Tướng Đồng Sĩ Nguyên: Một cảm giác mất mát vô cùng lớn lao!
VOV.VN - “Cả cuộc đời của Đại tướng vì Đảng, vì nước, vì dân và tập trung cao độ cho cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng), nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn nói rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc của thế giới, là danh tướng của quân đội ta, dân tộc ta.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên tại Lễ kỷ niệm 40 năm bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh (Ảnh:CPV.VN) |
PV: Thưa Trung tướng, là người từng sát cánh bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cảm giác của ông như thế nào khi nghe tin người “Anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đi mãi mãi?
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: Tôi vào thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúng một ngày trước khi anh ra đi mãi mãi. Lúc đó anh mệt và không thể trò chuyện được. Ngày hôm sau, khi nghe tin anh lâm chung, tôi thấy rất buồn, một cảm giác mất mát vô cùng lớn lao ập đến. Tuy nhiên, cũng thật vinh dự khi Đại tướng đã được hưởng thọ cao niên.
Có thể nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc của thế giới, là danh tướng của quân đội ta, dân tộc ta. Cả cuộc đời của Đại tướng vì Đảng, vì nước, vì dân và tập trung cao độ cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
PV: Trung tướng có thể chia sẻ kỷ niệm và ấn tượng của mình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc đời binh nghiệp của mình?
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: Đất nước, dân tộc, nhân dân ta vô cùng vinh dự khi có một danh tướng lẫy lừng tầm cỡ thế giới là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với tôi, thật vinh dự khi có những ký ức hào hùng, chan chứa tình cảm mà hai anh em từng trải qua trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Từ thời khác chiến chống Pháp, có thể thấy Đại tướng có sáng tạo độc đáo với việc tổ chức các chiến dịch. Và điều này cũng được thể hiện rõ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Sự sáng tạo trong tập trung được lực lượng và tạo sự chủ động nên muốn đánh đâu thì đánh, không bị động.
Thứ hai là tiến- thoái rất rõ ràng mà chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 gây chấn động địa cầu là một ví dụ tiêu biểu. Sự chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” cho thấy một nghệ thuật quân sự rất cao cường.
Hay chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tướng chỉ đạo với tinh thần “thần tốc, táo bạo” để tập trung cùng miền Nam giải phóng một cách nhanh nhất. Đó cũng là một ấn tượng sâu sắc đối với tôi.
Đại tướng đối với tôi có nhiều kỷ niệm lắm! Khi tôi là Tư lệnh trưởng Bộ đội Trường Sơn, trong chiến dịch Đường 9- Nam Lào, Đại tướng nói với tôi: “Cho nó ra nhưng không cho nó về”. Và thực tế ta đã thắng lợi một chiến dịch phản công quy mô lớn.
Theo tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng không những xuất sắc của Việt Nam mà còn của thế giới. Một vị tướng văn vỏ kiêm toàn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh miền Nam và Tư lệnh trưởng Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên bàn kế hoạch tác chiến, chuẩn bị chiến dịch Đường 9 - Nam Lào tại một cánh rừng Trường Sơn năm 1971. |
PV: Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, theo Trung tướng, có phải tư tưởng quyết thắng đồng thời tiết kiệm sinh mạng của người lính đã đưa Đại tướng đến quyết định chuyển từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc thắng chắc"?
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: Đúng vậy, điều đó cũng cho thấy sự lo lắng của Đại tướng về an nguy của binh lính. Tính nhân văn của Đại tướng cao lắm! Một chiến dịch rất quan trọng, hành quân xa xôi, khó khăn như thế thì phải chuẩn bị thật tốt, chắc phần thắng mới đánh.
Một vị Tướng như thế bao giờ giờ cũng hướng về Tổ quốc, về nhân dân chứ không phải vì cá nhân.
PV: Được biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét về đồng chí Đồng Sĩ Nguyên với tình cảm rất sâu sắc. Trung tướng có thể chia sẻ cảm xúc của mình về lời của người “anh cả”?
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: Đại tướng nhận xét tôi là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và quân đội, gần gũi với Bác Hồ. Tôi rất cảm động với nhận xét đó sau một quá trình làm việc với Đại tướng. Giờ thì Đại tướng ra đi mãi mãi…!./.