Tưng bừng khai giảng năm học mới

Dự lễ khai giảng tại trường Chu Văn An, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Dạy chữ, dạy người, đặc biệt là rèn luyện về đạo đức cách mạng, có hoài bão lớn lao về quê hương, Tổ quốc là mục tiêu cao nhất của giáo dục-đào tạo, của nhà trường xã hội chủ nghĩa”

>> Noi theo tấm gương Giáo sư Ngô Bảo Châu

Sáng 4/9, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tới dự lễ khai giảng năm học mới cùng thày và trò trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Cùng đi với Tổng Bí thư có Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đánh hồi trống khai trường, bắt đầu một năm học mới của trường THPT Chu Văn An, ngôi trường đã có truyền thống hơn 100 năm tuổi.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu tại lễ khai giảng

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gửi lời chúc mừng tới toàn thể các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các em học sinh, sinh viên trong cả nước nói chung, thày và trò trường trung học phổ thông Chu Văn An lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp khai giảng.

Tổng Bí thư mong muốn ngành Giáo dục-Đào tạo cả nước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện hơn về chất lượng và hiệu quả giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu dạy chữ, dạy người, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh hoan nghênh, ủng hộ và mong muốn ngành Giáo dục-Đào tạo thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2010-2011 với chủ đề “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”; đề nghị mỗi nhà trường, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh nỗ lực để đạt được mục tiêu này trong hoạt động thực tiễn của mình.

Đánh hồi trống khai trường

Tổng Bí thư nhấn mạnh “Dạy chữ, dạy người, đặc biệt là rèn luyện về đạo đức cách mạng, có hoài bão lớn lao về quê hương, Tổ quốc là mục tiêu cao nhất của giáo dục-đào tạo, của nhà trường xã hội chủ nghĩa của chúng ta”. Tổng Bí thư đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể các cấp và các bậc cha mẹ học sinh tiếp tục quan tâm và chăm lo hơn nữa sự nghiệp giáo dục, dành những điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em chúng ta, để giáo dục thực sự trở thành “quốc sách hàng đầu”.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chia vui với những thành tích mà thày trò trường THPT Chu Văn An đã giành được trong năm qua, trở thành trường chất lượng cao, uy tín, điểm sáng của hệ thống giáo dục đào tạo Thủ đô. Năm học vừa qua, trường có 1 học sinh đỗ thủ khoa đại học, 2 học sinh đỗ á khoa, tỷ lệ tốt nghiệp 100%, trên 90% học sinh đỗ đại học. Trường là một trong những đơn vị dẫn đầu về số lượng học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố với 118 giải. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, là tấm gương tận tụy, sáng tạo, hết lòng vì học sinh, có trình độ chuyên môn giỏi. Trường sắp được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Tổng Bí thư chụp ảnh lưu niệm cùng với cán bộ, giáo viên nhà trường

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh mong thày và trò nhà trường tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của ngôi trường Bưởi- Chu Văn An là cái nôi đào tạo nhiều tài năng cho đất nước, 3 lần vinh dự được Bác Hồ về thăm và là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và di tích lịch sử kháng chiến, xứng đáng là học sinh của Thăng Long- Hà Nội 1000 năm văn hiến. Tổng Bí thư căn dặn “Giáo viên và học sinh Thủ đô phải là những người tiêu biểu cho đạo đức, lối sống văn minh, thanh lịch”.

Tổng Bí thư tin tưởng các bạn học sinh trường Chu Văn An nói riêng, cả nước nói chung sẽ cùng thi đua, cùng tiến bộ, có ước mơ, hoài bão với tinh thần sẵn sàng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh, coi đó là việc làm thiết thực để đền đáp công ơn của thày cô, gia đình và xã hội.

** Sáng 4/9, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tới dự Lễ khai giảng năm học mới 2010 - 2011 của Trường Tiểu học Trần Phú, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. 

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lưu ý, trong năm 2010 – 2011 và các năm tiếp theo, ngành Giáo dục-Đào tạo tỉnh Đồng Tháp nói chung và Trường Tiểu học Trần Phú nói riêng cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý giáo dục; phương pháp dạy và học nhằm tạo tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh được học tập, vui chơi và phát triển toàn diện. Đi đôi với đó, toàn ngành Giáo dục của Đồng Tháp cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng mong muốn, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để luôn giữ vững danh hiệu là đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua của ngành Giáo dục huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.

** Cũng trong sáng 4/9, hầu hết các trường học tại TP HCM tổ chức lễ khai giảng trong không khí hân hoan, phấn khởi bước vào năm học mới 2010-2011.

Ngay từ sáng sớm, hàng triệu học sinh ở 24 quận, huyện trên địa bàn TP HCM đã náo nức đến trường. Tại lễ khai giảng, các em học sinh đã được nghe đọc thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng năm học mới đồng thời ôn lại truyền thống dạy tốt, học tốt của toàn trường.

Lễ khai giảng năm nay ở TP HCM tổ chức rải rác trong nhiều ngày từ 2/9 đến 6/9. Tuy nhiên, tất cả các trường đều đã tổ chức trang trọng, đầy đủ phần lễ và hội lồng ghép với lễ phát động “Tháng an toàn giao thông”.

Lễ khai giảng năm nay trùng với ngày nghỉ lễ và cuối tuần nên nhiều phụ huynh đã dành thời gian đến dự lễ cùng con. Bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh ở TP HCM chia sẻ mong muốn ngành Giáo dục giảm tải sĩ số trong lớp, tăng cường lớp bán trú để trẻ được học các lớp năng khiếu, phát huy tính sáng tạo.

Năm học này, TP HCM đưa vào sử dụng hơn 1.000 phòng học mới với tổng kinh phí 1.700 tỷ đồng nhằm đáp ứng chỗ học cho con em các quận, huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Tân Phú…

Cùng chủ đề mà Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, hơn 1.500 trường học ở TP HCM đều đặt ra mục tiêu phấn đấu tiếp tục đổi mới toàn diện nhà trường và đẩy mạnh tốc độ xây dựng trường lớp đáp ứng nhu cầu dạy và học trong thời đại hội nhập quốc tế.

** Sáng 4/9, 755 trường học với hơn 360.000 học sinh từ mầm non đến THPT ở tỉnh Quảng Nam đồng loạt khai giảng năm học mới.

Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục-Đào tạo Quảng Nam cơ bản hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học, tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục... Tỉnh vừa xây mới, sửa chữa 1.400 phòng học, phòng chức năng, trong đó xây dựng mới gần 400 phòng học, 82 nhà công vụ.

Ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam cũng vừa mua bổ sung 150.000 bản sách giáo khoa và tham khảo phục vụ công tác giảng dạy, đóng mới 12.000 bộ bàn ghế học sinh, với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Nét mới trong lễ khai giảng năm học mới các nơi từ miền núi đến hải đảo sáng nay ở tỉnh Quảng Nam là chú trọng phần Hội sau lễ. Nhiều trường học tổ chức hoạt động như: biểu diễn văn nghệ, bóng đá, múa lân, tạo không khí vui tươi cho học sinh ngày khai trường.

Khai giảng năm học mới, trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam cũng kỷ niệm tròn 25 năm thành lập và phát triển. Những năm qua, nhà trường đào tạo hàng ngàn học sinh dân tộc thiểu số, trở thành cán bộ cốt cán cho các địa phương trong tỉnh. Hiện tại, trường có 15 lớp với gần 500 học sinh của 10 dân tộc anh em.

Năm học vừa qua, nhà trường có 95% học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT, 16% thí sinh dự thi đỗ đại học nguyện vọng 1, nhiều học sinh thi đỗ 2 trường đại học. Đây là kết quả nỗ lực vượt bậc của thầy và trò nhà trường trong điều kiện chất lượng tuyển sinh đầu vào còn nhiều hạn chế.

Năm học này, nhà trường phấn đấu đạt 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, nâng cao tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng.

** Trong hai ngày 3 và 4/9, 14 trường ở tỉnh Kon Tum tổ chức lễ khai giảng trong không khí trang trọng, háo hức của các em học sinh và thầy cô giáo bước vào năm học mới.

Năm học mới này, tỉnh Kon Tum có trên 100.000 học sinh các cấp học, trong đó chiếm hơn một nửa là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Với chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, ngay trong lễ khai giảng, các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum phát động nhiều phong trào như “Tháng khuyến học” từ ngày 2/9-2/10 với chủ đề “3 đủ”: Đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở; phối hợp cùng chính quyền và các lực lượng triển khai nội dung đi học an toàn đảm bảo trật tự giao thông; trồng cây xanh ngay sau lễ khai giảng hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” .

** Trong hai ngày 3 và 4/9, trên 900 trường học các cấp tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2010-2011.

Mặc dù điều kiện thời tiết diễn biến không được thuận lợi, mưa xảy ra ở  nhiều nơi nhưng lễ khai giảng của các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn được tổ chức long trọng. Trong không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai trường, cán bộ, giáo viên và học sinh các cấp của tỉnh Đắk Lắk đã cùng thể hiện quyết tâm, sẽ tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Hai không” của ngành Giáo dục và tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thi đua dạy tốt, học tốt.

Tại trường THPT Buôn Ma Thuột, đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua của khối phổ thông trung học ở Đắk Lắk, niềm vui ngày khai trường được nhân đôi khi cùng lúc nhà trường được đón Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đây là trường THPT thứ hai, sau trường THPT Chuyên Nguyễn Du của tỉnh Đắk Lắk đạt chuẩn quốc gia. Danh hiệu này sẽ là động lực để thầy và trò nhà trường tiếp tục phấn đấu.

Năm học này, tỉnh Đắk Lắk có trên 440.000 học sinh, học tại 906 trường học các cấp, trong đó 30% là học sinh dân tộc thiểu số. Ngay trong lễ khai giảng, cùng với chủ đề năm học mà Bộ Giáo dục-Đào tạo phát động “Năm học tiếp tục đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, các trường trong tỉnh đều đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể nhằm đổi mới toàn diện nhà trường. Với chủ đề này, ngành Giáo dục Đắk Lắk cũng sẽ tăng cường công tác tự đánh giá của các trường phổ thông, trung cấp, chuyên nghiệp, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại.

Năm học mới 2010-2011 cũng là năm học mà ngành Giáo dục Đắk Lắk  đứng trước nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục tại vùng sâu vùng xa dù đã được nâng lên nhưng vẫn cách xa so với mặt bằng chung, nhiều nơi, học sinh vẫn phải học trong những phòng học tạm, học nhờ. Đặc biệt là Đắk Lắk vẫn còn 21 xã chưa có trường mầm non độc lập. Nhận diện rõ những khó khăn này, ngành Giáo dục địa phương đã và đang tìm cách khắc phục để bước vào năm học mới với những kết quả cao hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên