UBTV Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giám định tư pháp
Nhiều ý kiến không tán thành với việc bỏ tổ chức giám định pháp y thuộc Công an các tỉnh, như quy định trong dự thảo luật.
Ngày 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 2, cho ý kiến về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và dự án Luật Giám định tư pháp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự.
Thảo luận về dự án Luật Giám định tư pháp, vấn đề được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận và còn nhiều ý kiến khác nhau là việc có hay không quy định phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh, thành phố nằm trong hệ thống tổ chức giám định công lập về pháp y.
Nhiều ý kiến không tán thành với việc bỏ tổ chức giám định pháp y thuộc công an các tỉnh, như quy định trong dự thảo luật. Lý giải về vấn đề này, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hệ thống giám định pháp y công an tỉnh đã được thành lập từ lâu, là lực lượng mạnh, không có vướng mắc gì về quản lý Nhà nước cũng như tổ chức việc giám định, đang phát huy hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Ông Phan Trung Lý đặt vấn đề: “Theo tôi, dự thảo đưa phương án bỏ sẽ mâu thuẫn với chủ trương trong này - là phải xã hội hóa các hoạt động, trong khi các thành phần khác đề nghị cho phép thành lập văn phòng. Do đó, lý do gì cơ quan, tổ chức công lập của Nhà nước có đào tạo bài bản lại bỏ đi?”.
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ thì khẳng định, hơn 50 năm phát triển, phòng pháp y công an các tỉnh, thành phố đã đảm bảo các điều kiện về vật chất, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu cao trong điều kiện tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp. Hơn nữa, hệ thống cơ quan giám định pháp y không nằm trong hệ thống cơ quan điều tra, nên sẽ đảm bảo tính khách quan, độc lập trong quá trình điều tra. Vì vậy, việc tổ chức lực lượng pháp y công an tỉnh là cần thiết.
Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ cho biết: “Mỗi năm, Bộ Công an và công an các địa phương tiếp nhận hàng nghìn vụ án, chủ yếu là ở cấp tỉnh, huyện. Nếu bỏ phòng pháp y công an tỉnh mà chỉ có Viện khoa học hình sự Bộ Công an thì không đáp ứng được yêu cầu công tác điều tra. Giám định pháp y là chìa khoá mở ra trong điều tra. Vì vậy, nếu lực lượng pháp y không kịp thời và không được trang bị kiến thức về bảo quản dấu vết, mà chỉ có kiến thức khám nghiệm đơn thuần, thì trong khám nghiệm có thể không phát hiện được mà còn bị xoá đi dấu vết. Bộ Công an đề nghị giữ nguyên, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong hình hình hiện nay”.
Về chủ trương xã hội hoá hoạt động giám định tư pháp, nhiều ý kiến cho rằng: Thực tiễn xét xử bắt buộc phải có trưng cầu giám định. Trong khi, những tiêu cực trong việc giám định thương tích, tai nạn, giám định tuổi, giám định sức khoẻ vẫn diễn ra ở một số nơi. Do đó, nếu quy định như trong dự thảo Luật, cho phép mở văn phòng giám định ngoài công lập, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Vì vậy, việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là loại hình dịch vụ mới, cần có lộ trình phù hợp, có tổng kết, rút kinh nghiệm rồi mới xem xét mở rộng phạm vi.
Trước đó, trong buổi làm việc sáng 27/9, thảo luận về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, một số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật này, vì cho rằng: Thực tế, trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã có quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó giao cho nhiều cơ quan chịu trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật.
Điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện những quy định đó một cách nghiêm túc. Vì hiện nay, việc tổ chức thực hiện quy định của pháp luật còn chưa nghiêm, chưa hợp lý./.