"Tuần lễ Việt Nam" tại Nga nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực
VOV.VN - Hôm nay (17/4), tại thủ đô Moskva-Nga đã khai mạc “Tuần lễ Việt Nam” và kéo dài đến 23/04.
Sự kiện do Ngôi nhà Nga về Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện nghiên cứu Trung quốc và Châu Á đương đại-Viện Hàn Lâm Khoa học Nga tổ chức, nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Nga và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Đây là sự tiếp nối sau thành công của khóa họp lần thứ 24 của Ủy ban liên chính phủ Nga-Việt Nam về hợp tác kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật, vừa diễn ra tại Hà Nội.
“Tuần lễ Việt Nam” với phương châm “Việt Nam-Cửa ngõ vào Châu Á”, được tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga. Tất cả các sự kiện trong tuần được chia thành ba phần chính: định hướng thực hành, khoa học- kỹ thuật và văn hóa.
Tổng giám đốc Ngôi nhà Nga về “Hợp tác khoa học và kỹ thuật quốc tế” cho biết, thời gian một tuần là cần thiết cho các sự kiện: "Chúng tôi quyết định tổ chức cả tuần để thiết lập quan hệ, một số loại nền tảng giao tiếp và sử dụng tất cả các khả năng ở đây, các tiềm năng hiện có. Các bàn tròn được tổ chức với các đối tác ở các trường khác nhau như trường đại học tài chính trực thuộc chính phủ Nga, Học viện quan hệ quốc tế Moskva, Viện Plekhanov và các nơi khác. Bởi vậy, rất quan trọng để họ có thể chuyển tải đến các đối tác của chúng tôi rằng, chúng tôi muốn hợp tác, có thể hợp tác và chúng tôi có điều kiện để thiết lập hợp tác.”
Ông Lê Đắc Quân-Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga khẳng định, Tuần lễ Việt Nam là sự kiện rất quan trọng do phía bạn có sáng kiến tổ chức và Đại sứ quán rất ủng hộ: “Sự kiện này đặc biệt có ý nghĩa, vì nó diễn ra ngay sau khi hai bên vừa tổ chức thành công khóa họp lần thứ 24 ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật ở Việt Nam. Như vậy sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, tháo gỡ khó khăn chúng ta đang gặp phải, nhất là về vấn đề thanh toán và logistic.”
Trong khuôn khổ ủy ban liên chính phủ Nga-Việt, các bên đã nhất trí xây dựng kế hoạch hợp tác song phương đến năm 2030 và triển khai các dự án đầy hứa hẹn trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, khoa học, công nghệ và nhân đạo. Tuần lễ Việt Nam tại Mát-xcơ-va là sự tiếp nối tốt đẹp của công việc chung này.
Phát biểu trực tuyến tại phiên họp toàn thể “Hợp tác khoa học kỹ thuật Nga và Việt Nam”, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Lê Xuân Định cho biết, “Tuần lễ Việt Nam”, với hơn 10 cuộc hội thảo khoa học với các chủ đề hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga từ hợp tác về y tế, nông nghiệp, đến giao thông vận tải, nghiên cứu nhiệt đới, hợp tác về du lịch, các bài giảng, thuyết trình về nghệ thuật và văn hóa Việt Nam, các sự kiện văn hóa, ẩm thực được tổ chức trong vòng 7 ngày sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thông tin, trao đổi thiết lập mối quan hệ hữu nghị hợp tác. Trước mắt, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác sẽ là Khoa học biển; Công nghệ năng lượng; Vật liệu mới; Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ vũ trụ. Đây là những lĩnh vực tiềm năng hợp tác mà Việt Nam đang rất cần phát triển để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Vladimir Mazyrin-giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Nghiên cứu Trung quốc và Châu Á đương đại-Viện Hàn Lâm khoa học Nga kỳ vọng: “Chúng tôi tiến hành ở đây 8 phiên bàn tròn về các lĩnh vực khác nhau của kinh tế, để xem xét phát triển hợp tác như thế nào trong những lĩnh vực này. Tôi hy vọng, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, chuyên gia của hai nước sẽ lắng nghe lẫn nhau, đặt câu hỏi, nhận được các thông tin mới, tìm ra những cách thức thực sự mới để đẩy mạnh, đặc biệt là thương mại của chúng ta”.
Ông Mazyrin lưu ý rằng, không chỉ về kinh tế, thương mại, mà còn có các bàn tròn về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hóa, nhân đạo mà hai bên có khả năng thúc đẩy hợp tác.
Ngoài ra, Tuần lễ Việt Nam diễn ra dưới hình thức lễ hội, với các buổi hòa nhạc, lớp huấn luyện về ẩm thực truyền thống, in tranh, thư pháp, làm quạt Việt. Những người tham gia có cơ hội khám phá và cảm nhận về bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc của Việt Nam./.