Tránh dễ dãi trong xây dựng Luật, Pháp lệnh

Đội ngũ cán bộ soạn thảo cùng một thời gian phải tham gia nhiều ban soạn thảo dự án Luật khác nhau đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của dự thảo dự án Luật.

Thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, đa số đại biểu đồng tính với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hối về những hạn chế trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa XII.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, mặc dù Quốc hội khóa XII đã quyết định được rất nhiều vấn đề quan trọng của đất nước góp phần thiết lập khung pháp luật quản lý nhà nước, quản lý xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng những mặt hạn chế thiếu xót trong thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa XII chưa đạt được những kết quả như mục tiêu chương trình đề ra. Mới chỉ có 67/83 dự án Luật được thông qua, 14 Pháp lệnh, 7 Nghị quyết và vẫn còn 53 Nghị định chưa được Chính phủ ban hành.

Ngoài ra, chương trình trong 4 năm đã phải điều chỉnh đến 5 lần. “Điều đó cho thấy tính không khoa học, thiếu sự thận trọng và chấp hành không nghiêm, tính kỷ luật trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội. Dự án Luật đưa vào chương trình và rút ra khỏi chương trình quá dễ dãi”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) nhận xét.

Đồng tính với ý kiến phát biểu trước, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng nhiều Bộ, ngành được Chính phủ giao soạn thảo nhiều dự án Luật, bên cạnh nguồn nhân lực có hạn thì vẫn có tình trạng nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm cá nhân tham gia chương trình xây dựng văn bản pháp luật, do đó nhiều thành viên ban soạn thảo dự án Luật vắng mặt trong các phiên góp ý vào các dự án. Đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị cần chấm dứt ngay tình trạng này.

Đa số đội ngũ cán bộ soạn thảo cùng một thời gian phải tham gia nhiều ban soạn thảo dự án Luật khác nhau đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của dự thảo dự án Luật. Tình trạng nhiều Bộ, ngành “mắc bệnh” gửi dự án Luật đến cơ quan thẩm tra của Quốc hội quá chậm. Đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên quyết thực hiện bảo đảm về thời gian nghiên cứu tài liệu đúng quy định để Nghị quyết Quốc hội được thực thi trên thực tế. Đại biểu Chu Sơn Hà cũng cho rằng, việc thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật hàng năm không nghiêm “đưa vào, rút ra” các dự án Luật dễ dàng, trong khi nhiều Luật mang tính bức xúc chưa được quan tâm đầy đủ.

Đại biểu Chu Sơn Hà cũng đề nghị báo cáo rõ trước Quốc hội kết quả bao nhiêu Luật, Pháp lệnh được Chính phủ hoàn tất công tác hướng dẫn; chỉ ra những tồn tại và nguyên nhân tồn tại và giải pháp thời gian tới. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo kiểm điểm trách nhiệm của những cơ quan thực hiện không nghiêm Luật, Nghị quyết Quốc hội trong thời gian qua; có giải pháp cải tiến công tác soạn thảo thẩm định và trình Quốc hội, không trình Quốc hội dự án Luật không đảm bảo chất lượng, tiến độ…

Đóng góp ý về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII,  hầu hết các đại biểu đề nghị phải trên quan điểm xây dựng Luật xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án luật chưa rõ phạm vi đối tượng điều chỉnh, chưa có cơ sở đảm bảo hình thành dự án Luật; Ưu tiên những dự án Luật có công tác chuẩn bị tốt quá trình soạn thảo, bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng việc đưa chương trình chính thức hay chương trình chuẩn bị các Luật, Pháp lệnh cần xuất phát từ nhu cầu của nhân dân của đất nước hay nhu cầu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước nếu nhu cầu nào chính đáng thì cần phải cân nhắc cân đối hài hòa. Có Luật đưa vào chương trình chuẩn bị nhưng không có nghĩa là không đưa vào chương trình chính thức nếu như luật, pháp lệnh được chuẩn bị đầy đủ. “Việc đưa dự án Luật vào chương trình chuẩn bị tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

Đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng dự án Luật xử lý vi phạm hành chính là dự án có quy mô lớn và yêu cầu phải thiết kế cụ thể để bảo đảm tính khả thi. Do đó đề nghị lùi thời điểm thông qua trình Quốc hội thông qua dự án Luật này vào một thời điểm khác, tạo điều kiện cho Ban soạn thảo có đủ thời gian nghiên cứu xử lý.

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đề nghị ưu tiên dự án Luật, Pháp lệnh về quyền con người, hoạch định các cơ chế chính sách phát triển xã hội; Ưu tiên cụ thể hóa những vấn đề về quan điểm chỉ đạo và đường lối đổi mới của Đảng thể hiện qua Nghị quyết của Đảng và kế thừa những chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XII đã được chuẩn bị kỹ; Nâng cấp các pháp lệnh sửa đổi bổ sung các luật được trải nghiệm và khẳng định trong thực tiễn.

Đề nghị ưu tiên quan tâm sửa đổi các Luật về việc làm, đào tạo nghề, là những Luật liên quan đến ổn định xã hội.

Nhóm luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư công, quản lý mua sắm công, đặc biệt Luật Thống kê là nền tảng cơ sở hoạch định chiến lược xây dựng quy hoạch và xác định các cơ chế chính sách cũng như chủ trương đường lối chương trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước; Nhóm liên quan đến thể chế chính trị: Luật Giám sát Quốc hội và HĐND, đưa Luật này lên chương trình chính thức. Đề nghị hợp nhất Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp sửa đổi, từ chương trình chuẩn bị sang chương trình chính thức để kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV và HDDND các cấp ở nhiệm kỳ tới có Luật thống nhất.

Đại biểu Vũ Xuân Trường (đoàn Nam Định) đề nghị chuyển Luật Công dân, Luật Bầu cử HĐND, Luật Giám sát HĐND và Quốc hội từ chương trình chuẩn bị sang chương trình chính thức.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sim (đoàn Lạng Sơn) cho rằng ý chí khi làm Luật của cơ quan soạn thảo không cao. Bên cạnh đó, quy trình thẩm tra chưa tốt, cơ quan thẩm tra nên tỏ rõ thái độ khẳng định theo hướng nào…

Mặc dù các Luật: Đất đai, Ngân sách Nhà nước, Hợp tác xã sửa đổi, Phòng, chống khủng bố… tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã quyết định đưa vào xem xét thông qua năm 2012, nhưng nhiều đại biểu vẫn đề cập đến tại phiên thảo luận này cho thấy tính bức xúc và cần thiết đang đòi hỏi trong thực tiễn cuộc sống./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên