“TPHCM cần phải xem “cái áo” đang mặc chật ở đâu, chật như thế nào?“
VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu TPHCM đề xuất các cơ chế mới, tháo gỡ cho được các điểm nghẽn để tạo một không gian phát triển rộng lớn hơn.
Sáng 23/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện nhân, lãnh đạo nhiều bộ, ban ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TPHCM
Theo đánh giá của các bộ, ngành, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả kinh tế xã hội khả quan, đi đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để tạo bước phát triển mạnh mẽ hơn, Thành phố cần chú trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các cửa ngõ ra vào thành phố, hệ thống giao thông nội đô. Bên cạnh đó, cần chọn lọc các nhà đầu tư, phát triển các ngành công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp theo chiều sâu.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt Quy hoạch vùng mà Bộ Xây dựng đã trình, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chủ trì một hội nghị về liên kết vùng tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 này. Trên cơ sở đó để Thành phố phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông.
Thành phố cũng đề nghị rà soát lại quy hoạch giao thông để thu hút đầu tư theo trọng tâm trọng điểm; rà soát lại quy hoạch hệ thống thoát nước của Thành phố để ứng phó với biến đổi khí hậu. Thành phố sẽ mời các chuyên gia để góp ý vào phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và trình Trung ương và Chính phủ xem xét quyết định.
Thay mặt Thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cam kết thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc |
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp lớn của Thành phố Hồ Chí Minh vào phát triển kinh tế xã hội cả nước sau 30 năm đổi mới.
Thành phố không chỉ có vai trò trung tâm đối với phát triển vùng mà là còn đối với cả nước trong mọi lĩnh vực. Thủ tướng ấn tượng về sự năng động của thành phố trong nhiều lĩnh vực, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân, trở thành một động lực cho sự phát triển của thành phố.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận buổi làm việc |
Tuy vậy, thẳng thắn nêu lên những bất cập, Thủ tướng cho rằng, Thành phố đang gặp phải thách thức về mục tiêu tăng trưởng GDP, bởi nửa đầu năm mới tăng trưởng 7,76%. Do vậy nửa cuối năm phải tăng trưởng 8,5% thì mới đạt mục tiêu đề ra cho cả năm. Việc hoàn thành chỉ tiêu này rất quan trọng đối với cả nước, bởi cứ 1% tăng trưởng GDP cả nước thì thành phố đóng góp 0,21%.
Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh của Thành phố tụt hạng khi năm ngoái chỉ đứng thứ 8. Một số chỉ tiêu thành phần đứng dưới mức trung bình như chỉ tiêu chi phí không chính thức, sự cạnh tranh bình đẳng… Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tuy tăng mạnh nhưng tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư lại thấp. Khu công nghệ cao của Thành phố thu hút đầu tư tốt nhưng mức độ nội địa hóa và tạo giá trị gia tăng nhỏ. Nửa đầu năm khu này xuất khẩu đạt 4,6 tỉ USD thì nhập khẩu đến 4,15 tỉ USD.
Trong khi đó, cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý khi nông nghiệp chiếm 1% GDP nhưng chiếm 45% diện tích đất. Sau nhiều năm, diện tích các khu chế xuất và công nghiệp không được mở rộng tương xứng. Những nút thắt về hạ tầng đô thị, ùn tắc, úng ngập, ô nhiễm cũng đang làm mất tính hấp dẫn, tính cạnh tranh của thành phố. Trong khi đó, nhiều công trình lớn, quan trọng của thành phố chậm được triển khai.
Thành phố còn đang gặp phải một số thách thức như tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nhất là lượng rác thải lớn nhất cả nước nhưng xử lý chưa thực sự hiệu quả. Năng suất lao động của thành phố gấp 2,9 lần bình quân cả nước nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.
Trước thực tế đó, Thủ tướng đề nghị Thành phố trước mắt cần tập trung tháo gỡ nút thắt về cơ sở hạ tầng. Cụ thể, theo Thủ tướng phải tập trung tháo gỡ những nút thắt, ví dụ đường đường vành đai hai, đường vành đai ba với sự hỗ trợ của Trung ương như thế nào; Sân bay Tân Sơn Nhất hay một số công trình giao thông khác để chống ùn tắc, bảo vệ môi trường… Thể chế và phân cấp để giải quyết cho thành phố? Đặc biệt tập trung vào những việc cấp bách trước mắt..
Thủ tướng đề nghị TPHCM phải xem lại "cái áo" đang mặc chật ở đâu, chật như thế nào |
Thủ tướng cũng nhắc lại tầm nhìn đối với Thành phố, đó phải là một nền kinh tế đổi mới sáng tạo, có sức lan tỏa, là động lực cho phát triển bền vững và đầu tàu của cả nước trong hội nhập sâu rộng có hiệu quả của nền kinh tế khu vực và thế giới.
Nhấn mạnh về các giá trị và nguyên tắc cốt lõi của Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng cho rằng đó là một đô thị thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh, quản lý thông minh; đề cao kỹ trị; tôn trọng tiếng nói của người dân; xây dựng con người văn hóa, văn minh; xã hội gắn kết và rộng mở; tăng trưởng xanh bền vững và sáng tạo.
Thành phố cũng cần năng động, hội nhập, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh bình đẳng, công bằng, phát triển trong đa dạng, môi trường đầu tư đầu tư hướng đến các chuẩn mực OECD.
Đặt ra các vấn đề như vậy, Thủ tướng gợi ý mục tiêu phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh, đó là tạo việc làm với thu nhập ngày càng cao cho người dân, tạo nguồn thu ngân sách bền vững, đảm bảo sự công bằng để không người dân nào đứng bên lề của sự phát triển.
Thành phố cũng cần lưu ý tỷ lệ dịch vụ và sáng tạo trong cơ cấu kinh tế phải tăng nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Một trung tâm tài chính ngân hàng của Việt Nam và khu vực phải được đặt ra ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Thành phố tiếp tục hoàn thiện quy hoạch với tầm nhìn xa và đổi mới cách làm quy hoạch. Cùng với đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, Thành phố phải phấn đấu đứng đầu cả nước về cải cách hành chính, là một trong 5 địa phương có chỉ số cạnh tranh tốt nhất, tạo đột phá mới trong thu hút đầu tư tư nhân.
Lưu ý thành phố về phát triển bền vững, Thủ tướng cho rằng cần đưa ra giải pháp căn cơ, dài hạn trong chống ngập và phải thực hiện sớm.
“Tôi đồng ý với đồng chí Bí thư nói rằng phải huy động lực lượng khoa học công nghệ của Thành phố để xây dựng đề án chống ngập cũng như một số vấn đề đặt ra của Thành phố Hồ Chí Minh, như là phản biện ùn tắc giao thông, phản biện việc xây dựng sân bay Tân Sơn Nhất sắp tới đây. Sắp tới đây đi Hà Lan tôi sẽ bàn với Chính phủ Hà Lan trong việc có một hiệp định về hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng Sông Cửu Long về vấn đề chống ngập”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để xử lý lượng rác thải lớn của Thành phố, Thủ tướng yêu cầu Thành phố không tiếp tục mở rộng chôn lấp rác mà phải có giải pháp thay thế, như chế biến rác thành năng lượng, phân bón, tái chế sử dụng.
Thành phố cần đề xuất cơ chế để có vai trò dẫn dắt, điều phối phát triển vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng ủng hộ Thành phố lập đề án phát triển Vùng để tìm ra cơ chế khuyến khích các đề án liên kết vùng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Thành phố có giải pháp phát triển đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ mới, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Và một nhiệm vụ quan trọng là cần suy nghĩ để đề xuất các cơ chế mới, tạo không gian phát triển rộng hơn cho Thành phố Hồ Chí Minh.
“Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục suy nghĩ để thí điểm những cơ chế mới, nhanh chóng xử lý những vấn đề điểm nghẽn, nhất là các điểm nghẽn như cơ chế khuyến khích và quản lý cán bộ, vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, vấn đề nguồn lực tài chính, cơ chế đất đai. Người ta ví sự phát triển của thành phố giống như “cái áo đã quá chật”, vậy nhiệm vụ của các đồng chí phải chỉ cho Bộ Chính trị, Chính phủ xem “cái áo” chật như thế nào, chật ở đâu. Các bộ, ngành liên quan cũng cần phải suy nghĩ về vấn đề này”, Thủ tướng nói.
Tại buổi làm việc, trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh và ý kiến của các bộ ngành, Thủ tướng đã trực tiếp giải quyết một số vấn đề Thành phố nêu ra. Trong đó có các vấn đề về vốn ODA cho phát triển cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt đô thị; vấn đề sử dụng nguồn vốn từ việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước của Thành phố; về chính sách và cơ chế phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng thành phố Hồ Chí Minh…/.