Vì sao đảo Thổ Chu là nơi cuối cùng được giải phóng cách đây 47 năm?

VOV.VN - Chiến thắng 30/4 năm 1975 quân giải phóng chưa kịp ra tiếp quần đảo Thổ Chu. Ngày 10/5/1975 Pol Pot Khmer đỏ đưa quân chiếm đảo Thổ Chu, bắt đi và sát hại hơn 500 người dân sinh sống trên đảo. 

Trong ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khắp mọi nơi trong cả nước đều tung bay cờ hoa để chào mừng chiến thắng lịch sử. Thế nhưng ít ai biết rằng, cách đây 47 năm, ở một hòn đảo xa xôi  phía Tây Nam tổ quốc, lại chưa thể trọn vui trong ngày đất nước toàn thắng mà 27 ngày sau đó đảo Thổ Chu thuộc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang mới chính thức được giải phóng. Thổ Chu được xem là nơi giải phóng muộn nhất trong cả nước. Để hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh giải phóng Thổ Chu (nay là Thổ Châu), phóng viên VOV cuộc phỏng vấn Đại tá Dương Đức Mười, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152 – là trung đoàn tham gia giải phóng, xây dựng xã đảo Thổ Châu.

Phóng viên: Thưa Đại tá, đảo Thổ Chu, hay còn gọi là xã đảo Thổ Châu hiện nay, là đơn vị được giải phóng sau cùng. Ông có thể kể lại sự kiện giải phóng Thổ Chu cách đây 47 năm ?

Đại tá Dương Đức Mười: Chiến thắng 30/4 năm 1975 quân giải phóng chưa kịp ra tiếp quản quần đảo Thổ Chu. Ngày 10/5/1975 Pol Pot Khmer đỏ đưa quân chiếm đảo Thổ Chu, bắt đi và sát hại hơn 500 người dân sinh sống trên đảo. 

Trước đau thương và mất mát trên, Quân uỷ Trung ương Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 9 đánh và giải phóng quần đảo Thổ Chu. Đêm ngày 22, rạng sáng ngày 23/5/1975 lực lượng gồm Tiểu đoàn 410, Trung đoàn 195 Quân khu 9, Đại đội địa phương huyện Phú Quốc và 2 sư đội đặc công nước của Quân chủng Hải quân do đồng chí Đại uý Trịnh Khắc Thuyết chỉ huy đánh và giải phóng quần đảo Thổ Chu. 

Đến sáng ngày 23 cơ bản quân ta đã làm chủ được đảo Thổ Chu, song lực lượng còn lại của Pol Pot chạy về và cố thủ ở bãi nhất. Trong các ngày 24, 25 ta tiếp tục dồn ép địch. Đến ngày 26/5 ta tiêu diệt và bắt sống hoàn toàn lực lượng địch cố thủ ở bãi nhất. Đến ngày 27/5, 2 trung đội địch ở Hòn Từ… ra hàng. Như vậy so với cả nước đây là nơi giải phóng muộn nhất, sau 27 ngày đất nước được giải phóng.

Phóng viên: Sau khi Thổ Chu được giải phóng, lực lượng quân đội đã được tăng cường ra giữ biển, giữ đảo như thế nào?

Đại tá Dương Đức Mười: Sau khi giải phóng, Tiểu đoàn 410 Trung đoàn 195 Qk9 - lực lượng tham gia đánh và giải phóng đảo Thổ Chu ở lại đóng quân và xây dựng đảo. Đến ngày 28/8/1975, Bộ tư lệnh QK9 điều tiểu đoàn 5, Trung đoàn 101 QK9 thay cho Tiểu đoàn 410 Trung đoàn 195 về nhận nhiệm vụ khác. Theo quyết định của Bộ Tổng tham mưu ngày 26/10/1975, Tiểu đoàn 5 trung đoàn 101 QK9 điều về vùng 5 Hải quân và đổi tên thành Tiểu đoàn 561 trực thuộc Vùng 5 Hải quân. 

Do yêu cầu bảo vệ vùng biển đảo, tháng 8/1992 tiểu đoàn 561 được biên chế thêm các cụm chiến đấu và đổi tên Tiểu đoàn 561 thành đơn vị đảo Thổ Chu. Ngày 7/1/1995 quyết định của Bộ Tổng tham mưu nâng cấp đảo Thổ Chu lên đảo cấp 1. Đến ngày 7/4/2014 bàn giao đảo thuộc vùng 5 Quân chủng hải quân về QK9 và đổi tên thành trung đoàn 152, quân khu 9.

Theo chủ trương của UBND tỉnh Kiên Giang đưa người ra sinh sống trên đảo, đến tháng 4/1992, tỉnh đưa những hộ dân đầu tiên ra theo các đợt, đợt 1 là 7 hộ gia đình. Lúc đầu người dân ra, chưa có chính quyền. Tiểu đoàn 561 đã hỗ trợ bà con sớm ổn định chỗ ở và chủ động giải quyết khó khăn của bà con trong đời sống và chủ động bố trí sỹ quan để dạy học cho các cháu đang tuổi đến trường ở các lớp 1,2,3,4. Đến ngày 24/4/1993 có quyết định thành lập xã đảo Thổ Châu thì tiểu đoàn 561 cũng như các đơn vị đảo Thổ Chu sau này tiếp tục hỗ trợ cấp uỷ chính quyền địa phương mọi mặt từ vật chất đến tinh thần, nề nếp, cấp uỷ chính quyền địa phương tiếp tục ổn định đến hôm nay.

Phóng viên: Trung đoàn 152 là một trong những lực lượng nòng cốt đóng quân trên đảo Thổ Chu, ngoài nhiệm vụ giữ gìn biển đảo, còn hỗ trợ giúp dân phát triển kinh tế. Vậy ông có thể cho biết tình hình phát triển kinh tế trên đảo hiện nay như thế nào?

 Đại tá Dương Đức Mười: Quần đảo Thổ Chu có vị trí đặc biệt quan trọng trong vùng biển Tây Nam. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, quân đội cũng như tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển về mọi mặt kể cả về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh. So với những ngày đầu ra đây, từ 7 hộ dân đầu tiên ra đợt 1 đến nay hơn 2 ngàn nhân khẩu. Lúc đầu chưa có đường, trường, trạm, chưa có gì cả, đến nay xã đảo Thổ Châu đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng, trung tâm hành chính xã, trường học, trạm y tế, nhà máy điện, tất cả  đảm bảo cho cuộc sống của nhân dân. Về mặt lâu dài đảo có vị trí đặc biệt nên đã được các cấp rất quan tâm phát triển đảo Thổ Chu thành trung tâm vững mạnh về quốc phòng an ninh, mạnh về kinh tế phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Phóng viên:  Nhân ngày 30/4 lịch sử, cảm xúc của ông như thế nào khi ông đã gắn bó với Thổ Chu gần 30 năm?

Đại tá Dương Đức Mười: Thật là tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Chiến thắng 30/4 năm 1975 đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam có được như ngày hôm nay. Bản thân tôi có thời gian hơn 30 công tác tại đảo, chứng kiến từ lúc chưa có người dân đến hộ dân đầu tiên ra và đến nay đã là một xã và lực lượng quân đội đóng ở trên đó đã ngày càng phát triển vững mạnh. Bản thân tôi cũng đã góp một phần nhỏ cùng với quân và dân xã đảo Thổ Châu trong những năm qua, nghĩ lại ngày 30/4 càng thấy có nhiều ý nghĩa hơn trong lịch sử hào hùng của dân tộc.

 PV: Vâng xin cảm ơn Đại tá, xin kính chúc ông sức khoẻ!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

47 năm giải phóng Trường Sa: Tình quân dân ấm áp nơi "đầu sóng ngọn gió"
47 năm giải phóng Trường Sa: Tình quân dân ấm áp nơi "đầu sóng ngọn gió"

VOV.VN - Trường Sa hôm nay không chỉ là pháo đài quân sự của Tổ quốc, nơi cửa ngõ biển Đông mà còn là một đại gia đình của những người lính đảo, của những ngư dân can trường ngày đêm bám biển.

47 năm giải phóng Trường Sa: Tình quân dân ấm áp nơi "đầu sóng ngọn gió"

47 năm giải phóng Trường Sa: Tình quân dân ấm áp nơi "đầu sóng ngọn gió"

VOV.VN - Trường Sa hôm nay không chỉ là pháo đài quân sự của Tổ quốc, nơi cửa ngõ biển Đông mà còn là một đại gia đình của những người lính đảo, của những ngư dân can trường ngày đêm bám biển.

47 năm thống nhất đất nước: Hội thảo khoa học chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh
47 năm thống nhất đất nước: Hội thảo khoa học chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh

VOV.VN - Hội thảo nhằm khẳng định giá trị quan trọng của Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đối với Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và bước phát triển tất yếu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

47 năm thống nhất đất nước: Hội thảo khoa học chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh

47 năm thống nhất đất nước: Hội thảo khoa học chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh

VOV.VN - Hội thảo nhằm khẳng định giá trị quan trọng của Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đối với Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và bước phát triển tất yếu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.