TP.HCM quyết liệt đấu tranh với "bệnh sợ trách nhiệm"
VOV.VN - Ngày 14/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM (gọi tắt Ban Chỉ đạo) tổ chức Phiên họp thứ 8. Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.
Công tác phòng chống tham nhũng ngày càng quyết liệt
Theo đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trên địa bàn TP.HCM trong 9 tháng đầu năm tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, thực chất và đạt được nhiều kết quả toàn diện, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức cách mạng, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.
Các cơ quan truyền thông, báo chí tích cực tuyên truyền sâu rộng về công tác PCTNTC, đặc biệt tuyên truyền đậm nét về tấm gương đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, trong sáng, liêm khiết, phong cách làm việc tận tụy, khoa học, sâu sát, quyết liệt, những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác PCTNTC và khẳng định sự quyết tâm, tiếp nối, không ngừng, không nghỉ, kiến quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, quán triệt nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Đồng chí đã nêu trong bài viết.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, khắc phục hoặc kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực để PCTNTC đã được các thành viên Ban Chỉ đạo tích cực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Thành phố đã có nhiều kiến nghị gửi các cơ quan, bộ ngành liên quan, nhất là tập trung một số vấn đề nổi lên trong thời gian qua như: lĩnh vực đăng kiểm; tài chính, ngân hàng; hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; hải quan; định giá tài sản…Qua đó, góp phần phòng ngừa, giải quyết triệt để nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCTNTC.
Kỷ luật 18 đảng viên
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được các địa phương, cơ quan, ngành, lĩnh vực tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ, kỷ luật nghiêm minh.
Qua kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ Thành ủy đã thi hành kỷ luật đối với 5 đảng viên (khiển trách 1 đảng viên, cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng 1 đảng viên, khai trừ 3 đảng viên).
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã thi hành kỷ luật đối với 13 đảng viên (khiển trách 1 trường hợp, cảnh cáo 4 trường hợp, khai trừ 8 trường hợp).
Ngành Thanh tra Thành phố đã tiến hành 29 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTNTC; xử lý hành chính đối với 8 tập thể và 37 cá nhân.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được khởi tố, điều tra xử lý bài bản, thận trọng, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.
Cơ quan Thường trực đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan liên quan tập trung rà soát, đôn đốc tiến độ giải quyết từng vụ án, vụ việc; tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo; kịp thời đưa ra xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và mội số đơn vị liên quan; Vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm và các Trung tâm đăng kiểm, theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cũng tại Phiên họp này, Ban Chỉ đạo thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với Vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố, do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định pháp luật.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng; giám định, định giá tài sản; phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo, có nhiều chuyển biến tích cực.
Ban Chỉ đạo đã tổ chức Hội nghị ký kết Quy chế phối hợp giữa Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự cấp thành phố với Công an thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố trong công tác định giá tài sản; tổ chức Tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các công tác này.
Đấu tranh với "bệnh sợ trách nhiệm"
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm”, tư tưởng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Khẩn trương hoàn thành Đề án “Vận dụng, triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung khi có rủi ro trong thi hành công vụ” và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Chỉ đạo tăng cường quán triệt, tuyên truyền và cụ thể hóa nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu phù hợp với tình hình Thành phố để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hành động tự nguyện và tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như người dân.
Các cơ quan chức năng, ban ngành trên địa bàn Thành phố khẩn trương nghiên cứu, đối chiếu các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công với tình hình thực tiễn thực hiện; đánh giá khó khăn, vướng mắc, nhận diện khách quan, khoa học, toàn diện tình trạng lãng phí (nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa – xã hội…) để kịp thời khắc phục hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan.
Tăng cường công tác phối hợp, chủ động, quyết liệt xử lý các vướng mắc trong giám định, định giá, cung cấp tài liệu của các cơ quan trên địa bàn Thành phố; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ quan, ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; có giải pháp mạnh mẽ khắc phục tình trạng “tham nhũng vặt”; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp; các thủ tục hành chính còn chậm trễ. Khẩn trương hoàn thành các Đoàn kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực; nhất là tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc.
Chỉ đạo phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh PCTNTC.