Việt Nam- Cầu nối quan trọng giữa ASEAN với các đối tác
VOV.VN - Thành công quan trọng nhất của ASEAN trong suốt 57 năm qua có thể nói là đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia thành viên xây dựng được mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp.
57 năm hình thành và phát triển (8/8/1967-8/8/2024), ASEAN được đánh giá là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới, với nỗ lực thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng cho 10 quốc gia thành viên. Trong quá trình đó, những đóng góp của Việt Nam được các nước thành viên khu vực cũng như đối tác đánh giá cao, với khẳng định, Việt Nam là một cầu nối quan trọng để thúc đẩy quan hệ ASEAN và các đối tác.
Thành công quan trọng nhất của ASEAN trong suốt 57 năm qua có thể nói là đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia thành viên xây dựng được mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp. Những khác biệt giữa các thành viên, những bất đồng hay tranh chấp nhất định đều được ngăn chặn và hóa giải trên cơ sở lợi ích chung.
Cộng đồng ASEAN đang trên hành trình hiện thực hóa Tầm nhìn đến 2025 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Bên cạnh đó, ASEAN cũng tạo dựng được quan hệ hợp tác khá chặt chẽ với nhiều nước và tổ chức quan trọng trên thế giới, trong đó có tất cả các nước lớn. Với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có tiếng nói và vị thế ngày càng gia tăng chứng tỏ sức hút và giá trị của ASEAN với các đối tác cùng cam kết hợp tác thúc đẩy một khu vực hòa bình và thịnh vượng với các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN Kiya Masahiko khẳng định, ASEAN nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng, với sự gần gũi về mặt địa lý, có tầm quan trọng chiến lược đối với Nhật Bản với tư cách là một quốc gia hàng hải. ASEAN cũng có vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy một "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Ngoài ra, ASEAN là một khu vực kinh tế đang phát triển, là thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn và đang phát triển với dân số 670 triệu người. ASEAN là trung tâm của các khuôn khổ hợp tác khu vực. Vì vậy đây là một khu vực quan trọng không chỉ với Nhật Bản mà còn nhiều quốc gia lớn khác như Mỹ, Trung Quốc….Đó là lý do mà Nhật Bản cam kết thúc đẩy hợp tác với ASEAN vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng trong khu vực.
Đại sứ Mỹ tại ASEAN Youhanes Abraham cũng khẳng định, ASEAN là trung tâm trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Mỹ cam kết mạnh mẽ với ASEAN và cũng cam kết vai trò trung tâm của ASEAN.
“Trong những năm qua chúng ta đã chứng kiến những cam kết rộng mở của Mỹ với ASEAN, bao gồm việc Tổng thống Biden tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN và tổ chức hội nghị cấp cao ASEAN tại Washington, DC, chuyến đi gần đây của Phó Tổng thống Harris tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Jakarta. Thực tế Mỹ cũng thực sự dành nhiều thời gian, sức lực cũng như tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các đối tác ASEAN. Mối quan hệ Mỹ-ASEAN không chỉ là ưu tiên của chính quyền mà còn nhận được sự quan tâm của lưỡng đảng”- Đại sứ Mỹ tại ASEAN Youhanes Abraham nói.
Trong chặng đường đồng hành cùng ASEAN gần 30 năm qua, Việt Nam luôn xác định tham gia và đóng góp cho ASEAN trên tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm. Có 3 dấu mốc quan trọng trong quá trình Việt Nam gia nhập ASEAN, đó là Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN nhiệm kỳ 2000 -2001,Việt Nam đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN vào năm 2010 và 2020. Những nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam đều ghi dấu ấn đóng góp rất là quan trọng, đậm nét của Việt Nam trong ASEAN.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia góp phần định hình những đường hướng phát triển tương lai quan trọng của ASEAN như xây dựng và thông qua Chương trình hành động Hà Nội năm 1998, đóng góp vào xây dựng và thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Hiến chương ASEAN cũng như đảm nhận rất thành công vai trò điều phối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Nga.
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam tiếp tục đóng góp trong nỗ lực chung của ASEAN hướng đến xây dựng và triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Những đóng góp của Việt Nam đã được các nước ASEAN, các đối tác ghi nhận, góp phần rất quan trọng vào việc tăng cường đoàn kết, thống nhất vai trò trung tâm và khả năng tự cường của ASEAN trước môi trường khu vực và quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Đại sứ Hàn Quốc tại ASEAN Lee Jang-keun đánh giá :
Là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN, Việt Nam đang dẫn đầu các nỗ lực của ASEAN trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường hội nhập khu vực. Việt Nam cũng đã có nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN thành công năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xảy ra. Ngoài ra, việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 là một điển hình khác thể hiện cam kết liên tục của Việt Nam trong việc hoàn thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, thể hiện vai trò của Việt Nam trong hướng tới các chiến lược sau năm 2025.
Đại sứ Australia tại ASEAN Tiffany Mc Donald nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa Australia và Việt Nam bổ sung cho hợp tác ASEAN-Australia và ngược lại. Cùng với ASEAN, hai bên đang nỗ lực hướng tới những kết quả giúp nâng cao sự ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công - như Tuyên bố Hà Nội - dù đây là thời điểm đặc biệt khó khăn đối với khu vực và thế giới do đại dịch Covid-19. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Australia và Việt Nam bổ sung cho hợp tác ASEAN-Australia và ngược lại. Cùng với ASEAN, hai bên đang nỗ lực hướng tới những kết quả giúp nâng cao sự ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Những đóng góp của Việt Nam thể hiện tinh thần nhất quán và xuyên suốt là hòa hiếu, hòa hợp, hữu nghị vì hòa bình, ổn định, phồn vinh chung, vì một ASEAN vững mạnh, đoàn kết, có vai trò, vị thế ở khu vực và trên thế giới.