Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên: Biểu tượng của tình đoàn kết
VOV.VN - Tượng đài Bác Hồ cùng các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết được ví như "trái tim" của thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Từ lâu, nơi đây đã trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết, lòng yêu nước và sự gắn bó keo sơn giữa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác Hồ.
Nhân dịp Quốc khánh 2/9, PV VOV có bài giới thiệu về tượng đài và tình cảm sâu đậm của người dân địa phương đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh .
Mỗi buổi chiều, Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, nhộn nhịp người vui chơi, tập thể dục và tham quan. Các cụ ông, cụ bà thong dong đi bộ, hít thở không khí trong lành. Từng tốp thanh niên miệt mài chạy bộ, còn trẻ nhỏ hồn nhiên chơi đùa, ríu rít tiếng cười. Vài nhóm bạn trẻ quây quần đàn hát, tiếng ghi-ta mộc mạc hòa cùng giọng ca trong trẻo giữa không gian rợp bóng cây xanh quanh Tượng đài Bác Hồ.
Anh Siu Thưm, ở Plei Ku Ró, TP. Pleiku cho biết, quảng trường không chỉ là điểm hoạt động ngoài trời hàng ngày, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, nơi tổ chức những sự kiện lớn của tỉnh: “Từ khi Quảng trường Đại Đoàn Kết được xây dựng, nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật đã được tổ chức, ca ngợi Bác Hồ và tôn vinh văn hóa truyền thống của các dân tộc như Jarai, Bahnar, Sêđăng. Làng Pleiku Roh tích cực tham gia các tiết mục cồng chiêng, múa hát, giới thiệu văn hóa truyền thống đến bạn bè gần xa. Các hoạt động này không chỉ giúp truyền dạy văn hóa cho thế hệ trẻ mà còn động viên các em học hỏi và gìn giữ di sản văn hóa của ông bà.”
Giữa quảng trường rộng 12 héc-ta, ở vị trí cao nhất và trang trọng nhất là Tượng đài Bác Hồ vẫy tay chào. Tượng cao 10,8m, được đúc bằng đồng nguyên chất, đặt trên bệ đá cao 4,5m. Bà Rơ Chăm H'Yéo - nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai - nhớ lại thời điểm năm 2012, đồng bào các dân tộc đón tượng mà ngỡ như đón Bác về với buôn làng.
Bà Rơ Chăm H'Yéo nói: "Hồi đó, khi tượng đài Bác Hồ được đưa về tới đèo An Khê (Thị xã An Khê, Gia Lai), bà con mình đứng hai bên đường đánh cồng chiêng và nhiều người hò reo: “Bác đã về với buôn làng! Bác đã về với bà con mình rồi!” Khi tượng Bác được dựng lên ở quảng trường, bà con tụ họp lại đánh chiêng xung quanh Tượng đài Bác Hồ. Và từ đó, Bác Hồ đã thực sự về với đồng bào Jarai, về với người Tây Nguyên. Có tượng Bác, bà con thêm vững tin vào cuộc sống, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, đoàn kết các dân tộc, giúp đỡ nhau vươn lên, để xây dựng quê hương ngày càng phát triển hơn."
Tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, cùng với tượng đài còn có nhiều công trình gắn với hình ảnh Bác Hồ. Nổi bật là bức phù điêu đá, với hình ảnh Bác gần gũi giữa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đang trong ngày lễ hội, vào mùa sản xuất... Và bức thư Bác gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946 được khắc trên đá, ghi dấu ấn lịch sử về sự quan tâm của Người và Chính phủ với đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai-Kon Tum trưng bày nhiều hiện vật quý về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Nhà thờ Bác Hồ tại quảng trường là nơi người dân Gia Lai thắp hương tưởng nhớ, báo công dâng Bác mỗi dịp lễ trọng.
Ông Hà Sơn Nhin - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, xúc động khi nói về Tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường Đại Đoàn Kết: “Bác nói dân tộc nào dù Mường, Mán, Jarai, Ê-đê, Bahnar, Xê-đăng đều là con em một nhà. Chính phủ rất quan tâm, nên dân tộc Tây Nguyên luôn nhớ Bác, luôn nghe theo lời Bác Hồ. TP. Pleiku và các ngành của tỉnh có lễ hội, việc lớn đều tổ chức ở đây; các lực lượng vũ trang có việc lớn cũng đến để báo công với Bác, thể hiện tấm lòng tri ân, hứa với Bác để tiếp tục phấn đấu thực hiện nhiệm vụ trọn vẹn hơn, góp phần xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.”
Từ khi hoàn thiện 12 năm trước, Tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, tỉnh Gia Lai, đã thực sự là biểu tượng đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, gắn kết nhân dân với với Đảng, với Bác Hồ.