Việt Nam ghi dấu ấn trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ

Không chỉ dừng lại ở chỗ điều phối tốt các hoạt động của HĐBA, Việt Nam đã có những sáng kiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan này.

Ngày 31/10 là ngày cuối cùng trong tháng Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ, trước khi chuyển giao cho Áo bắt đầu từ ngày mai (1/11). Một tháng là khoảng thời gian không đủ dài để một quốc gia trong vai trò Chủ tịch luân phiên HĐBA có thể tạo nên nhiều kết quả đột phá. Nhưng những gì Việt Nam đã làm trên cương vị quan trọng này trong tháng 10/2009 và tháng 7/2008 đã tạo một dấu ấn đặc biệt về Việt Nam trong đánh giá của bạn bè quốc tế. Chúng ta cũng tự hào đã có những đóng góp quan trọng vào hiệu quả làm việc của HĐBA LHQ.

Trước hết, phải khẳng định rằng Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ “kép” trên hai cương vị vừa là đại diện quốc gia làm Uỷ viên không Thường trực tại HĐBA, vừa là Chủ tịch cơ quan quyền lực hàng đầu thế giới này trong tháng 10. Chúng ta đã thành công trên hai điểm quan trọng nhất là bảo vệ, lập trường, lợi ích quốc gia đồng thời tạo dựng được quan hệ tin cậy với các nước, có đóng góp thiết thực vào hiệu quả làm việc của HĐBA nói riêng, LHQ nói chung.

Hoàn toàn là không đơn giản khi một quốc gia mới chỉ hội nhập khu vực và thế giới chưa lâu như Việt Nam đảm nhận vai trò làm Chủ tịch điều phối trong một khoảng thời gian không dài dồn dập hàng chục cuộc họp tại HĐBA LHQ. Không chỉ nặng về cường độ, khối lượng các cuộc họp, hoạt động của HĐBA LHQ trong tháng 10 này còn rất phức tạp bởi nhiều mâu thuẫn xung đột dai dẳng chưa tìm được giải pháp cộng thêm không ít vấn đề đột xuất nảy sinh. Điều phối tốt hàng loạt các cuộc họp tại HĐBA như vậy trong bối cảnh quan điểm của các nước có nhiều khác biệt, chia rẽ và thậm chí là đối lập, là một trọng trách lớn mà Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Việt Nam đã khéo léo có những cách ứng xử hợp lý nhưng luôn bảo vệ quan điểm nhất quán là: tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia; coi thương lượng hoà bình là con đường duy nhất giải quyết các xung đột; coi trọng vai trò của LHQ và các tổ chức khu vực làm trung gian, hoà giải; không bao giờ xa rời việc bảo vệ lợi ích cho người dân, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương như người già, phụ nữ và trẻ em. Như thế, trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ- cơ quan quyền lực cao nhất thế giới, Việt Nam đã nói lên quan điểm chung của tất cả các quốc gia yêu chuộng hoà bình, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, hướng tới mục đích cuối cùng là bảo đảm các lợi ích cho người dân. Khi điều hành công việc chung của HĐBA, Việt Nam cũng chủ trương đối thoại với các thành viên trên tinh thần thu hẹp khác biệt, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, từ đó tạo dựng được quan hệ tin cậy, thẳng thắn với các nước, giúp các cuộc họp chung đi đến thống nhất.

Không chỉ dừng lại ở chỗ điều phối tốt các hoạt động của HĐBA, Việt Nam đã có những sáng kiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan này. Đáng chú ý nhất là sáng kiến tiến hành các cuộc thảo luận mở về hai vấn đề đòi hỏi thế giới phải quan tâm nhiều hơn là “Trẻ em và xung đột vũ trang” (tháng 7 /2008) và “Phụ nữ và hoà bình- an ninh” (tháng 10/2009). Gọi là “mở” bởi các thành viên LHQ bên ngoài HĐBA có thể tham dự các phiên thảo luận này, từ đó tính đại diện của HĐBA, tránh trường hợp cơ quan chỉ gồm 15 thành viên này đưa ra những phán quyết không hợp lý mang tính cưỡng chế đối với cả thế giới. Cũng nhằm mục đích này, Việt Nam có sáng kiến tổ chức các cuộc họp giữa Chủ tịch HĐBA LHQ với rộng rãi các thành viên của LHQ, để các quyết định, nội dung thảo luận tại HĐBA sát với tình hình, nguyện vọng chung của thế giới, chứ không phải là “nơi bàn chuyện giữa các nước lớn”.

Dĩ nhiên, hai lần trong vai trò điều hành trực tiếp hoạt động của HĐBA, Việt Nam cũng hiểu rằng còn rất nhiều điều cần làm để nâng cao hiệu quả của HĐBA nói riêng, LHQ nói chung, nâng cao tính hiệu lực, đảm bảo công bằng trong các nghị quyết mà cơ quan này đưa ra. Kết thúc vai trò Chủ tịch HĐBA, Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp trong vai trò Uỷ viên không thường trực HĐBA cho đến hết năm nay và trong vai trò một thành viên tích cực của LHQ về lâu dài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên