Về với Côn đảo

Chiếc tàu thuỷ chở hơn 600 người, trong đó có hơn 100 đại biểu là các cựu tù chính trị Côn Đảo nhổ neo từ thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sau hơn 12 giờ lênh đênh trên biển mới cặp Bến Đầm, Côn Đảo

Đây là chuyến đi nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày thống nhất đất nước và giải phóng Côn Đảo.

Ông Nguyễn Xuân Ái, 74 tuổi với dáng người nhỏ nhắn nhưng còn rất khoẻ mạnh. Ông tham gia cách mạng từ năm 1954, sau đó bị địch bắt và đầy ra Côn Đảo 15 năm kể từ tháng 1/1959 đến tháng 4/1974. Tại nhà tù Côn Đảo, ông bị giam cầm, tra tấn dã man tại các trại 1, 2, 3, 4 và 6, khu xà lim, chuồng cọp.

Nhớ lại những ngày bị giam cầm trong ngục tù Côn Đảo, ông ái nói: “Kẻ thù muốn tiêu diệt tù chính trị về mặt thể xác và tinh thần, nhưng trong quá trình đấu tranh ấy, chúng tôi đã tổ chức các cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù. Trong đó có đấu tranh chống ly khai với kẻ thù, chống học tập tố cộng và năm 1963, chúng tôi đấu tranh không thừa nhận chính quyền miền Nam… Trong quá trình đấu tranh này, địch tìm mọi cách đàn áp, tra tấn buộc chúng tôi phải đầu hàng nhưng chúng tôi cương quyết giữ vững khí tiết cách mạng, bảo vệ ưu thế thanh danh của Đảng”.

Còn đối với bà Đặng Thị Hồng Tươi, quê Bến Tre, tham gia quân giải phóng tại TP. Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) và bị địch bắt năm 1969. Năm 1973, địch đày bà ra Côn Đảo. Về những thủ đoạn tra tấn dã man của kẻ thù với chị em tù chính trị tại các trại giam ở Côn Đảo, bà Tươi cho biết: “Chị em tù chính trị đã đoàn kết nhất trí kiên quyết đấu tranh không chào cờ địch nên địch đưa sang giam cầm tại xà lim, không cho ăn. Nhiều chị em mệt lả nhưng kiên quyết không đầu hàng. Chị em đã đoàn kết chống lại cai ngục…”.

Từ khi thực dân Pháp thành lập nhà tù Côn Đảo năm 1862 đến 1/5/1975, trải qua 113 năm, nhà tù Côn Đảo đã giam cầm hàng vạn cán bộ, đảng viên cộng sản, trong đó có hàng nghìn chiến sỹ cộng sản và đồng bào yêu nước đã anh dũng hy sinh dưới sự tra tấn tàn bạo của thực dân và đế quốc.

Sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân huyện Côn Đảo đã chung tay xây dựng Côn Đảo ngày càng giàu mạnh. Ông Lê Quang Sang, cựu tù chính trị Côn Đảo, trở lại Côn Đảo lần thứ 3 sau ngày giải phóng nhận xét:  “Mỗi lần ra đảo, tôi lại thấy nhiều đổi thay. Lần đầu tiên ra, tôi thấy Côn đảo còn đơn sơ. Lần thứ 2, thứ 3 thấy các cơ sở được xây dựng phục vụ tham quan du lịch rất khang trang. Việc làm này không những góp phần thu hút khách tham quan tới Côn Đảo mà còn giúp du khách hiểu thêm về các khu di tích lịch sử nhà tù ở Côn Đảo”.

Là cựu tù chính trị Côn Đảo, sau ngày giải phóng, ông Hứa Phước Ninh đã có một thời gian làm Bí thư Huyện uỷ Côn Đảo. Về thăm lại Côn Đảo, ông Ninh mong muốn: “Trước hết, phải quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho Côn Đảo. Từ đó, phải làm các quy hoạch ngành, nhất là quy hoạch về du lịch vì đó là ngành trọng điểm, trung tâm với Côn Đảo theo chủ trương của Chính phủ trong hướng phát triển của Côn Đảo. Du lịch ở đây là du lịch sinh thái môi trường và du lịch về lịch sử cách mạng. Kết hợp hai vấn đề này sẽ làm cho Côn Đảo cất cánh đi lên”.

Đúng vậy, để Côn Đảo “cất cánh”, hiện nay Đảng bộ và nhân dân huyện Côn Đảo đang tích cực triển khai từng bước Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020.

Mục tiêu của đề án này là xây dựng Côn đảo thành khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam; Xây dựng Côn Đảo tương xứng với vị trí tiền tiêu, góp phần tích cực trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với phát triển của cả vùng phía nam Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên