Việt-Lào: Tình sâu hơn nước Hồng Hà-Cửu Long
VOV.VN -Chuyến công du của Chủ tịch nước thể hiện sự coi trọng, thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachith, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn cấp cao nước ta sáng 12/6 sẽ lên đường thăm cấp Nhà nước tới Lào từ ngày 12-14/6.
Đây không chỉ là chuyến thăm theo thông lệ ASEAN của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sau khi đảm nhận vai trò Chủ tịch nước mà là sự kiện có ý nghĩa trong quan hệ hai nước, thể hiện sự coi trọng và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào - đồng chí Cayson Phomvihan. |
”Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà-Cửu Long”. Câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây hơn 50 năm đã phác họa rõ nét mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.
Nhìn lại hơn nửa thế kỷ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/9/1962, mối quan hệ truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayson Phomvihan đặt nền móng, và được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp, bằng công sức và xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ, bằng sự hy sinh phấn đấu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Lào.
Có thể thấy trong quan hệ quốc tế hiếm có mối quan hệ nào lại gắn bó khăng khít như quan hệ Việt Nam-Lào đã trở thành một hình mẫu về sự thuỷ chung, trong sáng; về tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.
Hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao và các cấp. Gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith (4/2016) và Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith (5/2016) ngay sau khi được bầu giữ cương vị mới.
Việc Chủ tịch Trần Đại Quang chọn Lào là nước đi thăm đầu tiên sau khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước một lần nữa khẳng định sự coi trọng mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Trong những năm qua cùng với việc đẩy mạnh hợp tác về chính trị, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư có bước tiến mạnh mẽ, hai bên đã chủ động tích cực triển khai có hiệu quả Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ.
Tính đến đầu năm 2016, Việt Nam có 258 dự án được cấp phép đầu tư sang Lào, với tổng vốn đăng ký 5,3 tỷ USD.
Hai bên đã ký Hiệp định Thương mại biên giới (6/2015), triển khai cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Densavan nhằm tăng cường hơn nữa trao đổi kinh tế thương mại giữa hai nước.
Trong lĩnh vực, hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại cũng ngày càng gắn bó chặt chẽ, hai nước đã ký kết Hiệp định về quy chế quản lý biên giới; hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào.
Sự kiện này góp phần đảm bảo thống nhất đường biên giới Việt Nam – Lào cả về pháp lý và thực tiễn.
Đi đôi với đó, giáo dục luôn là lĩnh vực ưu tiên trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Hai bên đang tích cực triển khai “Đề án Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020”.
Hai bên coi đây là cơ sở cơ bản để phát triển ngồn nhân lực hai nước, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của mỗi nước.
Việt Nam – Lào đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ đặc biệt hai nước.
Hợp tác giữa các địa phương được chú trọng thúc đẩy. Các địa phương biên giới hai nước đã tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hợp tác truyền thống gắn bó, đảm bảo an ninh xã hội vùng biên, giải quyết tốt những vụ việc phát sinh nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định và phát triển…
Những thành quả có được ấy chính là bởi hai bên duy trì thường xuyên các cơ chế họp thường niên ở tất cả các cấp giữa hai nước.
Và chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang lần này cũng là dịp để hai bên tập trung trao đổi về các biện pháp tăng cường và củng cố quan hệ đặc biệt, gắn bó, tin cậy giữa hai Đảng, hai nước để cùng vượt qua thách thức trong thời gian tới cũng như lâu dài và thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân Việt Nam - Lào sẽ tiếp tục mở ra một thời kỳ phát triển mới, năng động, hiệu quả, thiết thực vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực./.