Triển khai Chính phủ điện tử - cần một hướng đi phù hợp

Xây dựng Chính phủ điện tử là một lĩnh vực mới mẻ, phải vừa học vừa làm nên đòi hỏi phải có thời gian thực hiện để rút kinh nghiệm cũng như tìm ra con đường đi phù hợp trong thời gian tới.

Hôm nay (16/7), tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin -Truyền thông, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử. Phó Thủ tướng kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến dự.

Với chủ đề “Xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương”, các đại biểu tham dự hội thảo được nghe kinh nghiệm và giải pháp triển khai chính phủ điện tử tại một số địa phương, như: thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, An Giang, Lâm Đồng, Lào Cai… và kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực này.

Báo cáo của Bộ thông tin - Truyền thông cho biết, hiện nay đa số các cơ quan nhà nước đều ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của mình với những mức độ khác nhau. Ở cấp Bộ có khoảng 47% cán bộ công chức sử dụng thư điện tử để trao đổi công việc thường xuyên, con số này ở cấp tỉnh, thành phố chỉ là 24%. 63% các cơ quan thuộc Bộ đã triển khai họp giao ban trực tuyến qua mạng, nhưng con số này ở cấp tỉnh, thành phố chỉ có 38%.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế trong quá trình triển khai chính phủ điện tử ở nước ta  hơn 10 năm qua. Xây dựng Chính phủ điện tử là một lĩnh vực mới mẻ, phải vừa học vừa làm nên đòi hỏi phải có thời gian thực hiện để rút kinh nghiệm cũng như tìm ra con đường đi phù hợp trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chúng ta không phải đợi đến khi GDP đạt 30 .000 USD mới thực hiện tin học hóa quản lý nhà nước. Chính trong lúc đất nước còn nghèo nhưng có giải pháp hợp lý thì vẫn có thể ứng dụng CNTT có hiệu quả. Vấn đề là chọn mức độ và hướng đi. Chúng ta đặt vấn đề hợp lý hóa quản lý hành chính và trên cơ sở đó gắn với tin học hóa. Ứng dụng CNTT không chỉ ứng dụng trong văn phòng, làm website để biết các dịch vụ mà rộng hơn đó là thực hiện mối quan hệ giữa cấp quản lý và cung cấp dịch vụ cho người dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên