Vi phạm đất đai tại Đồng Nai đặt dấu hỏi về cán bộ
VOV.VN - Để xảy ra sai phạm lớn về đất đai không chỉ khiến địa phương mất cán bộ, thiệt hại về kinh tế cho ngân sách Nhà nước mà còn làm suy giảm lòng tin của người dân.
Một nội dung được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) diễn ra vào tháng 5/2022 là vấn đề quản lý, sử dụng đất đai. Việc Trung ương đặt ra nội dung thảo luận cho thấy tính chất đặc biệt quan trọng của vấn đề này. Nhìn từ góc độ địa phương như tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2022 đến nay có nhiều vụ việc về đất công, tài sản công được phát hiện sai phạm, đặt dấu hỏi về năng lực và sự suy thoái của cán bộ.
Xử lý nhiều vụ việc liên quan đất công
Như VOV đã đưa tin, ngày 11/4/2022, Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai ký kết luận thanh tra số 44/KL-TT về việc thanh tra toàn diện dự án Khu dân cư Bình Đa tại phường Bình Đa, TP.Biên Hòa do Công ty cổ phần Phát triển nhà Bình Đa làm chủ đầu tư.
Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) thuê đất, gia hạn thuê đất, góp vốn thành lập Công ty cổ phần Phát triển nhà Bình Đa không đúng quy định. Từ đó, Thanh tra tỉnh Đồng Nai kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 6/4, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” tại dự án Khu dân cư Long Tân – Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch).
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, sai phạm này xảy ra tại công ty con của Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa là Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch. Về dự án này, năm 2010 Thanh tra Chính phủ từng chỉ ra sai phạm Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định giao đất không qua đấu giá cho Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch. Đây là hai vụ việc liên quan đến đất đai được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đưa ra xử lý.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có 3.890 cơ sở nhà, đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của Nhà nước. Qua rà soát, tỉnh Đồng Nai xác định có hơn 100 dự án đang có dấu hiệu sai phạm trong sử dụng đất công, tài sản công. Nhiều dự án trong số này có vi phạm trong việc đấu giá đất và giao đất cho các doanh nghiệp.
Nói về “thủ thuật” đưa đất công về tay tư nhân, ông Võ Minh Trung - cán bộ thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, các nhà đầu tư phần lớn khi lập dự án sẽ lập hẳn một công ty chứ họ không lấy pháp nhân của công ty mẹ từ trước đến nay. Rồi khi họ xin được chủ trương đầu tư, xin được thủ tục giao đất, hay giấy phép quy hoạch 1/500 sau đó sẽ tìm các nhà đầu tư hay đối tác để chuyển nhượng.
Cán bộ thiếu năng lực, suy thoái
Giai đoạn 2016 – 2021, qua công tác thanh tra, kiểm tra, UBND tỉnh Đồng Nai đã tiến hành xử phạt 117,4 tỷ đồng trong sai phạm kinh tế, thu hồi hơn 12,3ha diện tích đất. Năm 2022, HĐND tỉnh Đồng Nai đã hủy bỏ 62 dự án bất động sản nằm trong danh mục thu hồi đất trước đó nhưng không thực hiện. Nhiều dự án có diện tích lên đến cả trăm hecta, có những dự án kéo dài cả chục năm chưa thực hiện. Một số dự án thực hiện dở dang trong giai đoạn trước được chuyển sang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2021 – 2023.
Ông Đặng Minh Đức – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai thừa nhận về năng lực của cán bộ lĩnh vực này còn yếu kém: "Việc quản lý đất đai, xây dựng theo quy hoạch tại các địa phương còn yếu kém, thiếu kiên quyết. Dẫn đến tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng trái phép, chuyển nhượng đất đai không lập thủ tục theo quy định pháp luật. Điều đó tác động không nhỏ đến việc xác định nguồn gốc đất, giải quyết các bước trong phương án bồi thường".
Đánh giá về việc thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ tham nhũng lớn liên quan đến đất đai khiến nhiều cán bộ vướng phải lao lý, TS.Vũ Trung Kiên - Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, ngoài nguyên nhân từ sự chồng chéo, bất cập trong các quy định của pháp luật thì còn do Trung ương đang đẩy mạnh xử lý đảng viên vi phạm, suy thoái, biến chất.
Theo TS.Vũ Trung Kiên, quy trình của công tác cán bộ thời gian gần đây mới chặt chẽ. Trước đây chúng ta vẫn nói quy trình chặt chẽ nhưng thực ra vẫn có sự lấn cấn. Sai phạm của một cán bộ không phải một sớm chiều, có thể khi tổ chức đưa lên thì họ vẫn là người tốt, nhưng về lâu dài thì tha hoá, biến chất. Đã đến lúc đặt ra vấn đề trách nhiệm của những tổ chức Đảng đưa họ lên.
"Thời gian qua, có những người sai phạm, thậm chí bị truy tố nhưng những cơ quan, những người đưa họ lên lại không chịu trách nhiệm gì. Nếu cán bộ đấy khi đưa lên người ta tốt, nhưng sau này người ta sai lầm và có thể bị truy tố thì những người đưa lên cũng phải có hình thức xem xét, xử lý"- TS.Vũ Trung Kiên nêu quan điểm.
Để xảy ra sai phạm lớn về đất đai không chỉ khiến địa phương mất cán bộ, thiệt hại về kinh tế cho ngân sách Nhà nước mà còn làm suy giảm lòng tin của người dân. Yếu tố con người luôn quan trọng và có ý nghĩa quyết định, do đó trước khi các quy định của pháp luật về đất đai được hoàn thiện chặt chẽ hơn, thì công tác cán bộ cần phải được quan tâm bồi dưỡng cũng như kiểm soát chặt, xử lý nghiêm nếu có biểu hiện suy thoái, tiêu cực./.