Tranh cãi quy định giới hạn tuổi của Tổng Biên tập cơ quan báo chí
VOV.VN - Nhiều lãnh đạo tờ báo của Hội, Hiệp hội hiện nay thường là cán bộ về hưu, nên việc quy định cứng độ tuổi của TBT, Phó TBT không quá 65 tuổi là không nên
Ngày 21/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo góp ý xây dựng Luật Báo chí với sự tham gia của các đại biểu lãnh đạo các cơ quan báo chí, quản lý báo chí các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Việt Nam không có báo chí tư nhân
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, qua tổng kết 15 năm thi hành và xu hướng phát triển của báo chí trong thời gian tới, việc xây dựng Luật Báo chí lần này cần đáp ứng các yêu cầu: Luật Báo chí phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển đúng định hướng, đúng pháp luật, phục vụ có hiệu quả công cuộc công nghiệp, hiện đại hóa đất nước. Nội dung dự thảo Luật Báo chí mới nhằm cụ thể hoá Hiến pháp 2013, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn đối với báo chí...
Quang cảnh hội thảo |
Theo đó, dự thảo Luật Báo chí mới có 6 chương, 58 điều, trong đó có 35 điều mới, 23 điều cũ có sửa đổi bổ sung. Trong đó, những quy định mới đáng chú ý gồm: Đối tượng áp dụng Luật Báo chí bao gồm cả những người liên quan đến hoạt động báo chí như cộng tác viên, nhân viên phát hành...
Bên cạnh những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí như làm giả, sửa chữa thẻ nhà báo; đăng phát nội dung đã bị xóa bỏ trên báo điện tử; nhập khẩu sản phẩm báo chí bị cấm... dự thảo Luật Báo chí còn quy định nghiêm cấm thông tin trên báo chí những nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc; kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phá hoại thuần phong mỹ tục; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật đời tư cá nhân, thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử...
Về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, dự thảo Luật thể hiện thống nhất quan điểm Việt Nam không có báo chí tư nhân.
Về thời hạn, hiệu lực của giấy phép cấp cho cơ quan báo chí, sau 90 ngày đối với báo in, báo điện tử, 180 ngày với báo nói, báo hình, nếu cơ quan báo chí không có sản phẩm báo chí thì giấy phép đương nhiên hết hiệu lực. Với các đặc san, ấn phẩm phụ, kênh phát thanh truyền hình mở thêm..., sau 60 ngày, nếu không có sản phẩm báo chí thì giấy phép đương nhiên hết hiệu lực. Hiệu lực giấy phép xuất bản đặc san không quá 12 tháng…
Cân nhắc xác định tác nghiệp báo chí là hoạt động công vụ
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN cho rằng không nên quy định Bộ chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông mà nên do Chính phủ quy định vì đảm bảo tính lâu dài của luật.
Ông Vũ Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN phát biểu tại hội thảo |
Liên quan đến việc xin giấy phép thành lập cơ quan báo chí đặc biệt đối với phát thanh, truyền hình, theo ông Vũ Hải cần có thêm thời gian không nên giới hạn trong 6 tháng. “Đối với phát thanh, nếu chúng tôi làm trước mà chưa xin phép thì cũng không đúng luật. Nếu xin giấy phép xong rồi mới đi đặt máy, đấu thầu, đào tạo… mà việc này cần phải có thời gian. Vì vậy, nên cân nhắc về thời gian, theo ý kiến tôi nên kéo dài 1 năm”, ông Vũ Hải nói.
Về quy định trình độ đối với lãnh đạo cơ quan báo chí, ông Vũ Hải đề xuất cần ghi yêu cầu “trình độ đại học” không cần ghi chuyên ngành báo chí. Vì thực tế hiện nay nhiều Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập không học báo chí mà chỉ được đào tạo kỹ năng làm báo. Do đó, nếu quy định “chuyên ngành báo chí” thì nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí vi phạm luật. Đặc biệt, ông cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xác định tác nghiệp báo chí là hoạt động công vụ để đưa vào luật.
Tại hội thảo sáng nay, đại diện Thông tấn xã Việt Nam nêu nhiều ý kiến đóng góp dự thảo Luật Báo chí. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất nên bổ sung quy định về các trường hợp phải cải chính thông tin trên báo chí, trong đó có trường hợp “thông tin gây hiểu nhầm”. Trường hợp này hiện nay đang phổ biến không kém “thông tin sai sự thật”, gây tổn hại nhiều về uy tín, danh dự, kinh tế cho đối tượng bị ảnh hưởng.
Cùng quan tâm tới nội dung cải chính thông tin trên báo chí “trường hợp cơ quan báo chí, tác giả tự phát hiện thông tin trên báo chí sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải cải chính, xin lỗi”, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam lại cho rằng khi tự phát hiện thông tin sai và tự cải chính, xin lỗi là động thái cần thiết, theo đó nên quy định về miễn giảm trách nhiệm hành chính, trừ trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Như vậy sẽ khuyến khích được sự tự giác đồng thời giảm bớt công đoạn hành chính về phê bình, kiểm điểm.
Ở khía cạnh khác, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, nên quy định rõ hơn về khái niệm về liên kết trong hoạt động báo chí, cụ thể “liên kết là cùng hợp tác sản xuất và phân chia lợi nhuận”. Bổ sung hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan và các quy định khác của Luật Sở hữu trí tuệ vào "Các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí".
Theo dự thảo Luật Báo chí: “Tuổi đảm nhiệm chức danh Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập không quá tuổi nghỉ hưu của Luật lao động. Trường hợp đặc biệt không quá 5 năm so với quy định của Luật lao động”.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định về độ tuổi của Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập cơ quan báo chí như vậy không phù hợp với quy định tại chính Điều 18 của bản dự thảo. Điều 18 quy định: “Cơ quan báo chí là cơ quan thực hiện một hoặc một số loại hình báo chí quy định tại Điều 3 của dự thảo luật (báo chí in, báo nói, báo hình, báo chí điện tử) và tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện”.
Ông Hoàng Minh Thái phân tích: “Thực hiện theo điều 18 của dự thảo luật thì phải áp dụng theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Thế thì có nên quy định cứng độ tuổi của Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập hay không, bởi thực tế đã có những Tổng Biên tập 88 tuổi vẫn điều hành tốt công việc”.
Ông Thái chia sẻ thêm, hiện nay nhiều tờ báo có cơ quan chủ quản là các hội, hiệp hội. Lãnh đạo các hội, hiệp hội này thường là những cán bộ, lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước về hưu, nên việc đưa ra quy định cứng về độ tuổi của Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập không quá 65 tuổi là điều không nên.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đóng góp cho dự thảo Luật Báo chí, trong đó tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí; cơ quan chủ quản Nhà nước về báo chí, tiêu chuẩn của người đứng đầu; cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí; giải thích từ ngữ, khái niệm; Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí; văn phòng đại diện; phóng viên thường trú của cơ quan báo chí; xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí./.