Việt Nam-Ethiopia còn nhiều tiềm năng để phát triển
VOV.VN - Đại sứ Việt Nam tại Ethiopia nói về ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Ethiopia
Ethiopia và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngay sau khi Việt Nam thống nhất đất nước. Hai bên có mối quan hệ chặt chẽ và luôn tích cực hỗ trợ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Ethiopia từ ngày 23-25/8, phóng viên VOV phỏng vấn Ngài Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Tanzania, kiêm nhiệm Ethiopia Nguyễn Kim Doanh về chuyến thăm này.
Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Tanzania, kiêm nhiệm Ethiopia Nguyễn Kim Doanh |
PV: Thưa Đại Sứ, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Ethiopia lần này có ý nghĩa như thế nào?
Đại sứ Nguyễn Kim Doanh: Việt Nam và Ethiopia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976. Hai nước có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp và luôn ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế. Nhưng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước còn rất hạn chế mặc dù tiềm năng rất lớn.
Chuyến thăm Ethiopia lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Việt Nam tới quốc gia lớn và đông dân nhất khu vực Đông Phi và khu vực Sừng Châu Phi, là dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước, mở ra các triển vọng hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước trong những năm tới.
Ethiopia đánh giá cao những thành công của Việt Nam trong phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Do đó Ethiopia mong muốn Việt Nam chia sẻ các kinh nghiệm thành công trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế, sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Ethiopia.
Ngoài ra, trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ đến thăm Trụ sở Liên minh Châu Phi, hội kiến với lãnh đạo Ủy ban Liên minh Châu Phi để thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ Việt Nam - Liên minh Châu Phi trong bối cảnh Việt Nam đang chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế.
PV: Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước tới Ethiopia, sẽ có những thỏa thuận nào được ký kết và sẽ mở ra triển vọng hợp tác nào giữa hai nước?
Đại sứ Nguyễn Kim Doanh: Chuyến thăm Ethiopia lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cả hai nước, cả về chính trị - ngoại giao và kinh tế. Về chính trị - ngoại giao, tạo ra khuôn khổ hợp tác chung giữa hai nước, tạo cơ sở tin cậy về chính trị và tiếp tục ủng hộ lẫn nhau, phối hợp hiệu quả hơn trên các diễn đàn quốc tế; về kinh tế, mở ra triển vọng hợp tác kinh tế cho cả hai nước. Việt Nam có thêm thị trường tiêu thụ cho nền kinh hướng vào xuất khẩu; Ethiopia sẽ có thêm đối tác phát triển, thu hút vốn đầu tư, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân.
Từ trước đến nay, hai bên mới ký kết được một số thỏa thuận hợp tác như: Hiệp định khung về hợp tác văn hóa và Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật (1978), Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Ethiopia (2009).
Dự kiến trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hai bên sẽ ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai bộ ngoại giao, Bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến đầu tư, Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp...
Tôi hy vọng rằng, sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hai bên sẽ xúc tiến đàm phán, ký kết nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác khác, đặc biệt là Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong những năm tới.
PV: Thưa Đại sứ, Việt Nam và Ethiopia có nhiều điểm tương đồng về dân số, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Ethiopia cũng là một nước có nền kinh tế phát triển khá mạnh ở châu Phi trong những năm qua. Trong hợp tác kinh tế, hai bên có thể khai thác ra sao các lợi thế của nhau để cùng phát triển?
Đại sứ Nguyễn Kim Doanh: Ethiopia có diện tích gấp 3 lần Việt Nam, với dân số trên 100 triệu, đất đai màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên phong phú, điều kiện tự nhiên thuận lợi, có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế đất nước, nhưng cái thiếu của Bạn là kinh nghiệm quản lý và vốn.
Về mặt này, Việt Nam hoàn toàn có thể chia sẻ kinh nghiệm với Ethiopia, giúp Bạn khai thác hiệu quả hơn các điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào để phát triển kinh tế nhằm đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình vào năm 2025.
Trong khi đó, Việt Nam có thêm một thị trường tiêu thụ lớn đối với hàng tiêu dùng, hàng nông sản và một thị trường đầu tư với nguồn nhân công dồi dào của Ethiopia.
Chúng ta có thể chắc chắn rằng chuyến thăm Ethiopia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ mở ra một khuôn khổ hợp tác mới trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Ethiopia, giữa Việt Nam và Liên minh Châu Phi.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ./.