Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 ở vùng cao Yên Bái
VOV.VN - Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở vùng đồng bào thiểu số Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực
Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Tiểu dự án 2) trong Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Yên Bái về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng gia tăng, góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3.
Mù Cang Chải là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, nơi có tới 99% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trước đây nhận thức của đa số người dân về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình rất hạn chế; quan niệm gia đình đông con, nhiều cháu mới có phúc và phải có con trai nối dõi tông đường đã tồn tại trong suy nghĩ của nhiều thế hệ.
Trước thực tế đó, nhiều năm qua, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền huyện, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, địa phương, tổ chức các hội nghị, hội thảo, cử cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số đến từng hộ gia đình tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân số. Bên cạnh đó, thành lập các câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc không sinh con thứ 3 ở cơ sở nhằm tuyên truyền, triển khai các biện pháp hạn chế tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mất cân bằng giới tính; vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, không phân biệt con trai, con gái...
Ông Phạm Hồng Sơn, phụ trách Phòng khám Đa khoa khu vực Khao Mang, huyện Mù Cang Chải cho biết: “Bây giờ đồng bào biết đẻ ít con. Nhiều người dân cũng xuống cơ sở y tế để được cán bộ y tế hướng dẫn các biện pháp tránh thai”.
Bà Sùng Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải cho hay: “Tỷ lệ sinh con thứ 3 đã giảm, đến hiện nay đã không còn. Việc này đã góp phần cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các lực lượng lao động tập trung vào phát triển kinh tế, trẻ em được chăm sóc tốt hơn, đến trường đúng độ tuổi”.
Đến hết năm 2022, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Mù Cang Chải giảm còn khoảng 20%. Các gia đình có điều kiện tốt hơn để chăm sóc, dạy dỗ con cháu, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu; 100% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường.
Ông Cứ A Hồng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải cho biết: “Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã đưa công tác dân số vào Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương và giao nhiệm vụ cho các ngành xây dựng kế hoạch và có chương trình hành động của từng ngành một. Đặc biệt, ngành Y tế tham mưu cho huyện rất cụ thể từng giải pháp, quan thực hiện cũng nhiều chuyển biến”.
Hiện nay ở Mù Cang Chải, nhiều cặp vợ chồng trẻ, như vợ chồng anh Mùa A Thắng, ở thôn Háng Phừ Loa, xã Mồ Dề, dù sinh 2 con gái, nhưng đã thực hiện biện pháp tránh thai.
“Nhiều người khuyên nên đẻ thêm con trai để có người chăm sóc khi tuổi già nhưng nghe cán bộ tuyên truyền, mình còn nghèo, đẻ nhiều con không chăm được con, không cho con đi học được. Thế nên vợ chồng mình không đẻ nữa, đẻ ít con để còn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình”.
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở Mù Cang Chải hiện chỉ còn gần 1,5%; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai đạt hơn 65% và tỷ lệ tảo hôn chỉ còn khoảng 3%... Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn bản và của ngành y tế ở Mù Cang Chải trong nhiều năm qua.