Văn hóa từ chức từ cái nhìn lịch sử
VOV.VN - Từ chức xưa nay không bao giờ là chuyện bình thường trong quan giới. Nhưng ngày nay, hiện tượng này đã dường như trở thành một phần không thể thiếu cho bất kỳ nền chính trị nào, thậm chí nó đã xuất hiện ở những nơi tưởng chừng như không bao giờ người ta được từ chức...
Ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Trong nền chính trị Việt Nam hiện đại, đây là một văn kiện đặc biệt. Xét trên phương diện văn hóa chính trị thì Quyết định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị kế thừa những gì từ truyền thống chính trị Việt Nam và tương thích thế nào với nền chính trị thế giới hiện đại?
Văn hóa từ chức trong đạo làm quan thuở trước
Quan trường, quan giới nước ta hẳn bắt đầu cùng với việc hình thành nhà nước quân chủ trong kỷ nguyên độc lập, từ khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, lập ra triều Ngô. Sử cũ ghi: Năm 939 “Vua bắt đầu xưng vương,… đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”.1 Kể từ đó cho tới khi triều Nguyễn chấm dứt (năm 1945), quan trường nước ta đã kéo dài hơn 10 thế kỷ, trải qua 10 triều đại, có đến hàng chục vạn người đã được bổ nhiệm làm quan, giữ các chức vụ cao thấp khác nhau trong hệ thống chính trị quân chủ.
Trong quan trường, sử ghi lại số người được các triều đại thăng, thưởng, biếm, phạt thì có rất nhiều, nhưng hiện tượng từ chức, từ quan lại khá ít. Có lẽ triều đại có nhiều vị quan từ chức nhất là triều Nguyễn, chủ yếu là từ sau khi vua Tự Đức và triều đình ký các hiệp ước đầu hàng thực dân Pháp, cắt đất, bỏ dân cho giặc. Hàng chục, hàng trăm quan chức từ Nam Kỳ, tới Bắc Kỳ rồi cả Trung Kỳ đã “treo ấn từ quan” để phản đối triều đình hàng giặc, để khỏi phải “Đem thân khoa bảng làm tôi Pháp” (lời Tam Nguyên Vũ Phạm Hàm), và để cùng với nhân dân khởi nghĩa chống giặc, cứu nước. Người từ chức lẫm liệt nhất là Trương Định (1820 - 1864), khi ông quyết định từ chức Lãnh binh do vua Tự Đức phong để nhận chức Bình Tây Đại Nguyên soái do nhân dân tôn tặng, quyết chiến với quân Pháp đến cùng.
Vậy tại sao hiện tượng từ chức lại hiếm xảy ra như vậy trong quan trường quân chủ nước ta? Lời bộc bạch của sử gia Ngô Sỹ Liên còn ghi lại trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư ít nhiều giúp cho chúng ta khám phá ra điều bí ẩn này. Ông viết: “Những nhà Nho nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, chưa có ai chịu để tâm đến đạo đức, suy nghĩ tới việc giúp vua nêu đức tốt, cho dân được nhờ ơn”.2 Lời bàn của Ngô Sỹ Liên được ghi trong chính sử của triều Lê sơ hẳn phải là lời nghiêm cẩn. Dẫu ông chỉ nói đến giới nho quan nhưng chắc cũng nghiệm đúng cho toàn bộ quan giới Việt Nam ta thuở trước.
Dẫu rằng hiếm, nhưng cũng có những vị quan từ chức. Họ từ chức vì nhiều lý do khác nhau, do đó, không thể đánh đồng tất cả những kẻ từ quan như nhau. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu ít nhất hai trường hợp từ quan điển hình để sáng tỏ “văn hóa từ chức” của họ.
Trường hợp thứ nhất là Chu An (Chu Văn An, 1292 - 1370) triều Trần. Ông từng đỗ Thái học sinh nhưng không làm quan, mở trường dạy học, “học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ”; “Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt” nên được hoàng đế Trần Minh Tông “mời làm Quốc tử giám Tư nghiệp, dạy thái tử học”.3 Đến đời Trần Dụ Tông, thấy vua “ham chơi bời, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước”, Chu An khuyên can nhưng vua không nghe. Ông liền dâng sớ xin xử chém 7 tên nịnh thần, là những kẻ được vua yêu. “Người bấy giờ gọi là ‘thất trảm sớ’”. Dụ Tông không nghe, ông liền treo mũ từ quan, lui về Chí Linh dạy học.
Trường hợp từ chức của Chu An điển hình cho một mô típ từ quan tiêu biểu bậc nhất trong lịch sử quan trường Việt Nam. Sau ông còn có Nguyễn Bỉnh Khiêm (1481 - 1585, triều Mạc) và Phan Châu Trinh (1872 - 1926, triều Nguyễn) cũng rút lui khỏi quan trường theo cùng một cách như vậy.
Đặc điểm chung của những người như Chu Văn An là: Họ đều là những bậc tài cao, đức lớn, tiết tháo, cương trực. Họ tham chính, làm quan là để phò vua, giúp nước, giúp dân chứ không mưu cầu danh lợi cho cá nhân hay dòng họ. Nhưng, như Ngô Sỹ Liên đúc kết “Người hiền được dùng ở đời, thường lo người làm vua không thi hành những điều sở học của mình. Người làm vua sử dụng người hiền thường lo người hiền không theo ý muốn của mình. Cho nên, vua [sáng] tôi [hiền] gặp nhau, từ xưa vẫn là rất khó”.5 Sự từ quan của những người này, rõ ràng là sự thất bại của lý tưởng “chúa thánh, tôi hiền” của chế độ quân chủ Việt Nam. Sự từ chức của họ như một sự phản kháng tiêu cực, chỉ mong cảnh tỉnh nhà vua và triều đình, và cốt để giữ tròn tiết tháo, đức hạnh của bản thân mà thôi.
Trường hợp điển hình thứ hai là Lê Sát (? - 1437), một khai quốc công thần bậc nhất của triều Lê sơ. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ đầu, sát cánh cùng Lê Lợi và nghĩa quân vượt qua muôn vàn gian khổ và lập được rất nhiều chiến công, trong đó có võ công hiển hách lưu danh muôn thuở là giết chết tướng giặc An viễn hầu Liễu Thăng tại trận Chi Lăng lịch sử (năm 1427). Sau khi quét sạch quân Minh, vương triều Lê sơ được thành lập, Lê Sát là một trong những đại công thần khai quốc được Lê Thái Tổ trọng dụng. Là người cương cường chính trực và tận trung với triều đình, Lê Sát không ngần ngại làm tất cả những gì có thể để phụng sự triều đình và xã tắc. Ông từng tiếp tay cho vua Lê Thái Tổ và vua Lê Thái Tông loại trừ hoặc kìm chế nhiều công thần danh tướng bị cho là không trung thành với triều đình, bao gồm cả Lưu Nhân Chú, Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn. Ông cũng không ngần ngại đối đầu trực diện với những bậc danh nho, mưu thần lẫy lừng uy tín, như Nguyễn Trãi, Trịnh Khả.6 Ngay cả hoàng đế Lê Thái Tông, ông cũng nhiều lần cả gan, liều mình thẳng thắn can gián. Sử ghi: “Vua yêu dùng hoạn quan Nguyễn Cung. Bọn Lê Sát xin giết đi, vua không nghe. Thế là bọn Sát cáo ốm không vào chầu”.7 Kết cục là “vua càng ghét Sát, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ vẻ bao dung. Sát không nhận ra điều đó”.8 Trong khi đó, những đình thần, cả hai phe trung, nịnh đều căm ghét, tìm cách loại bỏ Lê Sát. Cuối cùng, trong một buổi hoàng đế ngự triều, có người đứng ra hạch tội ông: “Lê Sát quen thói chuyên quyền, tội ấy khó lòng dung thứ”. Biết mình đã bị thất sủng và lâm vào thế cô độc, Lê Sát bèn bỏ mũ quan xin vua cho từ chức.9
Tuy nhiên, khi đó đã quá muộn. Lê Thái Tông không cho ông được thoái quan, từ chức mà lại hạ chiếu: “Lê Sát chuyên quyền nắm giữ việc nước, ghen ghét bậc hiền tài (…) Nay trẫm muốn khép nó vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì là viên cố mệnh đại thần, có công với xã tắc, nên đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước”.10 Rồi chỉ mấy tháng sau, nhà vua lại ép Lê Sát tự tử ở nhà. Vợ con và điền sản đều bị tịch thu. Thậm chí, nếu không có nhiều người can gián, vua còn cho đem xác Lê Sát đi rao ở kinh thành.11
Việc Lê Sát không thể từ chức mà còn bị bãi chức rồi bị giết chết là kết cục bi thảm của quy luật “chúa thánh tôi hiền không gặp nhau” như Ngô Sỹ Liên từng đúc kết. Ở đây không bàn đến sự đúng sai của vua tôi thuở ấy, chỉ biết rằng một khi quyết định từ chức, thoái quan được đưa ra quá muộn, trong thế cùng đường, để mong trốn chạy sự trừng phạt nào đó, luôn là sự từ chức tồi tệ nhất.
Văn hóa từ chức trên chính trường thế giới hiện đại
Từ chức xưa nay không bao giờ là chuyện bình thường trong quan giới. Nhưng ngày nay, hiện tượng này đã dường như trở thành một phần không thể thiếu cho bất kỳ nền chính trị nào, thậm chí nó đã xuất hiện ở những nơi tưởng chừng như không bao giờ người ta được từ chức, như trường hợp từ chức của Giáo hoàng La Mã Benedict XVI vào ngày 28/2/2013, hay của Nhật hoàng Akihito vào ngày 30/4/2019. Còn hiện tượng các nguyên thủ quốc gia (tổng thống, thủ tướng) cho tới các quan chức và chính khách cao cấp khác từ chức thì đã và đang xảy ra ở nhiều quốc gia, nhiều nhất là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức… Thậm chí mới đây, liên tiếp hai vị Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Yoshihide Suga đều từ chức. Cá biệt, ngày 24/11/2021, bà Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cũng đã từ chức chỉ sau vài giờ cầm quyền!
Ngày nay, các quan chức trên thế giới từ chức cũng vì rất nhiều lý do khác nhau, nhưng tựu trung lại có mấy nhóm nguyên nhân chính sau đây: Thứ nhất, họ từ chức vì tự thấy mình không đủ điều kiện tiếp tục đảm nhiệm chức vụ, trong đó có lý do tuổi cao, sức yếu, hoặc bất lực trước tình thế khó khăn, như trường hợp Thủ tướng Yoshihide Suga thất bại trong ngăn ngừa sự bùng nổ đại dịch Covid-19 tại Nhật Bản. Tháng 8/2021, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cũng từ chức vì lý do bất lực trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Thứ hai, họ từ chức vì những bê bối cá nhân (bị phát hiện tham nhũng, ngoại tình, đạo văn hay… ngủ gật lúc họp hành...), và do đó bị mất uy tín nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng xấu tới tổ chức hoặc chính thể, như các trường hợp Thủ tướng Malaysia Najib Razak (từ chức hồi tháng 5/2018) và Thủ tướng Áo Stefan Kurz (từ chức hồi tháng 10/2021).
Thứ ba, họ từ chức vì bị ép phải từ chức, như trường hợp anh em Thủ tướng Thái Lan Thaksin - Yingluck và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson.
Từ chức xưa và nay: Khó dễ thế nào?
Có người hỏi: Từ chức, thoái quan ở Tây sao dễ thế, còn ở ta sao khó vậy? Đặt vấn đề như thế là không thỏa đáng, bởi từ chức xưa nay không bao giờ là chuyện dễ, mà thực tế, luôn là chuyện rất khó. Có điều: Khó - dễ khác nhau.
Những người như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Châu Trinh, Nguyễn Khuyến… coi danh lợi “nhẹ như lông hồng”, thì họ từ chức tưởng chừng dễ dàng: chỉ cần bỏ mũ, “treo ấn từ quan” là xong. Thực tế không hẳn như vậy! Họ rời bỏ quan chức nhưng trong lòng tràn ngập nỗi đau nhân thế, chứ không phải là người bỏ cuộc, buông xuôi. Vì vậy mà sự từ chức của họ được lưu lại như một “nỗi di hận trăm năm”.
Còn những người bị ép phải từ chức, đôi khi bị hãm đến đường cùng, thì sự từ chức là dấu hiệu của sự thất bại - thất bại của cá nhân, đảng phái hay phe cánh. Dư chấn của những sự từ chức này thường ít khi tích cực (đối với cộng đồng và đất nước).
Còn những kẻ từ chức do những bê bối (của cá nhân họ hay tổ chức mà họ đại diện) là sự rút lui không bao giờ là tự nguyện và luôn để lại tai tiếng không tốt. Nhưng ít nhất sự từ chức của họ còn giúp cứu vãn được những gì là tối thiểu nhất.
Chỉ có số ít người từ chức vì tự biết mình không còn đáp ứng được yêu cầu khách quan của nhiệm vụ.
Lại có những người khác tự nguyện thoái lui theo yêu cầu của tổ chức, để nhường chỗ cho người khác phù hợp hơn, và do vậy, sự từ chức của họ là một hành vi cao cả, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, là “đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”.
Quyết định số 41-QĐ/TW: Nghiêm khắc mà nhân văn
Trong nền chính trị Việt Nam hiện đại, Quyết định số 41-QĐ/TW là một văn kiện đặc biệt. Đặc biệt vì trước đó dường như chưa có một văn bản nào như thế, và đặc biệt hơn nữa khi chúng ta biết rằng: Chỉ riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, “qua kiểm tra, cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức Đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên”.13 Trong số hàng nghìn cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật thì chỉ có rất ít người tự nguyện nộp đơn từ chức, nhất là các vị từng giữ những vị trí lãnh đạo, đứng đầu các cơ quan trong hệ thống chính trị. Đây hẳn là điều không bình thường
Vì vậy, Quyết định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã tạo ra một cơ sở, một nguyên tắc chính trị rất căn bản để những đảng viên, cán bộ khi tự thấy mình không còn xứng đáng với các chức vụ, nhiệm vụ được giao phó có thể xin từ chức, đồng thời, Đảng và các thiết chế quyền lực khác trong hệ thống chính trị cũng có cơ sở để gợi ý, để yêu cầu, để buộc những cán bộ, đảng viên đáng phải từ chức thì từ chức. Hơn nữa, toàn bộ quá trình này lại được các cơ quan chức năng và nhân dân giám sát. Cho nên, Quyết định 41-QĐ/TW có ý nghĩa rất đặc biệt: Trực tiếp góp phần tăng cường công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị XHCN dân chủ, pháp quyền; góp phần tích cực vào cuộc vận động chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, mở đường cho việc hình thành “văn hóa từ chức” trong Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam hiện đại.
Được bổ nhiệm, giao cho đảm nhiệm chức vụ nào đó, nhất là những chức vụ cao, quyền hạn lớn, là niềm vui, là vinh dự đối với cá nhân người được bổ nhiệm, và với cả gia đình, tổ chức mà người đó đại diện. Vì thế, dù thế nào thì sự từ chức cũng là nỗi buồn, là sự thất bại và nhiều khi là sự xấu hổ, nhục nhã đối với cá nhân và những gì mà họ có liên quan, hay đại diện. Đó chưa kể còn có thể là sự thiệt hại to hay nhỏ cả về vật chất và tinh thần nữa. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác thì sự từ chức của những người đáng từ chức là lối thoát đẹp đẽ, mang lại sự yên bình, tốt đẹp, thậm chí cả lợi ích cho cả người từ chức và cộng đồng, đôi khi giúp họ và nhiều người liên quan tránh được những tổn thất không nhỏ.
Quyết định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, vì vậy, vừa rất nghiêm minh, lại rất nhân văn, nhân ái.
Nghiêm minh, vì nó buộc tất cả những cán bộ có chức, có quyền đều phải ý thức sâu sắc rằng quyền lực mà họ nắm giữ trong tay là quyền lực công, được Đảng và Nhân dân ủy thác cho họ để thực hành công vụ. Hồ Chí Minh từng nói: “Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Cho nên, bất kỳ khi nào họ không còn hoặc không thể xứng đáng với chức vụ được giao, thì họ phải trả lại quyền lực đó cho Đảng và cho nhân dân.
Vậy, khi nào thì một cán bộ nên từ chức và có thể từ chức? Quy định của Đảng đã nói rất rõ, đó là khi một cán bộ có đủ những điều kiện sau đây: “1. Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; 2. Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; 3. Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; 4. Vì lý do chính đáng khác của cá nhân”.
Quy định như thế là rất nhân văn, nhân ái, mở ra một lối thoát, một con đường rút lui trong danh dự cho những người đã trót phạm khuyết điểm, yếu kém về năng lực và đã bị suy giảm nghiêm trọng về uy tín.
Đương nhiên, việc xem xét có cho cán bộ được từ chức hay không là do cấp có thẩm quyền quyết định, dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng và của nhân dân. Quyết định cũng đã nói rõ nguyên tắc: “Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm”. Như thế, là rất nghiêm minh, để cho không một ai mượn cớ việc từ chức để thoát tội, trốn tránh trách nhiệm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Quyết định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm và từ chức đối với cán bộ là một minh chứng cho nhận định này, bởi nó vừa đáp ứng được yêu cầu cấp bách của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong trình hình mới, vừa chắt lọc, thể hiện được những giá trị tinh hoa của văn hóa từ chức trong đạo làm quan, đạo làm chính khách của dân tộc ta và của chính giới Đông, Tây, xưa và nay: rất nghiêm minh, nhưng rất nhân văn, nghĩa tình./.
1 Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 204.
2 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 152.
3 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 152.
4 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 152.
5 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 152.
6 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 328.
7 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 329.
8 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 340.
9 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 340.
10 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 340.
11 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 341.
12 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 160.
13 https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xay-dung-van-hoa-tu-chuc-cua-can-bo-viec-can-kip-678199. Truy cập lúc 14:00 ngày 5/12/2021.
14 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr.232.
15 https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/38293/quy-dinh-41-qd-tw-ve-mien-nhiem-tu-chuc-doi-voi-can-bo.