Việt Nam-Hàn Quốc thúc đẩy kết nối văn hóa, tạo “trái ngọt, quả lành”
VOV.VN - Chuyến đi “3 trong 1” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, nâng cao uy tín, vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Đêm 28/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm Quan hệ đối thoại ASEAN – Hàn Quốc, Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất và thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 24-28/11.
Tổng thống Hàn Quốc và Phu nhân đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân. |
“Nối vòng tay lớn” Việt Nam-Hàn Quốc
Trong chuyến thăm, Thủ tướng đã hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc, hội kiến với Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Hàn Quốc, dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc, tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc, tiếp Thị trưởng thủ đô Seoul, thành phố Busan, Chủ tịch Hội Hữu nghị Hàn-Việt; thăm Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc...
Chi tiết thú vị là ngay trong lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay, đội quân nhạc Hàn Quốc đã hòa tấu bản nhạc “Nối vòng tay lớn” của Việt Nam, đồng thời Chính phủ Hàn Quốc cử đội nghi lễ, trong trang phục cận vệ hoàng cung Hàn Quốc hòa tấu những bản nhạc truyền thống của Hàn Quốc chào đón Thủ tướng và Phu nhân. Điều đó vừa là ghi lễ đón trang trọng, vừa thể hiện tình cảm tốt đẹp mà Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc dành cho Đoàn Việt Nam.
Hàn Quốc đang là đối tác rất quan trọng của Việt Nam trong mọi mặt kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa và nhân dân. Điểm nhấn của chuyến thăm này là lãnh đạo, nhà đầu tư hai nước đều nhấn mạnh đến yếu tố kết nối văn hóa, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, làm nền tảng để thúc đẩy hợp tác hai nước. Bởi trong 500.000 người ASEAN đang ở Hàn Quốc thì có tới trên 200.000 người Việt Nam. Ngược lại, trong số hơn 300.000 người Hàn Quốc tại ASEAN thì có đến khoảng một nửa người Hàn Quốc đang ở Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Moon Jae – In khi hội đàm cũng nhấn mạnh, sự phát triển mở rộng, phong phú, đa dạng và sôi động của quan hệ hợp tác, giao lưu nhân dân giữa hai nước là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của quan hệ song phương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chính nhờ sự tương đồng về văn hóa giữa hai nước đã góp phần tạo nên những “trái ngọt, quả lành” trong kinh tế, đầu tư và thương mại giữa hai nước.
Với những nền tảng tốt đẹp đó, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị nhà đầu tư Hàn Quốc phát huy “Kỳ tích sông Hàn”, hãy lập một “kỳ tích” mới đó là dẫn đầu toàn diện trong mọi lĩnh vực hợp tác với Việt Nam để ủng hộ tinh thần hướng Nam của Tổng thống Moon Jae-In, thì các nhà đầu tư đã hưởng ứng mạnh mẽ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Ít có người nước ngoài nào có được sự tôn trọng, yêu mến, tin tưởng và ngưỡng mộ như HLV Park Hang-seo. Và trong những trận bóng quan trọng, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh quốc kỳ Việt Nam và Hàn Quốc tung bay bên cạnh nhau.
Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc có sức thu hút người dân Việt Nam không thua kém gì Hollywood. Người ta nói muốn kinh doanh thành công, các bạn phải thực sự hòa nhập và thích nghi với môi trường bản địa, tức là nhập gia tùy tục theo cách nói của người Việt Nam. Về điểm này, ít có doanh nhân nước nào lợi thế bằng các nhà đầu tư Hàn Quốc về sự tương đồng văn hóa sự yêu mến của người Việt Nam đối với Hàn Quốc”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ và tạo mọi điều kiện để Hàn Quốc triển khai thành công Chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Moon Jae-In. Hưởng ứng Chính sách hướng Nam mới của Tổng thống Moon Jae-In và lời kêu gọi lập “kỳ tích” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều nhà đầu tư mong muốn góp phần đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100 tỷ USD ngay trong năm 2020; tiếp tục duy trì là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Sự quan tâm của nhà đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam là rất lớn. Có hơn 20 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đăng ký tọa đàm với Thủ tướng. Còn tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc, lúc đầu có 500 doanh nghiệp hai nước đăng ký tham dự, nhưng đến giờ chót, số lượng đã là hơn 700 đại biểu, chủ yếu là doanh nghiệp.
Đặt niềm tin vào mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc phát triển thực chất hơn nữa thời gian tới, Phó Thủ tướng Hàn Quốc Nam-Kim Hong, bày tỏ: “Đối với Hàn Quốc, Việt Nam là nước trọng tâm trong chính sách hướng Nam mới của Chính phủ và chúng tôi sẽ cố gắng để mục tiêu này thành hiện thực. Vì tương lai hợp tác giữa hai nước, tôi cho rằng, chúng ta không được bỏ lỡ thời cơ tốt hiện nay, đó là mối quan tâm và khát vọng hợp tác giữa hai nước đang ở mức độ cao. Hai nước cần thúc đẩy hợp tác về hạ tầng và công nghệ cao. Chúng tôi sẽ mở các Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp ở Việt Nam. Nếu bông hoa có hương thơm, nó có thể lan tỏa xa 40km. Còn với quan hệ tốt đẹp, tình cảm gắn bó giữa nhân dân hai nước thì có thể lan tỏa 4.000 km, trong khi khoảng cách giữa Việt Nam và Hàn Quốc chỉ là 3.000km”.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc cũng đã thống nhất việc Hàn Quốc sẽ xem xét tích cực mở cửa nhập khẩu các loại nông sản, hoa quả của Việt Nam; triển khai hiệu quả khoản viện trợ phát triển chính thức đã cam kết trong giai đoạn 2016-2020 với trị giá 1,5 tỷ USD; thúc đẩy gia hạn MoU về tiếp nhận lao động (hết hạn vào 3/2020); tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu nhân dân; quan tâm, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc tại Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không và giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông của Việt Nam bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng đóng góp cho bán đảo Triều Tiên hòa bình, phi hạt nhân hóa theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo chứng kiến các bộ, ngành hai nước ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và đào tạo thuyền viên, hợp tác ngân hàng phát triển… các cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai bên đã trao 33 bản ghi nhớ hợp tác, chứng nhận đầu tư với tổng giá trị gần 20 tỷ USD. Đây là nền tảng để đưa quy mô vốn đầu tư của Hàn Quốc sớm tiếp cận mốc 80 tỷ USD từ quy mô hơn 67 tỷ USD hiện nay.
Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và ASEAN chụp ảnh chung. |
Kết nối mạng lưới thành phố thông minh ASEAN-Hàn Quốc
Trong các Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ASEAN-Hàn Quốc với các chủ đề “Quan hệ ASEAN-Hàn Quốc: 30 năm qua và 30 năm tới”; và “Tăng cường hợp tác Kết nối vì sự thịnh vượng” các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh Chính sách Hướng Nam mới của Hàn Quốc và nỗ lực của cá nhân Tổng thống Moon Jae-in trong thúc đẩy quan hệ với ASEAN trên ba trụ cột hoà bình-thịnh vượng-con người. Trước mắt, các nhà lãnh đạo thống nhất đưa kim ngạch thương mại ASEAN-Hàn Quốc đạt 200 tỷ USD và nỗ lực ký kết Hiệp định RCEP trong năm tới.
Để thúc đẩy giao lưu nhân dân, đưa văn hóa các nước ASEAN đến gần hơn với người dân Hàn Quốc như văn hóa Hàn Quốc đang được tiếp nhận rộng rãi ở các nước ASEAN, Tổng thống Hàn Quốc công bố một số sáng kiến hợp tác với ASEAN về cải thiện hệ thống visa cho công dân các nước ASEAN tới Hàn Quốc; tăng gấp đôi số lượng học bổng cho sinh viên các nước ASEAN học tập tại Hàn Quốc; lập quan hệ đối tác khởi nghiệp ASEAN-Hàn Quốc; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mới; lập Trung tâm sáng tạo công nghiệp ASEAN - Hàn Quốc...
Hàn Quốc cũng mong muốn thúc hợp tác với ASEAN phát triển các thành phố thông minh, trong đó chọn 2 thành phố Busan và Sejong là 2 đô thị thông minh thí điểm ở Hàn Quốc gắn kết với Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN.
Đánh giá về định hướng này, tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong suốt chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, cho rằng: “Hàn Quốc là nước đi đầu về công nghệ, ít nhất là ở khu vực và có thành quả cao. Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ các thành tựu này và sẵn sàng chuyển giao cho các nước ASEAN, nhất là các nước đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc.
