Truyền thông Nhật Bản: Xây dựng kỷ nguyên mới Nhật Bản - Việt Nam qua đầu tư tư nhân
VOV.VN - Năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, do vậy nhiều chuyên gia kinh tế Nhật Bản khuyến nghị cần lấy dấu mốc này đưa quan hệ Nhật Bản – Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới thông qua đẩy mạnh đầu tư tư nhân của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam để thúc đẩy phát triển thịnh vượng chung giữa hai nước.
Mới đây, trang tin nhanh kinh tế Nhật Bản (jbpress.ismedia.jp) đã có bài viết của học giả Hiroyuki Kawashima kêu gọi Nhật Bản cần tăng cường đầu tư tư nhân vào Việt Nam nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau và trở thành “ân nhân cũ” của Việt Nam.
Theo bài báo, trong giai đoạn 2015-2019, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 5,7 tỷ USD, chiếm 40% tổng nguồn vốn ODA của Việt Nam. Số ODA của Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng cơ sở mới ở sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tân – một trong những biểu tượng cho mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Nhật Bản. Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong 5 năm từ 2017-2021 là 22,4 tỷ USD. Mặc dù nguồn ODA của Nhật Bản chiếm 40% tổng số ODA của Việt Nam, song đầu tư FDI của Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 20%.
Học giả Hiroyuki Kawashima cho rằng, Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng nhưng chưa có khoản đầu tư tương xứng, trong khi nhiều quốc gia khác đã tận dụng cơ sở hạ tầng này để tăng cường đầu tư. Học giả Nhật Bản cũng đánh giá, Nhật Bản đã và đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua ODA trong thời gian dài. Tuy nhiên, để duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhật Bản và Việt Nam trong tương lai, đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ trở nên rất quan trọng.
Bài báo cho biết, GDP đầu người của Việt Nam đã hơn 4.000 USD, cho thấy Việt Nam có tiềm năng để trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang đẩy nhanh hơn xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam là quốc gia có độ tuổi trung bình thấp và nhóm người có thu nhập trung bình ngày càng tăng. Điều này không chỉ tạo ra lực lượng lao động trẻ mà còn dẫn đến sự gia tăng số lượng người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm chất lượng cao của Nhật Bản. Việt Nam có lợi thế về địa lý ở Đông Nam Á, có hệ thống cảng biển nước sâu hướng ra Biển Đông, hệ thống đường sá, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Ngoài ra, Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...
Cũng theo bài báo, Nhật Bản cần xây dựng mối quan hệ mới với Việt Nam – quốc gia có thu nhập trung bình cao, trong đó đầu tư tư nhân có thể coi là hành động tạo ra sự đột phá hơn nữa quan hệ Nhật Bản - Việt Nam thời gian tới.
Hiện Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là nhà tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động đứng thứ 2, đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam. Dòng vốn FDI của Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành của Việt Nam. Lũy kế đến tháng 12/2022, Nhật Bản có 4.978 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 68,89 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản công bố vào tháng 2/2023, có đến 60% doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Tỷ lệ này đứng đầu trong các nước ASEAN./.