"Trường hợp đặc biệt mà nghỉ quá sớm thì tổ chức cần xem xét"
VOV.VN - Theo ông Thang Văn Phúc, có những trường hợp đặc biệt mà nghỉ quá sớm thì tổ chức cần xem xét xem lý do nghỉ có chính đáng không, chứ không phải cứ xin là được.
Cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy từ Trung ương xuống địa phương đang có bước chuyển rõ rệt với mục tiêu “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” theo tinh thần Nghị quyết số 18. Trong cuộc cách mạng này, không ít người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, sở, phòng xin nghỉ hưu trước tuổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cuộc cách mạng sớm hoàn thành.
Tinh thần nêu gương, sẵn sàng hy sinh của cán bộ, lãnh đạo
Theo ghi nhận, người có hàm Thứ trưởng đầu tiên tự nguyện đề đạt nguyện vọng và được Ban Bí thư chấp thuận cho nghỉ hưu trước tuổi (4 năm 9 tháng) trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước. Ngày 17/1, Ban Bí thư ra Quyết định số 1828-QĐNS/TW chấp thuận: “Đồng chí Trương Quang Hoài Nam, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1/2”
Ngày 10/2, ông Phạm Thiện Nghĩa (59 tuổi) - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp xin nghỉ hưu trước tuổi. Tính đến thời điểm này, ông Nghĩa là Chủ tịch tỉnh đầu tiên trên cả nước tình nguyện thôi công tác khi vẫn còn tuổi làm việc.

Cùng với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch TP Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi để sắp xếp bộ máy.
Ở hầu khắp các địa phương, những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ngày một nhiều, trong đó có các cán bộ lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện. Trong số này có những cán bộ có thời gian làm việc ở phía trước theo quy định là 4 năm, 5 năm, thậm chí gần 10 năm.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, trong cuộc cách mạng lớn về tinh gọn bộ máy, rất cần sự gương mẫu của cán bộ, lãnh đạo.
“Những quyết định nghỉ hưu trước tuổi có tác dụng nêu gương rất lớn không chỉ cho cấp dưới mà còn góp phần tạo nên sự chuyển động trong toàn xã hội. Thậm chí sau khi nghỉ, họ còn tiến cử những người đáp ứng công việc tốt hơn cho sứ mệnh hoặc nhiệm vụ mới của từng tổ chức”, ông Phúc đồng thời nhấn mạnh quyết định và hành động của các cán bộ, đảng viên nói trên thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao với tổ chức, với Đảng, Nhà nước trong “cuộc cách mạng” về tinh gọn bộ máy . Họ đã thể hiện sự nêu gương của người đảng viên, đặt quyền lợi của tập thể lên trên hết, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cá nhân mình.

Chính sự hy sinh, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đảm nhận cương vị lãnh đạo khi thực hiện Nghị quyết số 18 đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho quần chúng, góp phần nâng cao uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tổ chức cần xem xét các trường hợp cụ thể
Theo ông Thang Văn Phúc, sắp tới sẽ diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, nếu thời gian công tác không đủ một nhiệm kỳ thì cán bộ, công chức, viên chức có thể xem xét, chủ động rút, xin nghỉ trước thời hạn để góp phần thực hiện chủ trương mang tính cách mạng hiện nay.
Tuy vậy, không phải cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cứ xin nghỉ hưu trước tuổi là được mà tổ chức ở các địa phương, các cơ quan đảng, chính quyền cũng cần xem xét các trường hợp cụ thể.
“Đảng, Nhà nước rất hoan nghênh, nhưng cũng phải xem xét từng trường hợp cụ thể, từng địa phương một, chứ không lại rơi vào trường hợp khi thì “quá hữu”, lúc lại “quá tả”. Có những trường hợp đặc biệt mà nghỉ quá sớm thì tổ chức cần xem xét xem lý do nghỉ có chính đáng không, chứ không phải cứ xin là được vì còn liên quan đến chính sách đầu ra”, ông Thang Văn Phúc cho biết.

Xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện cho sắp xếp, tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 là một việc làm đáng biểu dương. Tuy nhiên, nếu một địa phương, một đơn vị có số lượng người nghỉ khá cao cũng đặt ra những thách thức. Tại tỉnh Vĩnh Long, Sở Nội vụ địa phương này đã tiếp nhận gần 400 đơn xin nghỉ của cán bộ, công chức, viên chức.
Trao đổi với báo chí về việc triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh, ông Trần Văn Hên – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Sở đang tổng hợp danh sách tự nguyện xin nghỉ và sẽ phân loại, xem xét từng trường hợp theo cấp thẩm quyền quản lý, xem nghỉ có phù hợp không, ai đi ai ở… rồi mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Tại tỉnh Phú Yên, trong tổng số 242 cán bộ, người lao động xin nghỉ theo Nghị định số 178/2024 của Chính phủ thì riêng Sở NN &PTNT Phú Yên có 118 người. Phóng viên VOV khu vực miền Trung dẫn lời bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, những cán bộ này mặc dù viết đơn xin nghỉ, nhưng nếu vẫn còn đủ năng lực, đủ các tiêu chuẩn thì tỉnh đề nghị cá nhân đó tiếp tục làm việc:
“Chúng tôi cũng đã nhận nhiều đơn của cán bộ xin nghỉ và chúng tôi cũng xem xét cân nhắc một cách toàn diện nhất để làm sao cán bộ năng lực tốt, phẩm chất tốt nên tiếp tục cống hiến. Đây là cuộc cách mạng, trong thực hiện cuộc cách mạng thì đều có sự hy sinh, sự chia sẻ của cán bộ, đảng viên. Cho nên trong quá trình làm, chúng tôi dựa trên tinh thần vừa có lý, vừa có tình nhưng nghiêm túc, trách nhiệm cũng bảo vệ quyền lợi của cán bộ, đảng viên trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy”.

Theo ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội, Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là chính sách đặc biệt với những ưu tiên đặc biệt. Điều này giúp cán bộ, công chức yên tâm về quyền lợi khi quyết định viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.
Là người có hàng chục năm công tác trong lĩnh vực tổ chức, nội vụ, ông Thang Văn Phúc cho biết, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này là “chưa từng có”, thực sự là cuộc cách mạng về cải cách, đổi mới hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước. Cuộc cách mạng hiện nay với những chính sách đầy tính khuyến khích, nổi trội, nhân văn, công bằng, cùng những chủ trương mạch lạc hơn, giúp cán bộ yên tâm và dễ lựa chọn, hành động.
Cũng theo ông Thang Văn Phúc, trong quá trình sắp xếp, tinh giản, muốn bộ máy vận hành tốt cần phải giữ chân người tài, người làm được việc, có năng lực, phẩm chất, uy tín, đồng thời nên tránh giữ lại người là “con ông này, cháu bà kia". Theo đó, các cơ quan cần thực hiện cuộc tổng rà soát hệ thống tổ chức và đội ngũ để đưa ra các tiêu chí cho từng vị trí, từ đó có phương thức khoa học trong lựa chọn, sắp xếp nhân sự.