UBTV Quốc hội thảo luận về Luật lưu trữ

Các thành viên UBTV Quốc hội tán thành nhiều nội dung của dự thảo Luật như: các quy định về quản lý tài liệu của cá nhân; quản lý, khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ...  

Tiếp tục phiên họp thứ 35, chiều 4/10, Uỷ ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội thảo luận cho ý kiến về Dự thảo Luật Lưu trữ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Tại phiên làm việc, các thành viên UBTV Quốc hội cho rằng vẫn còn một số vấn đề trong nội dung của dự thảo Luật cần được  tiếp tục nghiên cứu, làm rõ như: trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam, quan hệ giữa Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, giữa cơ quan lưu trữ của Đảng và cơ quan lưu trữ của Nhà nước; Tổ chức lưu trữ lịch sử và việc sao tài liệu lưu trữ, cấp chứng thực lưu trữ.

Về Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản quý báu của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay, tài liệu lưu trữ còn phân tán, bên cạnh Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam gồm: tài liệu lưu trữ các tổ chức Đảng và tổ chức chính trị-xã hội và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam gồm tài liệu các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước thì còn có Phông lưu trữ các ngành công an, quốc phòng, ngoại giao...

Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, việc tồn tại nhiều hệ thống lưu trữ dẫn đến tài liệu lưu trữ bị phân tán làm hạn chế việc khai thác, sử dụng. Do đó, ông Nguyễn Văn Thuận đề nghị cần được quản lý thống nhất tại Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, cần có giải pháp để quản lý tập trung thống nhất, tránh phân tán. Đây là vấn đề quan trọng chi phối toàn bộ nội dung của Pháp lệnh hiện hành và dự thảo Luật lưu trữ. Đồng thời, để thống nhất quản lý nhà nước về lưu trữ thì phải có các quy định thống nhất về nghiệp vụ lưu trữ, bao gồm các quy định về thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ giữa các phông lưu trữ hoặc ít nhất phải thống nhất được về các nguyên tắc cơ bản trong quản lý chuyên môn, nghiệp vụ lưu trữ.

Đồng tình với thời hạn được phép sử dụng tài liệu tại Lưu trữ lịch sử, nhiều đại biểu nhất trí bổ sung quy định về thời hạn được phép tiếp cận tài liệu lưu trữ hạn chế sử dụng (Điều 28) để bảo đảm quyền tiếp cận tài liệu lưu trữ của tổ chức, công dân, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều đại biểu cho rằng thời hạn giải mật là 40 năm, 60 năm như tại khoản 2 Điều 28 của dự thảo Luật là hòan tòan phù hợp. Bởi vì mục đích của việc lưu trữ tài liệu là để sử dụng. Vì thế, việc quy định hợp lý thời hạn được khai thác, sử dụng giải mật là hết sức cần thiết.

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là xã hội hóa hoạt động lưu trữ. Một số đại biểu tán thành chủ trương cần xã hội hóa một số hoạt động dịch vụ lưu trữ và cho rằng đây là xu thế chung của thế giới nhằm huy động các nguồn lực xã hội trong việc chăm lo, giữ gìn, bảo vệ an toàn và sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, xã hội hóa hoạt động lưu trữ là vấn đề lớn, cần phải được nghiên cứu, quy định phù hợp để bảo đảm cho tài liệu lưu trữ được bảo quản, bảo vệ an toàn, tránh thất thoát.

Trước đó, tại phiên làm việc sáng cùng ngày, UBTV Quốc hội thảo luận cho ý kiến về Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Ngày 5/10, UBTV Quốc hội họp phiên bế mạc, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố tụng hành chính./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên