UBTVQH thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người

Trong những năm gần đây, mua bán người trở thành một loại tội phạm gây bức xúc trong xã hội. Thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia.  

Tiếp tục phiên họp thứ 33, sáng 23/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe báo cáo và cho ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Nhiều đại biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh được quy định tại điều 1 của dự thảo Luật và cho rằng như vậy là phù hợp với tên gọi của dự án Luật.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, ngoài phạm vi điều chỉnh quy định, cần bổ sung các nội dung về việc xử lý đối với hành vi mua bán người và các hành vi vi phạm khác trong phòng, chống mua bán người. Việc bổ sung này nhằm bao quát hết nội dung cần điều chỉnh của dự án Luật. Trong đó cần xác định rõ nội dung khái niệm “phòng” và “chống”.

Ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Về quan điểm nội dung phòng và chống, nội dung “chống” đã được nêu ra trong một số bộ luật khác. Luật Phòng, chống mua bán người cần tăng cường nội dung, điều luật, yếu tố liên quan đến “phòng” nhiều hơn. Như vậy, chúng ta có nội dung luật này “phòng” nhiều hơn gắn với nội dung “chống” đã quy định trong bộ Luật khác. Kết hợp 2 luật này, chúng ta sẽ đạt được giải pháp cao hơn để đưa Luật Phòng, chống mua bán người vào cuộc sống”.

Một vấn đề khác được nhiều thành viên UBTVQH và đại biểu quan tâm là mối tương quan giữa Dự án Luật phòng, chống mua bán người với các luật khác như Bộ Luật hình sự, Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em…

Theo các thành viên UBTVQH, khi chúng ta làm rõ được sự độc lập cũng như tính tương quan thì Dự thảo Luật Phòng, chống buôn bán người mới có tính khả thi cao.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình hành động, phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em (2004-2009), cả nước phát hiện hơn 1.500 vụ mua bán, tăng hơn 1.000 vụ so với 5 năm trước. Vì vậy, sự ra đời của Luật Phòng chống mua bán người sẽ góp phần hạn chế và từng bước đẩy lùi loại tội phạm này.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến vào Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên