Việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương là cần thiết
VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả công tác năm 2013 của Ban Kinh tế Trung ương.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo về Kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch công tác năm 2013, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2014 và việc chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa 10.
Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, qua thực tiễn hơn một năm hoạt động đã khẳng định việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương là cần thiết vì Đảng lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó kinh tế là trung tâm, kinh tế không thể tách rời chính trị - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương (Ảnh: Tiền phong) |
Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc đề ra các chủ trương, đường lối, chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội; đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trong thực tế cuộc sống.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả công tác năm 2013 của Ban Kinh tế Trung ương, đã góp phần bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của Nhà nước và toàn xã hội, nhất là trên lĩnh vực kinh tế.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục triển khai toàn diện các mặt công tác để làm tốt hơn nữa chức năng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, thẩm định, kiểm tra, giám sát cho Đảng trong xây dựng và thực thi đường lối, chủ trương, chính sách trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, chú trọng tuyển dụng cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tiễn, nhiệt huyết trong công tác; thường xuyên đào tạo nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.
Bên cạnh đó, huy động sự tham gia, hợp tác của các cơ quan quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan chức năng, đơn vị nghiên cứu để tập hợp những ý kiến xác đáng và góp ý, hiến kế cho Đảng trong hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách cũng như kiểm tra, giám sát quá trình thực thi; bảo đảm tham mưu cho Đảng chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp thực tế khách quan, có hiệu lực, hiệu quả nhằm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bền vững.
Ban Kinh tế Trung ương cũng cần tập trung nghiên cứu, phân tích làm rõ hơn những vấn đề lý luận về kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam để làm cơ sở, định hướng cho công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu chung là xây dựng thể chế kinh tế phù hợp, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chính phủ, các Bộ, ngành luôn ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Kinh tế Trung ương chủ động làm việc với các Ban của Đảng, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để xây dựng cơ chế phối hợp công tác, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin giữa các cơ quan, phục vụ có hiệu quả cao cho công tác tham mưu xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội.
Đồng thời phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng các Bộ trong việc đánh giá sát, đúng tình hình kinh tế - xã hội để kịp thời giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra những chủ trương, đường lối về kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong từng thời kỳ./.