Tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ ra trường tăng gần gấp đôi so với những năm trước
VOV.VN - Thực tế ở nhiều địa phương, đa phần các bệnh viện ở tuyến tỉnh đã thu hút mỗi năm khoảng 20 bác sĩ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế không phủ nhận tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt thể thấp còi, vấn đề tiếp cận dịch vụ y tế, tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng nghèo cao hơn hẳn thành thị và những khu vực tỷ lệ hộ nghèo đã giảm; sự công bằng trong tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật cao còn rất thấp ở những vùng núi, vùng sâu, xa.
Xã hội hóa để cải thiện cơ sở vật chất cơ sở y tế tuyến xã, huyện
Đề nghị được giải trình làm rõ thêm về 3 nội dung chính: Tăng cường cơ sở vật chất cho cơ sở y tế, về nhân lực và vấn đề tài chính, trong đó có BHYT, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất ở các tuyến xã, huyện, Chính phủ đã có Quyết định số 47 đầu tư cho hơn 600 bệnh viện tuyến huyện trong cả nước, đến nay có thể nói, kể cả ở vùng sâu vùng xa, cơ sở vật chất và trang thiết bị của bệnh viện tuyến huyện đã được cải thiện rõ rệt. Còn theo Quyết định 930, nhiều tỉnh ở vùng núi như Lào Cai, Lai Châu, Phú Yên… đã khánh thành bệnh viện tuyến tỉnh khá khang trang. Đối với trạm y tế xã, tuy Chính phủ đã có Quyết định 950 từ năm 2007, nhưng do đến nay vẫn chưa tìm được nguồn đầu tư (kể cả ngân sách cũng như trái phiếu đầu tư) nên tình trạng nhiều trạm y tế xuống cấp, hư hỏng vẫn chưa được khắc phục.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đang triển khai tìm các nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, cũng như các khoản viện trợ không hoàn lại. Bằng hướng đi này, 100% số trạm y tế xã ở Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế đều được xây dựng 2 tầng và có trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia mới. Hiện Bộ đang triển khai giai đoạn 2 của dự án ODA xây dựng trạm y tế xã ở Tây Nguyên và một dự án ODA của Ngân hàng Thế giới để phát triển cơ sở vật chất và nhân lực cho trạm y tế tuyến xã, huyện ở vùng khó khăn.
Về y tế biển đảo, Bộ Y tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án y tế biển đảo tháng 1/2013 trong đó có việc nâng cấp hệ thống y tế, nhân lực và chính sách cho vùng biển đảo và hiện đang triển khai.
Cán bộ y tế xã vùng 30a và 135 có lương từ 10-12 triệu đồng/tháng
Về nhân lực ở các cơ sở y tế tuyến xã, huyện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đồng ý với ý kiến các đại biểu cho rằng đối với những tỉnh ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, việc tuyển chọn bác sĩ, đặc biệt bác sĩ giỏi rất khó, nhiều trạm y tế xã thậm chí không có bác sĩ làm việc. Để giải quyết tình trạng này, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế đã cho phép tăng chỉ tiêu đào tạo từ năm 2007 về các loại hình đào tạo cho miền núi như cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo chính quy. Với cách làm này, từ năm 2013, 2014 trở đi tỷ lệ bác sĩ và dược sĩ ra trường hàng năm sẽ tăng gần gấp đôi những năm trước. Hiện nay tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân đã vượt so với kế hoạch. Qua thực tế ở nhiều địa phương, thực hiện chính sách thu hút bác sĩ, đa phần các bệnh viện ở tuyến tỉnh đã thu hút mỗi năm khoảng 20 bác sĩ.
Còn đối với nhân lực cho các trạm y tế xã, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức y tế tuyến huyện, theo đó sẽ sáp nhập trung tâm y tế huyện và bệnh viện huyện thành một tổ chức để giảm bớt các đầu mối, trạm y tế huyện sẽ trực thuộc trung tâm y tế. Như vậy, trung tâm y tế có thể điều tiết số lượng bác sĩ ở bệnh viện huyện xuống làm việc ở trạm y tế xã. Một chính sách nữa mà Bộ sẽ ban hành trong tháng 6 này là Thông tư để thực hiện Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ là nghĩa vụ luân phiên các bác sĩ ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh sẽ đi nghĩa vụ về các tuyến xã, huyện mỗi năm một lần, đặc biệt là các bác sĩ giỏi. Chính sách nữa mà Bộ cũng đã triển khai là Đề án thí điểm đưa bác sĩ giỏi, đào tạo chuyên khoa xung phong về 63 huyện nghèo cũng như vùng biển đảo. Chính sách thứ 4 dành cho các bác sĩ và cán bộ y tế vùng 30a và 135 có hệ số phụ cấp độc hại và vùng sâu vùng xa là 64.
Với mức phụ cấp này, các bác sĩ trạm trưởng và bác sĩ điều trị cũng như điều dưỡng ở các trạm y tế xã đều có lương từ 10 triệu và trạm trưởng lương từ 12 triệu đồng/tháng, nếu là người ở địa phương thì họ rất yên tâm nhưng nếu ở trung ương thì có một chút khó khăn. Do đó chúng tôi đã quy định ban hành nghĩa vụ xã hội cũng như đề án bác sĩ tình nguyện với thời gian làm nghĩa vụ của bác sĩ nam là 3 năm, nữ là 2 năm, các bác sĩ đó sẽ được tuyển viên chức trước khi đi tình nguyện và có thể được đào tạo chuyên khoa sớm hơn các bác sĩ bình thường.
Đề nghị cho trích lại 20% phần kết dư quỹ BHYT
Với các chính sách về tài chính, đặc biệt BHYT, Chính phủ và Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết, đặc biệt lần này là việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, theo đó người nghèo không phải đồng chi trả còn trước kia phải đồng chi trả 5%; người cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70%, luật cũ quy định đồng chi trả 20%; đặc biệt người nghèo, cận nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn khi khám chữa bệnh vượt tuyến trong phạm vi tỉnh vẫn được thanh toán 100%.
Đối với các hộ diêm sinh, học sinh, sinh viên, Nhà nước hỗ trợ 30-50%. Đối với chính sách này, Bộ Y tế đề nghị xã hội hóa, để các DN hỗ trợ là thiết thực nhất. Nhiều tỉnh đã thực hiện rất quyết liệt Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và Đề án bảo hiểm y tế toàn dân của Chính phủ đã bỏ kinh phí ngân sách địa phương để mua nốt 30% cho hộ cận nghèo để tăng tỷ lệ bao phủ. Chính sách này của Đảng, Nhà nước cũng được quốc tế đánh giá cao bởi một nước mới thoát nghèo nhưng đã có chính sách an sinh xã hội rất tốt.
Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị của Ban soạn thảo Luật Bảo hiểm y tế cho phép các địa phương, đặc biệt vùng núi, vùng sâu vùng xa được trích lại 20% phần kết dư quỹ BHYT chưa dùng đến. Ở những khu vực này người dân chưa có nhiều điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế cao trong khi hộ nghèo để họ tăng cường thêm chất lượng các dịch vụ y tế, đặc biệt ở tuyến xã./.