Việc xin bổ sung dự án luật, nghị quyết còn nhiều
VOV.VN - Sáng 16/3, thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 tại Phiên họp toàn lần thể lần thứ 34, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quan tâm sâu sắc hơn nữa đến công tác thi hành pháp luật.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến tới các đoàn đại biểu trong cả nước.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá, nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ đã có nhiều đổi mới, quyết liệt, sâu sát, linh hoạt và sáng tạo, đóng góp vào những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tô đậm thêm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới.
Đặc biệt trong năm 2020, Chính phủ đã hiện quan điểm điều hành trong tình hình mới với tinh thần “khó khăn gấp hai thì nỗ lực gấp ba”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng trong nhiệm kỳ qua, tình trạng xin điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhất là việc xin bổ sung dự án luật, nghị quyết còn nhiều.
Trong khi đó, nhiều dự án có trong chương trình nhưng chưa được chuẩn bị kịp, phải xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi Chương trình. Việc tổ chức thi hành pháp luật còn chậm, chưa được khắc phục triệt để việc chậm ban hành, nợ đọng văn bản quy định chi tiết.
Từ điểm cầu đoàn Kom Tum, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh, trong chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh Chính phủ cần khắc phục tình trạng xin rút, xin bổ sung các dự án Luật. Các dự án Luật sau khi theo chương trình pháp luật được thông qua, trình dự án sang Quốc hội, có những dự án luật chậm, có nhiều điểm bất cập. Việc ban hành văn bản chi tiết hóa, cụ thể hóa vẫn còn chậm. Đại biểu đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm sâu hơn, khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung nhấn mạnh đây là những vấn đề đã được đề cập nhiều lần, vì thế nếu không thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế thì khó khắc phục được tình trạng này trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật.
Theo bà Trần Thị Dung, những giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong báo cáo còn chung chung, đề nghị báo cáo bổ sung phụ lục chỉ ra 14 văn bản quy định chi tiết còn đang nợ, nghiêm túc rút kinh nghiệm từ đó đề xuất giải pháp khắc phục cụ thể.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật mới cần sớm xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, trong đó xác định nội dung, lộ trình thực hiện từng công việc, yêu cầu về kết quả cần hoàn thành, định kỳ gửi báo cáo về tình hình và tiến độ chuẩn bị dự án.
Việc thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý cần chủ động thẩm tra, phối hợp với cơ quan soạn thảo, thẳng thắn kiên quyết với những quan điểm, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đồng thời đề nghị Chính phủ bố trí thời gian thỏa đáng để xem xét các dự án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 2 tháng, nhằm đảm bảo cho các cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh hồ sơ nghiên cứu, thẩm tra đảm bảo chất lượng./.