Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn 2 dự án Luật
VOV.VN -Đây là 2 dự án luật đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa qua.
Đây cũng là 2 dự án luật đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa qua.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là phiên họp quan trọng sau khi Hiến pháp có hiệu lực và chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên làm việc tập trung, góp ý để phiên họp đạt hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. (Ảnh:TTXVN) |
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, nhiều ý kiến đề nghị có những quy định cụ thể về bảo hiểm y tế đối với người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ tiếp cận với bảo hiểm y tế toàn dân.
Các đại biểu không tán thành với việc phân bổ và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế cho các hoạt động như: Tuyên truyền, khen thưởng, bồi dưỡng, mua sắm trang thiết bị...
Quỹ bảo hiểm y tế cần được phân bổ hợp lý và chỉ tập trung cho nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hỗ trợ đối tượng nghèo và cận nghèo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, bảo hiểm y tế toàn dân mang tính nhân đạo. Đối với các đối tượng khó khăn, người nghèo, người có công, Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí khi tham gia bảo hiểm y tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, nghiêm cấm “sách nhiễu” người dân, người bệnh có bảo hiểm y tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu và kết luận: “Sửa Quỹ bảo hiểm y tế là Quỹ bảo hiểm y tế toàn dân. Những điều nào mà trong thực tiễn vẫn áp dụng và phát huy hiệu quả thì chưa sửa. Tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân nên dùng từ bắt buộc là cần thiết. Đề nghị trong nguyên tắc sửa thực hiện đúng quản lý thống nhất Quỹ bảo hiểm toàn dân và không có các khoản chi cho tuyên truyền, khen thưởng, mua sắm trang thiết bị…”.
Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi).
Về độ tuổi kết hôn, có ý kiến đề nghị tuổi kết hôn của cả nam và nữ là “Đủ 18 tuổi trở lên”.
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị giữ nguyên độ tuổi kết hôn như Luật hiện hành hoặc quy định độ tuổi “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”.
Nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định chế định ly thân trong Luật vì không phù hợp với văn hóa Việt Nam, dễ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn gia đình, ảnh hưởng đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em...
Về quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính, một số ý kiến đề nghị quy định rõ ràng trong luật việc cho phép hay cấm hôn nhân đồng giới hoặc giữ nguyên quy định cấm của Luật hiện hành./.