Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác ASEAN - Trung Quốc
Việt Nam và các nước ASEAN đánh giá cao chính sách nhất quán của Trung Quốc xây dựng quan hệ hữu nghị với ASEAN.
Báo Điện tử VOV xin giới thiệu tóm tắt nội dung phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc:
1. Việt Nam và các nước ASEAN đánh giá cao ý nghĩa Hội nghị này vì đây không chỉ là một sự kiện mang tính chất kỷ niệm, mà còn là dịp quan trọng để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường hợp tác và phát triển của ASEAN và Trung Quốc, đồng thời trao đổi và thống nhất về định hướng và hành động để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ và hợp tác cùng có lợi, đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở mỗi nước chúng ta và ở khu vực.
2. Quan hệ và hợp tác ASEAN-Trung Quốc trong 22 năm quan hệ đối thoại, đặc biệt sau 10 năm thiết lập đối tác chiến lược phát triển năng động.
Trung Quốc là đối tác đầu tiên thiết lập đối tác chiến lược với ASEAN; đối tác đầu tiên tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở khu vực Đông Nam Á (TAC). Hai bên đã ký Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 là một thành tựu quan trọng, là văn kiện mang tính dấu mốc thể hiện cam kết của ASEAN và Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định ở khu vực, xây dựng lòng tin và giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS 1982).
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên đã không ngừng được mở rộng và đạt được những thành tựu to lớn. Thương mại hai chiều giữa hai bên đã tăng 50 lần trong 20 năm qua và 8 lần trong 10 năm qua, đạt mức 400 tỷ USD năm 2012. Trung Quốc là đối tác đầu tiên thiết lập Khu vực Mậu dịch tự do với ASEAN (ACFTA), góp phần khởi động tiến trình liên kết Đông Á thông qua mạng lưới các FTA song phương và đa phương. Hợp tác giao lưu văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân và trao đổi thanh niên giữa hai bên được thúc đẩy mạnh mẽ.
3. Việt Nam và các nước ASEAN đánh giá cao chính sách nhất quán của Trung Quốc xây dựng quan hệ hữu nghị với ASEAN, coi ASEAN là ưu tiên trong chính sách đối ngoại; hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, triển khai liên kết, kết nối, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Trong mối quan hệ chung ASEAN-Trung Quốc, Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy và tăng cường quan hệ và hợp tác ASEAN-Trung Quốc qua nhiều năm và nhất là trong thời gian làm điều phối quan hệ hai bên (2009-2012).
4. Trên cơ sở những nguyên tắc đã được xác lập và phát huy những thành quả đạt được, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện ASEAN-Trung Quốc lên tầm cao mới, vượt qua những thách thức và trở ngại, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định, và phát triển chung.
Về một số định hướng trọng tâm hợp tác sau:
(i) Thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc lên tầm cao mới, đi đôi với tăng cường tin cậy chính trị, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác ASEAN-Trung Quốc trên mọi lĩnh vực, phát huy tối đa hiệu quả của các cơ chế đối thoại và tham vấn chính trị ở các cấp để tăng cường lòng tin chính trị; hợp tác và phối hợp quan điểm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+, cũng như tại APEC, ASEM, LHQ…, qua đó góp phần làm tăng hợp tác ASEAN-Trung Quốc và vai trò, tiếng nói của ASEAN và Trung Quốc tại các diễn đàn này.
(ii) Hợp tác xây dựng một cấu trúc khu vực thuận lợi cho hòa bình, ổn định, và phát triển ở Đông Á; hợp tác, nâng cao đóng góp của đối tác ASEAN-Trung Quốc trong việc định hình cấu trúc khu vực với ASEAN đóng vai trò trung tâm, vì các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tiến trình liên kết chung ở khu vực Đông Á thông qua việc đẩy mạnh xây dựng Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP), Kế hoạch Kết nối ASEAN+3 và Đông Á; tăng cường các nỗ lực hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh nguồn nước…; hợp tác an ninh biển, nhất là thực hiện hiệu quả và đầy đủ DOC nhằm bảo đảm tốt hơn hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.
(iii) Tăng cường hợp tác kết nối giữa ASEAN và TQ, nhất là kết nối về hạ tầng cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với việc gắn kết và phát triển quan hệ các mặt giữa hai bên. Ngoài các dự án khu vực như Đường cao tốc xuyên Á, chúng ta cũng cần ưu tiên phát triển hạ tầng, liên kết giao thông vận tải giữa các tỉnh/vùng dọc biên giới giữa các nước ASEAN và Trung Quốc và lưu vực sông Mekong, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đồng đều và bền vững, như thông qua cơ chế Hai Hành lang, Một Vành đai giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay Hợp tác Vịnh Bắc Bộ Mở rộng.
(iv) Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư thông qua phát huy tối đa vai trò và hiệu quả của các cơ chế hiện có; thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) nhằm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 500 tỷ đô la năm 2015; ủng hộ việc cần nghiên cứu nâng cấp FTA giữa ASEAN và TQ ngang tầm với các FTA hiện đại ở khu vực; ủng hộ đàm phán một FTA giữa ASEAN và Hong Kong; phát huy hiệu quả của Trung tâm ASEAN-TQ và Hội chợ ASEAN-TQ (CAEXPO) trong hỗ trợ xúc tiến thương mại và đầu tư, khuyến khích đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc, tăng cường nhận thức và hiểu biết của nhân dân, nhất là khu vực tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ về ACFTA; tiếp tục phối hợp và tham gia tích cực trong đàm phán RCEP.
5. ASEAN luôn coi trọng đẩy mạnh quan hệ ASEAN-Trung Quốc và mong muốn Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần này thành công tốt đẹp, tạo đà tăng cường hơn nữa Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-TQ trên mọi lĩnh vực. ASEAN đồng thời mong muốn tăng cường hợp tác ASEAN-Trung Quốc vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ DOC và sớm tiến tới COC.
- Hoan nghênh kết quả đạt được trong thời gian qua giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc triển khai DOC, việc thông qua Tuyên bố chung Cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, quyết định tham vấn chính thức về Bộ Quy tắc COC, dự kiến họp cấp SOM ASEAN-Trung Quốc về COC vào tháng 9/2013.
- ASEAN cho rằng cần sớm có Bộ Quy tắc COC để đảm bảo tốt hơn hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. ASEAN nhất trí với Trung Quốc về duy trì và phát huy đà hợp tác vừa qua, tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, bao gồm cả các nguyên tắc, quy định hành vi ứng xử cũng như về xây dựng lòng tin, đi đôi với đàm phán chính thức và thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc COC. Hai tiến trình này cần được tiến hành đồng thời và hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
- ASEAN cũng nhất trí cho rằng, trong thời gian tới, hai bên có thể tiếp tục xem xét và triển khai một số sáng kiến đã được đề xuất như lập đường dây nóng, tìm kiếm cứu hộ, đối xử nhân đạo và giúp đỡ người đi biển gặp nạn…
- ASEAN cho rằng COC cần là Bộ quy tắc tổng thể mang tính ràng buộc, kế thừa và được nâng cao hơn từ DOC nhằm điều chỉnh hành vi của các bên liên quan, bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, ngăn ngừa xung đột và tạo môi trường để các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với LPQT và Công ước LHQ về Luật Biển./.