UBTVQH xem xét phương án miễn, giảm, giãn thuế

Chính phủ đề nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2011 cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng được giãn thuế trong năm nay

Sáng 13/7, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 42.

Cùng dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn; Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương.

Tại buổi làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị của Chính phủ về việc miễn, giảm, giãn thuế trong năm 2011 và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế tài nguyên môi trường.

Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2011 cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng được giãn thuế trong năm nay và đề nghị miễn thuế thu nhập cá nhân cho khá nhiều đối tượng, trong đó có các nhà đầu tư chứng khoán.

Người có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh cũng được miễn thuế từ 1/8/2011 đến hết 31/12/2011, tùy thuộc vào số người phụ thuộc và mức thu nhập.

Đa số ý kiến thảo luận tại phiên họp đồng tình với đề xuất của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân và góp phần thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn: Việc miễn, giảm thuế có nên “cào bằng” chung cho các chủ thể, hay cần rà soát, phân loại để tập trung cho các đối tượng khó khăn hơn. Đồng thời, việc miễn, giảm thuế cần đi kèm với các biện pháp kiểm soát hữu hiệu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng, cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, để chính sách này đến đúng đối tượng và không bị lợi dụng. Nếu chúng ta không có kiểm soát hợp lý thì sẽ làm cho chính sách bị méo mó, mất hiệu quả.        

Theo phương án của Chính phủ, việc miễn, giảm, giãn thuế sẽ tác động đến thu ngân sách khoảng 13.300 tỷ đồng. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng, việc miễn, giảm với số lượng như dự kiến chỉ bằng 1/10 số miễn, giảm, giãn thuế so với năm 2009. Số tiền giãn thuế chỉ bằng 1/3 so với số tiền giãn thuế năm 2009, nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối Ngân sách nhà nước. Bởi vậy ông Thuận đề nghị cần phải tính toán kỹ cái được cái mất của chính sách này.

Về phương án giảm 50% mức thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân từ quý 3 đến hết năm nay đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ cho công nhân, học sinh, sinh viên thuê; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân cung cấp suất ăn ca cho người lao động trên toàn quốc..., một số ý kiến cho rằng cần có biện pháp kiểm soát và chế tài đủ mạnh để chính sách hỗ trợ này đến được với người lao động, học sinh, sinh viên.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai kiến nghị phải tăng cường kiểm soát và có điều kiện đi kèm. Về lâu dài, Chính phủ có nên tính toán đến biện pháp trợ cấp trực tiếp.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, các đối tượng chịu thuế bao gồm: xăng dầu, mỡ nhờn; than đá; túi ni lông; dung dịch HCFC; thuộc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho, thuộc loại hạn chế sử dụng. Trong đó, mức thuế đối với xăng dầu, mỡ nhờn từ 300-1.000đồng/lít; than đá từ 10.000-20.000đồng/tấn; túi ni lông là 40.000 đồng/kg…

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2012./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên