Vấn đề xây dựng quan hệ sản xuất, phát triển các thành phần kinh tế
Tầm vóc trí tuệ của Đảng ta và nhân dân ta trong quá trình tìm tòi sáng tạo, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, tiến lên Chủ nghĩa Xã hội ngày càng được khẳng định, nhất là sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng
Từ đó đến nay, quan niệm của chúng ta về Chủ nghĩa Xã hội được xác định ngày càng rõ hơn.
Nói như vậy không có nghĩa là mọi điều mà cuộc sống đặt ra chúng ta đều đã làm xong. Còn nhiều vấn đề rất quan trọng cần được tiếp tục giải quyết. Một trong những vấn đề đó là việc xây dựng quan hệ sản xuất, phát triển các thành phần kinh tế.
Xung quanh vấn đề này hiện nay có nhiều cách nhìn nhận khác nhau và có không ít những băn khoăn. Xin nêu một số loại ý kiến để cùng trao đổi.
1. Có ý kiến cho rằng: Nếu như trước đây ta thường nhấn mạnh đến việc xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất để nó "đi trước mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển", thì nay lại chú trọng đến lực lượng sản xuất, cho nó "bung ra" hết cỡ, ít chú ý đến quan hệ sản xuất. Như vậy phải chăng đã từ "tả" nhảy sang "hữu" và không khéo sẽ phá vỡ những quan hệ sở hữu mà bao nhiêu năm mới tạo dựng được.
Đây là câu hỏi mà nhiều người quan tâm. Xin được nêu một số khía cạnh.
Một là, trước đây chúng ta chú trọng xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất cũng là hợp lẽ, vì vậy là một cách đi có sự tìm tòi, phát huy vai trò tích cực của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất. Mặc khác, chúng ta không chỉ nói đến quan hệ sản xuất, mà chủ trương đồng thời tạo lập cả quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, vì đối với cả hai yếu tố đó của nền kinh tế, nước ta vẫn ở điểm khởi đầu. Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương này, do chủ quan và nóng vội, có lúc chúng ta đã làm sai quy luật, xoá bỏ nhanh các thành phần kinh tế tư bản tư nhân, biến nó thành quốc doanh hoặc công ty hợp doanh; đưa ồ ạt "những người sản xuất Xã hội Chủ nghĩa" với hai hình thức sở hữu toàn dân và tập thể chiếm ưu thế tuyệt đối.
Thực tế cho thấy, cách làm này lúc đầu cũng tạo ra động lực nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đáng kể vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Nhưng do không được tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời để sửa chữa những gì không đúng, trái với quy luật, nên cách làm trên mất dần tác dụng tích cực và ngày càng trở thành nguyên nhân gây nên sự trì trệ, ách tắc, tiêu cực về mặt kinh tế xã hội. Chúng ta đã nhận biết được điều đó và chuyển sáng cách làm khác: Phát triển một nền kinh tế nhiều thành phần.
Hai là, việc chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần chính là để giải phóng sức sản xuất, động viên tối đa mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Làm như vậy thực chất cũng là để xây dựng, củng cố và phát triển quan hệ sản xuất; thực hiện mọi giải pháp để phát triển có hiệu quả các thành phần kinh tế thuộc khu vực sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, củng cố và nhân cao địa vị làm chủ của người lao động trong sản xuất xã hội, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội; thực hiện nhiều hình thức phân phối, dựa vào kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, đồng thời dựa vào mức đóng góp của các nguồn lực khác....
Như vậy, sự chuyển hướng kinh tế mà chúng ta đang làm, cả trên phương diện lý luận và trong thực tế, sẽ giúp cho việc giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, củng cố và hoàn thiện thêm một bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, và hơn thế nữa, từng bước làm cho quan hệ sản xuất ở nước ta phù hợp với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất.
Bà là, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần không có gì là "nhảy cực" cả. Thấy sai thì sửa, và sửa không phải là từ bỏ định hướng, mà chỉ nhằm bảo đảm cho định hướng được thực hiện có hiệu quả, đúng quy luật kinh tế hơn mà thôi.
2. Khi đánh giá kết quả việc xây dựng quan hệ sản xuất và phát triển các thành phần kinh tế trong thời gian qua, có ý kiến cho rằng chúng ta chưa làm được bao nhiêu, kết quả thì ít mà khuyết điểm thì nhiều, coi chừng đang bị chệch hướng!
Ai cũng biết rằng, xây dựng quan hệ và phát triển các thành phần kinh tế không phải là công việc dễ dàng và càng không thể hoàn thành ngay trong một thời gian ngắn. Vậy nên những kết quả đạt được vừa qua mới chỉ là bước đấu và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên cũng không còn không ít sai sót. Song không thể vì thế mà không nhìn thấy rằng phát triển kinh tế nhiều thành phần, mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp của bên ngoài là một chiến lược đúng đắn.
Không thể có các thành tựu kinh tế như vừa qua, nếu không thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, nếu quan hệ sản xuất không được điều chỉnh, đổi mới cho phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Đã làm là có thể có sai sót, khuyết điểm. Nhưng nếu sớm phát hiện và tìm mọi cách để khắc phục những khuyết điểm thì không những quan hệ sản xuất mới được xây dựng, củng cố và phát triển vững chắc hơn, mà còn giải phóng mạnh mẽ hơn lực lượng sản xuất. Đó cũng là điều mà Đảng ta luôn quan tâm giải quyết.
Không thể nói chúng ta chệch hướng hay không chệch hướng một các đơn giản, thiếu căn cứ xác đáng. Phải nói rằng Đảng và Nhà nước nhận thức đầy đủ về tính phức tạp của quá trình chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta, nên không chỉ thường xuyên nhắc nhở phải cảnh giác với nguy cơ chệch hướng, mà còn thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi, đưa ra những chủ trương và giải pháp đồng bộ để giữ vững định hướng Xã hội Chủ nghĩa như: tăng cường vai trò và hiệu lực quản lý vĩ mô của Nhà nước, khai thác triệt để tính tích cực đi đôi với khắc phục, ngăn ngừa và hạn chế tính tự phát tiêu cực của cơ chế thị trường; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xoá đói giảm nghèo, giảm dần sự chênh lệch quá lớn về mức sống và trình độ phát triển giữa các vùng, các tầng lớn dân cư; mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền và bảo vệ lợi ích chân chính của quốc gia, dân tộc.
3. Có ý kiến cho rằng phát triển các thành phần kinh tế như vừa qua là quá chậm, quá rụt rè. Đề nghị cứ để cho các thành phần kinh tế phát triển thật mạnh, hoà đồng với nhau; bỏ hẳn phạm trù "thành phần kinh tế" đi cũng được, không nên chia nền kinh tế theo thành phần, mà nên chia nó theo quy mô doanh nghiệp.
Có thể nói ngay rằng, việc phát triển kinh tế nhiều thành phần ở nước ta nhanh hay chậm, rụt rè hay không, là phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Đây là một vấn đề rất phức tạp, lại rất hệ trọng vì liên quan đến đời sống của hàng triệu người, ảnh hướng quyết định đến vận mệnh của đất nước. Ở ta, phát triển kinh tế nhiều thành phần là để xây dựng Chủ nghĩa Xã hội nên càng khó. Đó là điều mà cả trong lý luận và thực tiễn đều chưa có. Vì vậy khi làm chúng ta phải rất thận trọng, vừa làm vừa thử nghiệm, vừa sáng tạo không ngừng, quyết làm nhưng lại phải biết lường trước tính sau, để tránh hoặc hạn chế những hậu quả không đáng có.
Cũng cần thấy, những việc làm của chúng ta vừa qua là không chậm. Những năm qua, chúng ta đã sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng và hiệu quả kinh doanh. Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển.
Việc giữ hay bỏ phạm trù "thành phần kinh tế" cũng là điều cần bàn. Sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế là một thực tế khách quan của nền kinh tế trong thời kỳ quá độ. Mỗi một thành phần kinh tế được đặc trưng bởi một kiểu chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất, quản lý và phân phối. Tương ứng với các thành phần kinh tế là các giai cấp và tầng lớp xã hội có lợi ích và vai trò, địa vị nhất định trong nền sản xuất xã hội. Sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế còn bắt nguồn từ chỗ trình độ phát triển của lực lượng sản xuất chưa đủ chín muồi để cho phép hình thành đồng thời và đều khắp chế độ sở hữu và quan hệ sản xuất kiểu mới trong toàn bộ nền kinh tế.
Xuất phát từ lý do trên, cần phân định thành phần kinh tế và lấy nó làm cơ sở để đề ra những chính sách kinh tế, chính trị, xã hội thích hợp. Không thể thay thế việc phân định các thành phần kinh tế bằng việc phân định theo các loại hình doanh nghiệp hay quy mô doanh nghiệp. Các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, nhưng không có vai trò, vị trí như nhau trong quá trình hình thành và xây dựng chế độ kinh tế - xã hội mới. Vì thế, cần phân biệt giữa sự yếu kém về mặt trang bị kỹ thuật, trình độ quản lý, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh với bản chất kinh tế - xã hội của mỗi thành phần kinh tế.
