Tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc rất quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ
VOV.VN - Theo Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ đã khẳng định những nguyên tắc rất quan trọng trong quan hệ hai nước. Đó là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Việc nâng tầm mối quan hệ Việt Nam – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững không chỉ là cột mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, góp phần vào hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới; mà còn đánh dấu bước trưởng thành của đối ngoại Việt Nam.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khi trả lời báo giới về ý nghĩa và kế hoạch triển khai Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ trong thời gian tới.
PV: Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết ý nghĩa của việc nâng tầm mối quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện, vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Để thực hiện được chuyến thăm Việt Nam, phía Mỹ đã có nỗ lực vượt bậc, chưa có tiền lệ, thay đổi chương trình hoạt động đối ngoại của Tổng thống và Phó Tổng thống. Hai bên đã ra được Tuyên bố chung. Đây là văn kiện quan trọng, một cột mốc đánh dấu việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Trong văn kiện đó, đề cập 10 trụ cột hợp tác bao trùm tất cả các lĩnh vực quan hệ Việt Nam và Mỹ. Điều đó cho thấy quan hệ hợp tác hai nước không chỉ mở rộng mà còn phát triển về chiều sâu, thực chất hơn. Điều rất quan trọng là Tuyên bố chung đã khẳng định những nguyên tắc rất quan trọng trong quan hệ hai nước. Đó là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ mang một ý nghĩa vượt ra khỏi khuôn khổ song phương. Đó là một cột mốc rất quan trọng trong tổng thể triển khai đối ngoại của Việt Nam.
Đó là lần đầu tiên chúng ta có được quan hệ ở cấp độ đối tác chiến lược với cả 5 nước uỷ viên thường trực HĐBA LHQ. Điều đó tạo cho chúng ta những khuôn khổ để phát triển quan hệ ổn định lâu dài với những nước có vai trò quan trọng trên thế giới. Nó cũng tạo cho chúng ta một thế trận đối ngoại vững chắc trong thời gian tới.
Điểm thứ 2 là trong năm 2023 và những năm gần đây, cùng với việc phát triển quan hệ hữu nghị với Mỹ, chúng ta đã triển khai đồng đều việc tăng cường quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, các nước khu vực, các nước lớn, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống. Những bước triển khai bài bản và có lớp lang này tạo được thế trận đối ngoại nói chung, giúp chúng ta ở một thế rộng mở hơn, linh hoạt hơn và có dư địa để phát triển quan hệ với tất cả các đối tác. Đây là bước đánh dấu sự trưởng thành của đối ngoại Việt Nam.
Cuối cùng, trong triển khai đối ngoại, và đặc biệt là nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ khẳng định mạnh mẽ tính đúng đắn và cũng là kết quả quan trọng, nổi bật của đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, hoà bình, hữu nghị của Đảng và Nhà nước ta.
PV: Việc nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững là một mốc lịch sử. Việc này mang lại lợi ích như thế nào cho cả hai bên, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Việc xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mang lại những lợi ích cả lâu dài và trước mắt cho cả 2 phía. Việt Nam có cơ hội và điều kiện thuận lợi để đưa quan hệ với Mỹ - một đối tác có tầm quan trọng chiến lược đi vào chiều sâu hiệu quả thực chất hơn, phục vụ thiết thực cho mục tiêu phát triển, duy trì môi trường quốc tế hoà bình ổn định, và nâng cao vị thế đất nước, đúng theo tinh thần Đại hội XIII.
Đối với Mỹ, đây là điều kiện thuận lợi tăng cường quan hệ với Việt Nam – một đối tác ngày càng quan trọng trong khu vực. Cũng thông qua đó là tăng cường quan hệ với ASEAN, tận dụng những cơ hội mới để phát huy vai trò và vị thế của Mỹ ở khu vực.
Còn đối với quan hệ 2 nước nói chung, khung khổ quan hệ mới giúp cho việc tiếp tục tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng củng cố lòng tin. Đây là một nền tảng rất quan trọng cho quan hệ giữa hai quốc gia trong nhiều năm tới. Nó cũng giúp cho việc tạo đồng thuận mỗi nước, huy động sự quan tâm, nguồn lực để triển khai chương trình, các thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước.
Riêng với Mỹ, khuôn khổ này củng cố sự đồng thuận giữa 2 Đảng của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam, làm chính sách quan hệ của Mỹ với Việt Nam ổn định bền vững và dễ đoán định hơn.
Một điểm nữa cần phải nhấn mạnh là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện không chỉ có lợi cho cho Việt Nam và Mỹ, mà còn hướng tới phục vụ cho hoà bình hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực. Như vậy là sẽ có lợi cho tất cả các quốc gia.
PV: Vậy trong thời gian tới, hai bên sẽ triển khai thực hiện Tuyên bố chung như thế nào và đâu sẽ là những lĩnh vực được ưu tiên thực hiện, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Tuyên bố chung là văn kiện quan trọng, đánh dấu mở ra giai đoạn mới trong quan hệ 2 nước. Tuyên bố chung có 8 trang. Hai bên gửi gắm trong đó rất nhiều những mong muốn, những kỳ vọng và cả cảm xúc. Chúng tôi nghĩ điều rất quan trọng trong Tuyên bố chung là làm sao chúng ta có thể huy động được các nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị của mỗi bên, từ các cơ quan chính trị, quốc hội, tổ chức, doanh nghiệp địa phương và người dân. Và chúng ta phải làm sao tận dụng được cơ chế khuôn khổ sẵn có và sẽ được thiết lập để triển khai thỏa thuận này. Mỗi năm cần đề ra những mục tiêu cụ thể để triển khai. Cũng phải có định kỳ đánh giá kiểm điểm lại việc thực hiện cho hiệu quả nhất.
Nói về những lĩnh vực ưu tiên, điểm thứ nhất là trao đổi các đoàn cấp cao, các chuyến thăm lẫn nhau, các cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị khu vực và quốc tế, phát huy tối đa các kênh quan hệ, từ kênh Đảng, Nhà nước, Nghị viện, cho đến giao lưu nhân dân, quan hệ giữa các địa phương. Tôi nghĩ đây là điều kiện rất quan trọng để tạo môi trường chính trị thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác nói chung.
Điểm thứ 2 là kinh tế thương mại đầu tư tiếp tục chiếm ưu tiên cao. Trong đó, đổi mới sáng tạo, công nghệ khoa học là khâu đột phá, và hợp tác về phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực là những lĩnh vực ưu tiên cao. Ngoài ra còn nhiều lĩnh vực quan trọng khác tiếp tục được coi trọng như hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, đào tạo giáo dục, giao lưu nhân dân, hợp tác xử lý vấn đề mang tính toàn cầu như tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, y tế, nguồn nước, chống khủng bố…
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng.