Vì sao Thừa Thiên Huế dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI?
VOV.VN - Năm 2023, là năm thứ hai liên tiếp tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đầu cả nước về Chỉ số PAPI với 46,0414 điểm, tăng 5 bậc so với năm 2022. Điều này cho thấy nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc triển khai hiệu quả các giải pháp, thể hiện sự hài lòng của người dân về thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.
Với phương châm lấy người dân làm trung tâm theo hướng "thân thiện, đơn giản và đúng hẹn", thời gian qua, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Mọi tổ chức, công dân đến Trung tâm này đều được cán bộ, nhân viên tiếp đón, hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ các thủ tục hành chính và trả kết quả tận tình, chu đáo.
Anh Nguyễn Thanh Phong, ở thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: "Sáng nay, tôi đến Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh Thừa Thiên Huế để làm thủ tục đổi giấy phép lái xe. Tôi thấy nhân viên ở đây đón tiếp, hướng dẫn rất tận tình. Mọi việc rất thuận tiện."
Theo báo cáo PAPI 2023, hầu hết các chỉ số thành phần của tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc tốp đầu cả nước như: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, cung ứng dịch vụ công...
Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ một doanh nghiệp ở thành phố Huế đánh giá: "Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là việc đầu tư nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công. Hy vọng rằng thời gian tới tỉnh tiếp tục nỗ lực duy trì nâng điểm các chỉ số PAPI của tỉnh".
Để duy trì và đạt được những kết quả nâng cao chỉ số PAPI, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công. Các đơn vị, địa phương tạo cơ hội cho người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ nhân dân và thúc đẩy việc tự đánh giá để đổi mới, tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh và học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương…
Ông Phạm Quang Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: "Để nâng cao chất lượng phục vụ, ngoài việc tiếp tục duy trì, nâng cao thái độ phục vụ, đơn giản hoá thủ tục hành chính, nâng cấp giao diện cổng dịch vụ công để phục vụ dịch vụ công trực tuyến thì Trung tâm nghiên cứu các ứng dụng về tự động hoá, các ứng dụng AI, để phục vụ tốt hơn nữa trong việc cung cấp dịch vụ và dịch vụ công trực tuyến cho bà con".
Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong nỗ lực nâng điểm chỉ số PAPI của tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngay sau khi công bố kết quả các bộ chỉ số, tỉnh đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch tiếp tục nâng cao hiệu quả của các bộ chỉ số: "Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục lắng nghe, tạo điều kiện cho người dân, cộng đồng tiếp tục tương tác các thông tin liên quan về bộ chỉ số PAPI. Đặc biệt là việc thể hiện tính minh bạch cũng như sự đánh giá, phản ánh của người dân về năng lực điều hành của hệ thống, nhất là hệ thống các cơ quan nhà nước. Tỉnh bố trí nguồn lực nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ. Đây là những nội dung sẽ được tiếp tục thực hiện quyết liệt trong thời gian tới. Quan trọng bậc nhất là việc tổ chức thực hiện với yêu cầu phải phân công đúng nội dung, đúng con người, và chịu trách nhiệm theo đúng tiến độ đã được phân công. Đây là những giải pháp sắp tới tỉnh tập trung chỉ đạo để tiếp tục giữ vững vị thế trong bộ chỉ số nói chung trong đó có bộ chỉ số PAPI".
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Đây là công cụ để người dân tham gia giám sát hoạt động của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.