Từ 1/7/2024, quy định giá đất sẽ phải minh bạch, công bằng hơn
VOV.VN - Quy định về giá đất phải bảo đảm nguyên tắc khách quan, minh bạch, hài hòa nguồn thu từ đất cho Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, không để giá đất biến động nóng, cân đối chi phí đầu vào cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Sáng 8/5, chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 địa phương để lấy ý kiến về kiến Dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Dự thảo Nghị định quy định về giá đất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là chính sách quan trọng, nhạy cảm, đột phá nhằm bảo đảm công bằng.
Đồng thời, chính sách tái định cư cho người dân bị thu hồi đất phải có điều kiện về hạ tầng, nơi ở và những đối tượng xã hội, được quan tâm chăm sóc tốt hơn nơi ở cũ.
Theo Phó Thủ tướng, người dân được tham gia, hưởng lợi trong quá trình phát triển, hài hoà lợi ích của các bên khi thực hiện dự án. Do vậy, quy định về giá đất phải bảo đảm nguyên tắc khách quan, minh bạch, hài hòa nguồn thu từ đất cho Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, không để giá đất biến động nóng, cân đối chi phí đầu vào cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Nhấn mạnh việc triển khai xây dựng các nội dung nghị định phải khẩn trương nhưng đảm bảo chất lượng, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội tiếp tục tập trung góp ý hoàn thiện dự thảo các nghị định; trong đó tập trung vào những nội dung được nhiều ý kiến quan tâm như: phương pháp định giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tiếp tục rà soát, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện các Nghị định bảo đảm thống nhất, hiệu quả, tháo gỡ các vướng mắc thực tiễn để Luật Đất đai chính thức có hiệu lực vào 1/7/2024.
Tại cuộc họp, các chuyên gia nêu nhiều ý kiến xung quanh nội dung “định giá đất”. Các ý kiến cho rằng, Dự thảo Nghị định quy định về giá đất, tập trung về việc ưu tiên nguồn thông tin khi lựa chọn thửa đất so sánh khi áp dụng phương pháp so sánh; cách tính lợi nhuận của nhà đầu tư khi áp dụng phương pháp thặng dư; việc áp dụng phương pháp định giá đất cho các trường hợp chuyển tiếp; lựa chọn tổ chức thực hiện định giá đất…
Theo GS. TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để tránh mâu thuẫn với Luật, dự thảo Nghị định không nên quy định thứ tự “các nguồn ưu tiên” và để các tổ chức định giá phải chịu trách nhiệm xác định nguồn nào đáng tin cậy hơn và thời gian gần hơn, đảm bảo tin cậy hơn.
Đây cũng là vấn đề băn khoăn của đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khi thực tế nhiều công ty thẩm định giá rút khỏi thị trường. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất áp dụng phương pháp bảng giá đất: “Tôi đề xuất quy định theo hướng nếu có khác biệt với yếu tố tác động giá thì áp dụng phương pháp so sánh để xác định giá đất thị trường của từng vị trí”.
Qua các ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, phương pháp định giá đất là nội dung đang còn nhiều ý kiến khác nhau, đây là chính sách mới, do đó, Bộ TNMT tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan, chuyên gia làm rõ cơ sở thực tiễn và lý luận để xem xét hoàn thiện thể chế hóa các phương pháp định giá đất, đảm bảo khắc phục những vấn đề thực tế đang đặt ra.
Đối với giải phóng mặt bằng, thu hồi tái định cư, Luật đất đai 2024 đặt ra nhiều yêu cầu, theo đó, Bộ TNMT phối hợp với các Hiệp hội bất động sản và các cơ quan để làm sao phân nhóm, phân đối tượng, cách thức hướng dẫn trong Nghị định để mọi chính sách mới có thể thực hiện ngay sau khi Luật có hiệu lực.
“Các nội dung nghị định cần tham chiếu với quy định pháp luật, đảm bảo phù hợp, thống nhất chặt chẽ, xuyên suốt. Bộ TNMT, các bộ, ngành, tổ chức hiệp hội, chuyên gia cần phối hợp làm việc, thống nhất trên cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện thể chế hóa phương pháp định giá đất; hướng dẫn thực hiện một cách nhất quán, công bằng trong triển khai các nội dung liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư. Các tỉnh, thành phố cần chủ động triển khai nghiên cứu kỹ và tiếp tục góp ý hoàn thiện dự thảo các nghị định, nhất là những vấn đề liên quan địa phương”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.