tới giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Tổng thống Obama.
Có thể nói rằng, hai nước hiện có rất nhiều điểm chung để có thể thắt chặt hơn mối quan hệ, trong đó một điểm chung nổi bật là hai bên đều có lợi ích trong việc duy trì ổn định, hòa bình, trật tự tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm Việt Nam từ ngày 23- 25/5. (ảnh: Burns). |
Bên cạnh đó, mong muốn thúc đẩy hợp tác về kinh tế cũng là động lực chính cho sự hợp tác này. Đối với nước Mỹ, nhu cầu phục hồi kinh tế là rất lớn, nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009.
Gần 10 năm trôi qua kể từ cuộc khủng hoảng, kinh tế Mỹ đã và đang dần được cải thiện, nhưng để cho kinh tế Mỹ có thể xứng tầm với vai trò và vị thế của một siêu cường thì Mỹ cần phải tiếp tục tập trung mở rộng và phát triển nền kinh tế hơn nữa. Còn đối với Việt Nam, nhu cầu phát triển kinh tế bao giờ cũng là nhu cầu cấp bách, thường trực, nhất là trong bối cảnh ngày nay.
Đặc biệt, vấn đề 2 nước đều quan tâm hiện nay là việc thúc đẩy triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi Hiệp định đi vào thực tiễn. Có thể nói, TPP hiện là ưu tiên không chỉ của Việt Nam và Mỹ mà còn của nhiều nước tham gia vào Hiệp định này.
Theo tôi, hợp tác kinh tế bao giờ cũng là trọng tâm trong quan hệ Việt - Mỹ. TPP sẽ là khuôn khổ hợp tác kinh tế có chất lượng cao trong thế kỷ 21. Chính vì vậy tôi cho rằng, TPP là vấn đề được ưu tiên bàn thảo trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Mỹ Obama.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Mỹ Obama là nhằm bàn những biện pháp tăng cường hợp tác trong tương lai chứ không phải là khơi lại quá khứ? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Nguyễn Nam Dương: Việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong quá khứ cũng như là hướng đến tương lai có quan hệ biện chứng với nhau.
Nếu chúng ta không thể giải quyết các vấn đề quá khứ thì cũng không thể hướng tới tương lai được. Ngược lại, nếu không hướng tới tương lai thì cũng không thể giải quyết các vấn đề quá khứ.
Mặc dù cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc hơn 40 năm, tuy nhiên một số hậu quả của cuộc chiến đối với người dân Việt Nam vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Để giải quyết vấn đề này hai nước cần phải tập trung vào lợi ích lâu dài, nhất là việc triển khai các biện pháp hợp tác trong khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện. Không nên để vấn đề quá khứ ảnh hưởng đến mối quan hệ rất có tiềm năng này. Thực tế hiện nay cho thấy nhu cầu hợp tác đang chiếm ưu thế trong quan hệ Việt - Mỹ.
Tuy nhiên, cũng như bất kỳ mối quan hệ nào khác, hiện quan hệ Việt - Mỹ cũng có một số trở ngại. Những trở ngại này xuất phát từ sự không cân xứng giữa 2 nước: một bên là một siêu cường của thế giới, một bên là nước đang phát triển; một bên là nước phương Tây, một bên là nước phương Đông… Nhưng cá nhân tôi cho rằng, dù còn có những trở ngại nhưng nó sẽ không cản trở sự phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ trong tương lai.
*** Xin trân trọng cảm ơn ông!./. Chuyến thăm của TT Obama: Chỉ dấu về tiến bộ trong quan hệ Việt - Mỹ