UBTVQH thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô và Phòng chống khủng bố
Một trong những điều kiện quan trọng để xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại là cần phải có cơ chế, chính sách tài chính phù hợp.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 10, thảo luận về dự án Luật Thủ đô và Luật phòng, chống khủng bố. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.
Thảo luận về dự án Luật Thủ đô, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: So với dự án Luật đã trình Quốc hội khoá XII, các quy định trong dự thảo Luật lần này có cơ sở lý luận, thực tiễn và tính khả thi hơn. Dự thảo Luật đã lựa chọn để quy định 16 chính sách, cơ chế đặc thù cho Thủ đô, tập trung vào 7 lĩnh vực như quy hoạch, văn hoá, giáo dục- đào tạo, khoa học- công nghệ, môi trường- đất đai, kinh tế- tài chính, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Liên quan đến cơ chế đặc thù trong giáo dục, đào tạo, dự thảo Luật quy định, ngoài chương trình chung, Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn. Nhiều ý kiến không đồng tình vì cho rằng quy định như vậy không phù hợp với chủ trương giảm tải chương trình giáo dục phổ thông hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề: “Nếu triển khai thực hiện quy định này thì chúng tôi hiểu rằng tạm thời sẽ có 2 loại giáo trình, dành chung cho cả nước và cho Hà Nội. Và sẽ có 2 loại trường phổ thông, 2 loại trường mầm non. Một đất nước mà học sinh Hà Nội được truyền đạt kiến thức khác thì trong thi tuyển cả nước sẽ tổ chức như thế nào, đề nghị cần cân nhắc kĩ quy định này”.
Theo các đại biểu, một trong những điều kiện quan trọng để xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại theo định hướng trong Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị là cần phải có cơ chế, chính sách tài chính phù hợp. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với dự thảo Luật, cho phép Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, đất đai, xây dựng. Đồng thời được quy định mức thu một số loại phí, lệ phí cao hơn so với mức chung của cả nước để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, xây dựng và cải tạo các công trình giao thông.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, một số quy định trong dự thảo Luật Thủ đô còn chung chung, chưa nêu bật tính đặc thù của thủ đô so với các thành phố khác. Theo đó, đã là thủ đô phải nói rõ đặc điểm của thủ đô, yêu cầu xây dựng thủ đô. Việc phát triển thủ đô vừa là của tự tại bản thân nó, vừa là kết tinh của cả dân tộc. Là thủ đô nên cần có một số định chế, quy định của luật pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng thủ đô.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kì họp thứ 4 tới.
Chiều nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống khủng bố. Đa số ý kiến cho rằng: các biện pháp phòng chống khủng bố và tài trợ khủng bố là nội dung cốt lõi của dự luật này.
Khẳng định việc phòng chống khủng bố là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó các lực lượng chuyên trách làm nòng cốt nên cần có các biện pháp phòng, chống khủng bố cho toàn xã hội, đồng thời có biện pháp phòng ngừa riêng của các lực lượng chuyên trách chống khủng bố./.