Về thăm "địa chỉ đỏ" giàu truyền thống cách mạng tại Tiền Giang
VOV.VN - Xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang - vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng kiên cường nay đã đổi thay, làm nên cuộc cách mạng trên mặt trận lao động sản xuất, kiến thiết quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Từ một vùng quê nghèo khó, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, nay xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã vươn lên rõ nét. Vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng kiên cường nay đã đổi thay, làm nên cuộc cách mạng trên mặt trận lao động sản xuất, kiến thiết quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Đến xã Long Hưng trong những ngày tháng 8 mùa thu, chúng tôi cảm nhận được không khí hối hả thi đua lao động, sản xuất của cán bộ và người dân vùng quê cách mạng này để phấn đấu sớm trở thành xã nông thôn mới nâng cao.
Đảng bộ xã rất phấn khởi vì đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ 2020-2025. Đáng lưu ý là xã Long Hưng đã duy trì diện tích vườn cây ăn trái đặc sản như: bưởi da xanh, sa pô (hồng xiêm), mít, vú sữa Lò Rèn được gần 1.000 ha, cho sản lượng 39.000 tấn trái/năm; hơn 200 ha rau màu, 5.500 con gia súc và 95.000 con gia cầm. Long Hưng có 100% lao động có việc làm thường xuyên, mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,7%. Đảng bộ xã có 15 chi bộ, 146 đảng viên; hàng năm có 100% tổ chức cơ sở Đảng, 99% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 03 năm liền Đảng bộ xã Long Hưng đạt danh hiệu "trong sạch, vững mạnh".
Phát huy tinh thần quật khởi của "cái nôi" khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Long Hưng đã chung sức, đồng lòng tích cực chăm lo lao động, sản xuất, đẩy lùi đói nghèo lạc hậu; chăm lo đời sống gia đình chính sách, người có công có mức sống ngang bằng với người dân ở khu dân cư. Gần đây, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi dù chịu tác động của hạn mặn, giá cả thị trường nhưng vẫn ổn định và phát triển. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Nở, nông dân ấp Long Bình B, xã Long Hưng, từ bàn tay trắng, nhờ gắn bó 30 năm với mô hình nuôi heo thương phẩm kết hợp làm bột nếp cung cấp cho thị trường xa gần đã trở nên khá giả. Trại heo của bà Nở luôn duy trì trên 100 con, mỗi năm xuất chuồng gần 20 tấn heo thịt.
Chia sẻ về mô hình này, bà Nguyễn Thị Nở bày tỏ: "Hiện giá heo 60.000 đồng/kg nên người nuôi không còn vất vả nữa. Giá cả như vậy người dân yên tâm phát triển. Ở đây bà con chăn nuôi rất kỹ, chuồng nuôi heo nhiều nên phủ kín lại, gần vào dịch khoảng tháng 8 mỗi tuần phun xịt hóa chất một lần để phòng dịch".
Long Hưng là "địa chỉ đỏ" của tỉnh Tiền Giang, tại đình Long Hưng, ngay trong ngày 23/11/1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) được thành lập và đã tổ chức cuộc mít tinh có hơn 3.000 người dự tại đình Long Hưng để ra mắt nhân dân. Tại đây, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện trên ngọn cây bàng, trước đình với băng rôn có dòng chữ "Việt Nam dân chủ cộng hòa quốc" và diễn ra cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đầu tiên, vang dội do bà Nguyễn Thị Thập - Cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cũng là người con ưu tú của quê hương Long Hưng đứng ra lãnh đạo phong trào. Năm 1995, đình Long Hưng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Đình Long Hưng hôm nay là một trong những điểm đến thú vị của du khách xa gần.
Chị Lê Thị Huyền Trang có 07 năm làm thuyết minh viên tại Khu di tích đình Long Hưng chia sẻ: "Em rất vinh hạnh khi nhận công tác tại khu di tích này để tiếp nối truyền thống "uống nước nhớ nguồn" cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Em cố gắng hết sức có thể vì ngoài công việc thuyết minh nơi đây phải làm hồ sơ di tích, làm công tác chuyên môn tại cơ quan, phải đi khảo sát để tổng hợp các tư liệu theo quy định của một hồ sơ di tích".
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước sạch bóng quân xâm lược, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long Hưng chuyển bước trên mặt trận lao động sản xuất, kiến thiết quê hương giàu đẹp. Đến nay, diện mạo vùng quê này đã thay da, đổi thịt: 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% tuyến đường liên xã, liên ấp, liên xóm đã được lót đan, tráng nhựa phục vụ thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Kênh Nguyễn Tấn Thành chia cắt xã Long Hưng nay đã bắc cầu bê tông nối lại 2 bờ; trạm y tế, các trường học được đầu tư xây dựng khang trang.
Hiện nay, huyện Châu Thành còn đang đầu tư kinh phí mở rộng, nâng cấp huyện lộ 34 nối từ quốc lộ 1 đến xã Long Hưng để phục vụ cho ô tô trên 30 chỗ ngồi lưu thông dễ dàng, mở hướng cho ngành du lịch địa phương phát triển. Long Hưng đang tăng tốc hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí của xã Nông thôn mới để đến năm 2026 đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao.
Ông Ngô Văn Nhỏ, Bí thư Đảng ủy xã Long Hưng cho biết thêm: "Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tập trung thực hiện các tiêu chí để được cấp trên công nhận xã Nông thôn mới nâng cao. Từ đó, phát triển giao thông, thủy lợi đưa đời sống người dân nâng lên, giảm hộ khó, nghèo, tăng hộ khá giàu. Chính quyền vận động nhân dân trồng các loại cây có năng suất cao, chăn nuôi các vật nuôi có kinh tế cao. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quan tâm gia đình chính sách, đến giờ này mức sống ngang tầm với người dân trên địa bàn xã".
Cùng với các vùng quê cách mạng khác ở tỉnh Tiền Giang, xã Long Hưng hôm nay đã chuyển mình, vươn lên; đời sống người dân và gia đình chính sách đã ổn định và phát triển. Đảng bộ và người dân địa phương đã phát huy tốt truyền thống yêu nước hào hùng của quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa, tiếp tục xây dựng vùng quê này càng thêm đổi mới.