Về nơi mở màn Chiến dịch Tây Bắc 70 năm trước
VOV.VN - Chiến thắng Nghĩa Lộ vào ngày 18/10/1952 là dấu mốc chói lọi, mở màn cho Chiến dịch Tây Bắc toàn thắng, tạo tiền đề quan trọng cho chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Nghĩa Lộ (Yên Bái) là một vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng với bề dày truyền thống lịch sử yêu nước và cách mạng. Ngày 18/10/1952 là một dấu móc chói lọi, chiến thắng Nghĩa Lộ mở màn cho Chiến dịch Tây Bắc toàn thắng, tạo tiền đề quan trọng cho chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Suốt chặng đường 70 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương ấm no, giàu bản sắc.
Cánh đồng lòng chảo Mường Lò ở Nghĩa Lộ được biết đến là một trong bốn vựa lúa lớn và trù phú nhất miền Tây Bắc. Năm 1948, nơi đây bị thực dân Pháp chiếm lại và xây dựng trở thành một trong bốn phân khu quân sự mạnh nhất ở vùng Tây Bắc.
Đầu năm 1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc. Phân khu Nghĩa Lộ là mục tiêu tấn công chủ yếu, là điểm đột phá mở cửa tiến vào giải phóng Tây Bắc. Với tinh thần quyết tâm “trận đầu phải thắng”, lực lượng vũ trang ở địa phương và nhân dân trong vùng đã tích cực vận chuyển lương thực, vũ khí, nuôi giấu cán bộ nằm vùng, phối hợp với quân chủ lực, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ kháng chiến...
Ông Đinh Văn Don, thành viên của gia đình trung kiên nuôi giấu cán bộ thời kỳ này, ở bản Ao Luông, xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Khi cán bộ về chưa di chuyển được, gia đình phải che giấu an toàn. Dân cũng khó khăn nhưng vẫn luôn dành cơm gạo, thuốc men cho anh em kháng chiến".
Chiến dịch Tây Bắc mở màn ngày 14/10/1952. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho Đại đoàn 308 nhanh chóng tiến vào bao vây chặt và tiêu diệt gọn quân địch ở Nghĩa Lộ. Đúng 20h ngày 17/10, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm Nghĩa Lộ đồi, tiêu diệt và bắt sống 400 tên địch.
Rạng sáng ngày 18/10, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 nổ súng tiến công cứ điểm Nghĩa Lộ phố. Chỉ sau 2h20' chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 280 tên địch, thu nhiều vũ khí chiến lợi phẩm, Nghĩa Lộ hoàn toàn giải phóng.
Chiến thắng Nghĩa Lộ đã đập tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ sông Đà của địch, mở thông đường vào Tây Bắc, nối liền với căn cứ địa Việt Bắc; làm tiền đề thuận lợi cho các đợt chiến dịch tiếp theo; tạo thế và lực cho Chiến dịch Tây Bắc toàn thắng và làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
70 năm đã trôi qua, chiến trường của trận đánh ác liệt năm xưa trên Căng và Đồn Nghĩa Lộ nay đã hoàn toàn thay đổi, nhưng khí thế cách mạng hào hùng vẫn là nguồn cổ vũ động viên thế hệ hôm nay tiếp bước cha anh, nỗ lực chung tay xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Em Phan Diệp Anh, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nghĩa Lộ xúc động cho biết: "Em thực sự rất tự hào là người con của vùng đất Nghĩa Lộ anh hùng. Mỗi khi lên Căng và Đồn Nghĩa Lộ để dâng những nén tâm hương dành cho các anh hùng đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc em thấy rất bồi hồi, xúc động. Em cảm thấy mình cần cố gắng nhiều hơn nữa để góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương phát triển".
Sau ngày giải phóng, Nghĩa Lộ đã nhiều lần thay đổi địa giới hành chính. Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ có 14 đơn vị hành chính xã, phường với diện tích hơn 107 km2, dân số hơn 70.000 người với 21 dân tộc anh em cùng chung sống.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Nghĩa Lộ luôn chung sức, đồng lòng xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã Văn hóa – Du lịch, đô thị loại 3 theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Trong đó, đặc biệt chú trọng tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế, mở rộng không gian đô thị; xây dựng và nâng cấp các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; mở rộng hệ thống giao thông liên kết vùng... Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa được đầu tư đạt chuẩn quốc gia; cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế, bệnh viện được xây dựng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Trong suốt chặng đường đó, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý.
Ông Hà Văn Nam, Phó Bí thư thường trực Thị ủy Nghĩa Lộ cho biết: "Phấn đấu đến năm 2025, thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã Văn hóa - du lịch và cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại III. Để đạt được mục tiêu đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo bằng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể trên từng lĩnh vực; đồng thời, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn thị xã, chung sức, đồng lòng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị đã đề ra".
Về Nghĩa Lộ hôm nay, bên cạnh chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của miền đất cửa ngõ Tây Bắc, du khách còn được đồng bào Thái nơi đây đón chào bằng những điệu xòe mến khách - di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mới được UNESCO ghi danh./.