4. Một số người băn khoăn và đặt vấn đề: Cho nhiều thành phần kinh tế tồn tại lâu hay chóng; làm thế nào để các thành phần kinh tế tồn tại, phát triển một cách bình đẳng, vừa phát huy được vị trí, vai trò và bảo đảm lợi ích của từng thành phần kinh tế, vừa đem lại hiệu quả hữu ích cho toàn xã hội.
Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần cũng như xây dựng quan hệ sản xuất mới, Xã hội Chủ nghĩa là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội, có tác dụng to lớn để huy động mọi tiềm lực của nhân dân xây dựng kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất. Việc xây dựng quan hệ sản xuất mới phải được tiến hành từng bước với sự đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, thích hợp về bước đi; tổ chức nhiều loại hình sở hữu hỗn hợp, đan xen để bổ sung cho nhau, bảo đảm sự cạnh tranh đúng luật pháp.
Trong quá trình xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa chúng ta đã vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dần hình thành những chủ trương, chính sách đối với từng thành phần kinh tế.
a) Đối với kinh tế Nhà nước.
Kinh tế Nhà nước bao gồm các doanh nghiệp Nhà nước và các sở hữu Nhà nước như các nguồn tài nguyên đất đai, ngân sách, lực lượng dự trữ, kể trả một phần vốn của Nhà nước đưa vào các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Doanh nghiệp Nhà nước có vai trò chủ đạo và là nền tảng của chế độ mới; nó có nhiệm vụ mở đường, hỗ trợ cho các thành phần kinh tế khác phát triển theo đúng định hướng, đồng thời là lực lượng vật chất cần thiết để Nhà nước thực hiện hữu hiệu chức năng quản lý.
Đảng và Nhà nước ta chủ trương tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế Nhà nước trong các ngành và lĩnh vực trọng yếu nhất của nền kinh tế. Thường xuyên nghiên cứu áp dụng các biện pháp cần thiết để doanh nghiệp Nhà nước thực sự đóng vai trò chủ đạo, như: tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp sao cho càng ngày càng có hiệu quả hơn; giải quyết vốn, thanh toán nợ tồn đọng; bỏ cơ quan chủ quản; phát huy quyền chủ động của cơ sở; bố trí lại và bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp; ngăn ngừa mọi hành vi lạm quyền của một số doanh nghiệp mang tính độc quyền, khắc phục tình trạng không lành mạnh, gây thiệt hại cho đất nước; có chính sách và cơ chế riêng đối với những loại hình doanh nghiệp công ích
b) Đối với kinh tế hợp tác.
Kinh tế hợp tác là hình thức liên kết tự nguyện của người lao động, kết hợp sức mạnh tập thể với sức mạnh của từng thành viên để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề của sản xuất kinh doanh và đời sống. Hợp tác xã được tổ chức trên cơ sở đóng góp cổ phần và sự tham gia lao động trực tiếp của xã viên, phân phối theo kết quả lao động và theo cổ phần, mỗi xã viên có quyền định đoạt ngang nhau đối với công việc chung.
Đảng và Nhà nước ta chủ trương giúp đỡ để kinh tế hợp tác phát triển. Nhưng để phát triển có hiệu quả, kinh tế hợp tác nhất thiết phải được xây dựng trên các nguyên tắc: Tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, quản lý dân chủ. Tuyệt đối tránh phạm những sai lầm trước đây như: gò ép tập thể hoá tư liệu sản xuất; áp đặt hình thức tổ chức kinh doanh, phương thức và cơ chế quản lý nội bộ....
c) Đối với kinh tế tư nhân.
Phát triển các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy định của pháp luật. Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp với hình thức sở hữu hỗn hợp như Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, Công ty hợp doanh, Hợp tác xã cổ phần.
d) Đối với kinh tế liên doanh, hợp tác với nước ngoài.
Phát triển đa dạng hình thức thu hút đầu tư, giải quyết đồng bộ các vấn đề tài chính, đất đai, kết cấu hạ tầng, pháp lý, thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư trực tiếp của bên ngoài.
Quan điểm của Đảng ta về phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế thể hiện sự nhất quán, vừa giải quyết những nhiệm vụ kinh tế trước mắt vừa mang tính định hướng chiến lược. Quan điểm đó tạo bước phát triển sâu rộng, đa dạng, vững chắc những quan hệ kinh tế, những hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo bước phát triển mới cho cả sức sản xuất và quan hệ sản xuất, đưa đất nước tiếp tục đi lên theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa./.