Tổng thư ký IPU ủng hộ Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam
VOV.VN -Tổng thư ký IPU Martin Chungong ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập Kênh truyền hình Quốc hội tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tầm quan trọng của việc phải thiết lập một Kênh truyền hình Quốc hội là một nội dung thảo luận tại Đại hội đồng IPU 131 diễn ra từ 13 - 16/10 tại Genève, Thụy Sỹ. Đa số các đại biểu đều ủng hộ việc thiết lập một Kênh truyền hình để đưa hoạt động của Quốc hội lại gần với cử tri, tăng tính minh bạch và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU 131, tại phiên thảo luận chung của Hiệp hội các Tổng thư ký nghị viện, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt nam Nguyễn Hạnh Phúc đã có bài phát biểu với chủ đề "Tại sao phải có Kênh truyền hình nghị viện: Trường hợp của Việt Nam".
Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ các lý do Việt nam quyết định thành lập Kênh truyền hình Quốc hội. Thứ nhất, Kênh truyền hình Quốc hội ra đời đáp ứng yêu cầu nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội. Đối với trường hợp của Việt Nam, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định một trong những mục tiêu được đặt ra là cần phải xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Để xây dựng nhà nước pháp quyền thì việc đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy Nhà nước là một trong những yêu cầu cơ bản. Việc thành lập Kênh truyền hình Quốc hội chính là để chuyển tải thông tin về các hoạt động của Quốc hội đến các cử tri một cách đầy đủ hơn, chi tiết hơn, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.
Thứ hai, việc thành lập Kênh truyền hình Quốc hội bảo đảm nhu cầu tiếp cận thông tin về hoạt động của Quốc hội ngày càng cao của các cử tri. Thứ ba, Kênh truyền hình Quốc hội đáp ứng nhu cầu kết nối của các cử tri với các đại biểu Quốc hội.
Phần phân tích của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo đại biểu IPU. Bởi từ trước đến nay, tại IPU đã có nhiều cuộc thảo luận về chủ đề truyền thông và nghị viện, gợi mở cách thức để tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, trong đó, nhiều quốc gia phát triển như Thụy Điển, Pháp... đã có Kênh truyền hình Quốc hội.
Tổng thư ký IPU Martin Chungong bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc thành lập một Kênh truyền hình Quốc hội : "Chúng tôi nghĩ rằng để hoạt động nghị viện dân chủ thì phải minh bạch, rộng mở, phải để cử tri có thể tiếp cận mọi thông tin và do đó, việc lập một Kênh truyền hình Quốc hội là một cách thức rất tốt. Truyền hình Quốc hội là một cách giải thích, giới thiệu đến người dân về hoạt động của Quốc hội và qua đó, thúc đẩy minh bạch, lòng tin và dân chủ. Tôi rất ủng hộ việc thành lập Kênh truyền hình Quốc hội tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam".
Đại sứ Anda Filip, Vụ trưởng phụ trách quan hệ đối ngoại và các nghị viện thành viên của IPU cho rằng : "Thành lập Kênh truyền hình Quốc hội là một con đường, giải pháp cốt lõi trong việc thúc đẩy dân chủ. Là kênh quan trọng để cung cấp thông tin cho người dân về mọi quyết định, thảo luận của Quốc hội. Có một đài phát thanh và truyền hình là một cách đưa các hoạt động nghị viện kết nối trực tiếp với người dân và đó là một hành động rất tốt”.
Về cách thức vận hành, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc thông báo cho đông đảo đại biểu IPU rằng Kênh truyền hình Quốc hội của Việt Nam sẽ được đặt tại Đài Tiếng nói Việt Nam để tận dụng nguồn lực sẵn có của cơ quan này, giúp kênh có thể nhanh chóng được đưa vào vận hành. Ngoài ra, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có lợi thế trong việc kết hợp giữa phát thanh và truyền hình để phủ sóng chương trình trên phạm vi cả nước, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân.
Nội dung của Kênh truyền hình Quốc hội dự kiến không chỉ bao gồm các chương trình truyền hình trực tiếp các phiên họp của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội mà còn kết hợp với các chương trình khác để nâng cao nhận thức của các cử tri về tổ chức và cách thức vận hành của thiết chế đại diện; về quyền và cách thức tham gia của các cử tri vào quá trình ban hành các quyết định của Quốc hội.
Quan tâm đến chủ đề này, nghị sỹ trẻ của Campuchia Many Hun cho biết: “Đất nước tôi mới truyền lại các phiên họp Quốc hội, dù chưa trực tiếp, nhưng chúng tôi đang bàn thảo để tiến tới truyền trực tiếp. Quốc hội Campuchia cũng đang thảo luận kỹ lưỡng xem nên làm cách nào để thúc đẩy mạnh mẽ hơn vai trò của Quốc hội trong nước cũng như trên các diễn đàn quốc tế như IPU. Thành lập một Kênh truyền hình Quốc hội là một việc quan trọng cần nghĩ đến để thúc đẩy vai trò của Quốc hội và tăng sự kết nối với người dân, nhưng dĩ nhiên cũng sẽ có những khó khăn, thử thách”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng thông báo đến với các đại biểu IPU sau quá trình chuẩn bị kỹ càng, dự kiến Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ đi vào phát sóng trong quý 4 năm 2014.
Mặc dù có bước khởi đầu tương đối thuận lợi, nhưng để vận hành kênh một cách hiệu quả, còn nhiều thách thức phía trước cần phải vượt qua. Thứ nhất, là phải tạo ra sự hấp dẫn của các nội dung chương trình đối với các cử tri, vượt qua sự khô khan của các vấn đề chính trị, thu hút được sự quan tâm của người dân. Thứ hai, cần phải đảm bảo được sự khách quan, bình đẳng trong việc cung cấp thông tin tới các cử tri. Việc đảm bảo tính khách quan, bình đẳng còn bao hàm cả việc đưa tin một cách đồng đều về hoạt động của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, bảo đảm tất cả các đại biểu, các cơ quan của Quốc hội đều có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận với các cử tri. Để vượt qua những thách thức này, Quốc hội Việt Nam hy vọng tiếp tục được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với Nghị viện các nước đi trước./.