Tổng thống Pháp thăm Việt Nam: Luồng gió mới cho quan hệ hai nước
VOV.VN - Chuyên gia Pierre Journoud cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống Hollande sẽ thổi một luồng gió mới cho quan hệ lâu đời Việt Nam-Pháp.
Chuyến thăm Việt Nam từ 5-7/9 của Tổng thống Pháp Francois Hollande rất được chờ đợi, sẽ thổi một luồng gió mới, một động lực mới cho mối quan hệ lâu đời và tốt đẹp giữa hai nước về mặt chính trị nhưng chưa tương xứng về khía cạnh hiệu quả hợp tác kinh tế thương mại. Các nhà phân tích, các doanh nghiệp của Pháp đều bày tỏ niềm mong đợi vào chuyến thăm Việt Nam sau 12 năm của một Tổng thống Pháp, đặc biệt sau khi hai nước đã trở thành Đối tác chiến lược vào năm 2013.
Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp được thiết lập chính thức ở cấp đại sứ vào năm 1973. Ngay khi đó, Pháp là một trong những nước phương Tây đầu tiên hỗ trợ Việt Nam trong quá trình khôi phục đất nước sau chiến tranh với đỉnh cao là chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tháng 4/1977.
Đến năm 1989, sau khi cải thiện quan hệ bị ảnh hưởng bởi vấn đề Campuchia, Pháp đã đi đầu các nước phương Tây trong khai thông quan hệ với Việt Nam, xóa nợ cho Việt Nam, giúp Việt Nam giải quyết nợ với các nước chủ nợ thành viên CLB Paris.
Luật sư Gérard Ngô cho rằng, Pháp ý thức việc phát triển quan hệ tốt nhất có thể với Việt Nam, bởi nhiều lý do từ lịch sử, chính trị, văn hóa...
Trong hơn 40 năm qua, quan hệ hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, với việc trao đổi nhiều đoàn cấp cao và có nhiều cơ chế hợp tác, đáng chú ý như Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế… Năm 2013, nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nước đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- Pháp. Hợp tác song phương được thúc đẩy trong hầu hết các lĩnh vực; đồng thời quan hệ đa phương cũng có nhiều bước tiến trong khuôn khổ Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và nhiều tổ chức quốc tế lớn.
Đến nay, Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam; đứng thứ ba trong các nước châu Âu và thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Pháp là nhà tài trợ Châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại Châu Á. Hai nước đã ký 16 thỏa thuận hợp tác và dự kiến trong chuyến thăm này của Tổng thống Francois Hollande, sẽ có hơn 20 thỏa thuận hợp tác mới được ký kết trong các lĩnh vực tư pháp, khoa học, giáo dục đại học, y tế...
Chuyên gia lịch sử quân sự Pierre Journoud – người sẽ tháp tùng Tổng thống Pháp trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới nhận định, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Francois Hollande rất được chờ đợi bởi cả hai phía, đặc biệt trong việc thúc đẩy hiệu quả hợp tác kinh tế- thương mại- đầu tư hiện chưa tương xứng với quan hệ tốt đẹp về chính trị.
Chuyên gia Lịch sử quân sự Pierre Journoud |
Theo ông Pierre Journoud chuyến đi này đến đúng thời điểm, thời điểm mà cả Pháp và Việt Nam đều cần có một luồng gió mới, một động lực mới cho mối quan hệ về tổng thể là tốt đẹp ở mọi cấp độ giữa hai nước, từ chính phủ, các cơ quan chính quyền, cho tới các địa phương, các tổ chức xã hội dân sự…
Nhìn chung đó là một mối quan hệ dày, phong phú đa dạng nhưng hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại chưa tương xứng; khi kim ngạch trao đổi hai nước chưa chiếm đến 1% tổng kim ngạch của Pháp.
Ông Pierre Journoud cho rằng, một trong những mục đích chính trong chuyến đi này của ông Francois Hollande sẽ là thiết lập một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Nước Pháp có nhiều sản phẩm để chào mời phía Việt Nam nhưng quan trọng hơn cả là tư duy.
Việt Nam có mối quan hệ kinh tế rất mạnh với các nước ASEAN, với Trung Quốc – đối tác hàng đầu của họ, với Mỹ kể từ sau khi bỏ cấm vận năm 1995… nên dù Pháp có rất nhiều thế mạnh nhưng cũng phải thay đổi để thích ứng với thị trường Việt Nam. “Chúng ta cần bước vào một mối quan hệ mới bình đẳng, bổ trợ lẫn nhau và có tính lâu dài”, ông Pierre Journoud nói.
Chuyên gia phân tích quân sự Jean Vincent Brisset cho rằng chuyến thăm Việt Nam lần này có ý nghĩa quan trọng trong cả chính sách đối ngoại và đối nội của chính quyền của Tổng thống Francois Hollande.
“Bắt đầu từ tháng 9 này ông Francois Hollande sẽ chính thức bước vào chiến dịch tranh cử để tái nhiệm chức Tổng thống Pháp. Vì thế, không thể tách chuyến đi này khỏi lịch trình tranh cử của ông Hollande, nghĩa là ông ấy cũng thấy sự cần thiết phải có động thái thu hút các cử tri là người Pháp gốc Việt. Tiếp theo là ý muốn của ông Hollande mang lại một hình ảnh, mà hình ảnh này đang ngày càng yếu đuối hơn, về vị thế nước Pháp trên thế giới. Tất cả những điều này hòa quyện với nhau.
Ngoài ra phải kể đến ý tưởng của ông Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Jean Yves Le Drian tuyên bố tại Singapore cách đây vài tháng về việc nước Pháp cần có sự hiện diện mạnh mẽ hơn tại biển Đông. Dĩ nhiên việc này phức tạp và mang tính lâu dài nhưng có thể nói tất cả các yếu tố này đan xen với nhau, tạo ra những kỳ vọng lớn về tầm vóc của chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Hollande”, chuyên gia Jean Vincent Brisset phân tích.
Là luật sư Pháp đầu tiên mở văn phòng luật tại Việt Nam vào năm 1993, luật sư Gérard Ngô theo dõi sát sao tình hình quan hệ hai nước từ những năm đầu. Ông khẳng định nước Pháp, với chính sách hướng Đông mạnh mẽ, rất nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Việt Nam; trong đó ưu tiên hàng đầu là cải thiện hợp tác kinh tế - thương mại- đầu tư. Nước Pháp ý thức việc phát triển quan hệ tốt nhất có thể với Việt Nam, bởi nhiều lý do từ lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế- thương mại… hơn nữa, Việt Nam có thể giúp thúc đẩy phong trào Pháp ngữ trong khu vực.
Riêng trong năm nay, đã có Chủ tịch Quốc hội Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng cùng nhiều đoàn khác sang thăm Việt Nam. Phía Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ với nước Pháp, dù phải thừa nhận là ngày nay, ảnh hưởng của văn hóa Pháp hay phong trào học và nói tiếng Pháp giảm sút nhiều tại Việt Nam.
Luật sư Gérard Ngô cho rằng, nước Pháp đang có những nỗ lực lớn để khôi phục lại ảnh hưởng ở khu vực, cũng như tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, bởi chỉ khi quan hệ kinh tế thương mại hiệu quả, những người học tiếng Pháp có cơ hội tìm việc làm tốt, thì khi đó nước Pháp mới cạnh tranh được với các quốc gia nói tiếng Anh tại Việt Nam và châu Á.
Thượng nghị sỹ Hélène Luc |
Đối với Thượng nghị sỹ Hélène Luc, Chủ tịch Danh dự của Hội hữu nghị Pháp - Việt – người được điện Elysee mời tham dự đoàn tháp tùng Tổng thống Pháp sang thăm Việt Nam, thì chuyến đi có tầm quan trọng đặc biệt kết nối với tổng thể mối quan hệ lâu đời Pháp Việt từ trong quá khứ. "Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Hollande rất quan trọng bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Pháp sau 12 năm. Tôi nghĩ đến năm nay cũng là năm kỷ niệm 105 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến nước Pháp đi tìm đường cứu nước, khi đó và sau này, Người cũng không hề mong muốn xảy ra một cuộc chiến tranh giữa hai nước. Tôi cho rằng chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Hollande sẽ mở ra một bước phát triển mới cho quan hệ hai nước,đặc biệt khi hai nước đã thành đối tác chiến lược của nhau. Quan hệ phải được phát triển cân bằng, bởi nước Pháp cũng rất cần đến Việt Nam để hợp tác vì những lợi ích chung của hai quốc gia".
Chuyến thăm Việt Nam sau 12 năm của một Tổng thống Pháp, lần này của Tổng thống Francois Hollande rất được kỳ vọng. Trong bối cảnh nước Pháp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần thì việc sắp xếp chuyến đi càng thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao đối với vị thế, tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam. Về phía Pháp sự quyết tâm thể hiện rất rõ cả trong chính quyền lẫn các doanh nghiệp Pháp để làm sao thúc đẩy hiệu quả hợp tác một cách thiết thực, làm sao Việt Nam trở thành đối tác chính của Pháp tại Đông Nam Á./.
Hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ trên đất Pháp