Việt Nam - Bangladesh thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội
VOV.VN - Lần đầu tiên hai Quốc hội Việt Nam và Bangladesh sẽ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác làm cơ sở cho sự hợp tác thường xuyên và bền vững.
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Nhân dân Bangladesh Shirin Sharmin Chaudhury, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta thăm chính thức Bangladesh từ hôm nay, 21-23/9.
Chuyến thăm là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất giữa hai nước nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; đồng thời góp phần củng cố và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác hiệu quả, thực chất giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực; thúc đẩy quan hệ hợp tác hai Quốc hội đi vào thực chất và bền vững qua việc hai Quốc hội ký thỏa thuận hợp tác.
Việt Nam và Bangladesh thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/02/1973. Quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước tiếp tục được củng cố và ngày một phát triển. Tin cậy chính trị được nâng lên thông qua trao đổi các chuyến thăm, tiếp xúc trên các kênh và các cấp.
Hai bên đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác quan trọng, trong đó có Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Hợp tác kinh tế, thương mại là điểm sáng mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Thương mại song phương tăng gấp 4 lần trong một thập kỷ qua và đang tiến gần đến mục tiêu 2 tỷ USD. Hai nước cũng vừa gia hạn Bản ghi nhớ về thương mại gạo thêm 5 năm (đến năm 2027) và cùng với đó có nhiều lĩnh vực hợp tác mà hai nước có thể bổ sung cho nhau.
Với thị trường tiềm năng 170 triệu dân của Bangladesh và 100 triệu dân của Việt Nam, đây là những lĩnh vực tiềm năng, cơ hội để có thể tiếp tục tăng cường hợp tác mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Theo ông Manzur Qader, Phó Chủ tịch cao cấp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh - Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội hợp tác cho hai nước trong thời gian tới. Hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng trong hoạt động kinh tế, xã hội. Điều này mang lại nhiều kỳ vọng cho hợp tác giao lưu nhân dân.
"Nhiều người cho rằng, trong lĩnh vực dệt may, Việt Nam và Bangladesh có thể là đối thủ cạnh tranh. Nhưng thực tế, tôi lại nghĩ hai nước có nhiều lợi thế để bổ sung cho nhau. Bangladesh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhưng Việt Nam lại có các công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến hơn. Chúng tôi hy vọng, Việt Nam có thể hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho Bangladesh trong lĩnh vực này" - ông Manzur Qader bày tỏ.
Hai nước đã cùng nhau phối hợp thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và gần đây đều nhận được tín nhiệm cao, bầu vào Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây cũng là điểm thuận lợi để cùng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề về quyền con người.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động nhanh, khó lường và phức tạp, việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước là bạn bè truyền thống trên kênh ngoại giao nghị viện sẽ góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ hai nước, hai Quốc hội.
Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Bangladesh đã và đang phối hợp, cùng nhau thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai nước. Hai bên thường xuyên phối hợp tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực mà hai Quốc hội là thành viên như: Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, Hội nghị đối tác Nghị viện Á - Âu...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, nội dung trọng tâm của chuyến thăm chính thức Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác hiệu quả, thực chất giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Các nội dung này sẽ được trao đổi cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Bangladesh.
"Lần đầu tiên hai Quốc hội sẽ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác làm cơ sở cho sự hợp tác thường xuyên và bền vững tập trung vào các nội dung: Chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, giám sát, các lĩnh vực khác liên quan đến hoạt động Quốc hội; hỗ trợ và ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế. Cùng với đó, hai bên phối hợp triển khai thực hiện cam kết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước tại Tuyên bố Chung giữa Tổng thống Bangladesh và Chủ tịch nước Việt Nam năm 2018. Nhân chuyến thăm này, hai Quốc hội sẽ công bố việc thành lập Nhóm nghị sỹ hữu nghị của hai nước" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Anh Tuấn thông tin.
Chuyến thăm chính thức Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại theo chủ trương Đại hội lân thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 34 của Bộ Chính trị; thúc đẩy quan hệ hợp tác của Quốc hội nước ta với Quốc hội bạn; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam - Bangladesh.