Như vậy, Việt Nam cũng là diện ưu tiên của Hàn Quốc trong chuyển giao công nghệ. Như vậy, đây là cơ hội rất tốt để những nước đang phát triển như Việt Nam học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc, vốn từng là nước rất khó khăn, nhưng đã vươn lên rất nhanh chóng dựa vào khoa học công nghệ”.
Trong vai trò thành viên và Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở một số định hướng hợp tác quan trọng cho 30 năm tiếp theo giữa ASEAN và Hàn Quốc, trong đó có: gia tăng tính chiến lược trong quan hệ đối tác, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế và định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ; đẩy mạnh hợp tác kinh tế theo hướng cân bằng, cùng có lợi, tạo điều kiện cho hàng hóa và đầu tư hai bên tiếp cận thị trường của nhau; tiếp nhận lao động đến từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng đề xuất Hàn Quốc tích cực hỗ trợ ASEAN đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để lực lượng lao động ASEAN đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và hỗ trợ ASEAN lập Trung tâm nghiên cứu khoa học biển để thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế biển và bảo tồn môi trường biển bền vững.
Ngoài ra là thúc đẩy kết nối và phát triển hạ tầng các cảng biển dọc tuyến vận tải biển chiến lược từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, nối Đông Nam Á với Đông Bắc Á; đề nghị Hàn Quốc tích cực giải ngân Quỹ hạ tầng toàn cầu trị hỗ trợ các dự án hạ tầng của ASEAN.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao CEO ASEAN – Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ASEAN chào đón các nhà đầu tư Hàn Quốc: “Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam chào đón các doanh nghiệp Hàn Quốc đi theo chính sách hướng Nam mới để tiến đến và cùng hợp tác, cùng thành công với ASEAN, một cộng đồng hòa bình, thân thiện, cởi mở và năng động.
Việt Nam đã tăng rất nhiều bậc về môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam đã tăng nhiều bậc trong đổi mới sáng tạo được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Việt Nam tiếp tục đổi mới hơn nữa để tạo thuận lợi. Hơn nữa,mọi người mọi nhà, mọi doanh nghiệp tiếp tục thành công ở môi trường mới tốt đẹp ở Việt Nam. Việt Nam chào đón các đại biểu dự CEO Summit tại Việt Nam thời gian tới”.
Mekong-Hàn Quốc nâng cấp hợp tác lên thượng đỉnh
Kết thúc dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 Quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần đầu tiên sau 8 năm hai bên thiết lập quan hệ. Điểm thành công nhất của Hội nghị này chính là 5 nước Mekong và Hàn Quốc đã nhất trí thiết lập Quan hệ đối tác vì người dân, thịnh vượng và hòa bình, đồng thời nâng cấp hợp tác lên cấp thượng đỉnh.
Hoan nghênh cam kết của Hàn Quốc tăng viện trợ chính thức (ODA) cho ASEAN và nâng mức đóng góp thường niên cho Quỹ hợp tác Mekong – Hàn Quốc, lãnh đạo các nước cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác Mekong – Hàn Quốc trên ba trụ cột là Người dân, Thịnh vượng, Hoà bình và bảy lĩnh vực ưu tiên khác. Các nhà Lãnh đạo cũng nhất trí lấy năm 2021 là năm giao lưu Mekong – Hàn Quốc để kỷ niệm 10 năm hợp tác.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, phân tích: “Cơ chế giữa Hàn Quốc và Mekong đã được 8 năm, và đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo nâng cấp cơ chế hợp tác này lên cấp lãnh đạo, cho thấy sự quan tâm rất mạnh mẽ. Nâng cấp cấp họp thì nâng cấp về đầu tư, cam kết, số lượng các dự án.
Hàn Quốc cam kết tăng gấp đôi viện trợ không hoàn lại cho các nước Mekong, nâng vốn của Quỹ hợp tác Mekong-Hàn Quốc lên 300 triệu USD bắt đầu từ năm 2020, lập ra Trung tâm hợp tác về nguồn nước. Hàn Quốc cũng sẽ tiến hành 48 dự án về cơ sở hạ tầng ở 4 nước CLMV. Đây là nỗ lực rất cao của các nhà lãnh đạo, muốn đẩy hợp tác Mekong-Hàn Quốc tương xứng với sự quan tâm của hai bên”.
Đóng góp cho hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến ba mục tiêu chính mà hợp tác Mekong – Hàn Quốc cần hướng đến là: củng cố môi trường hoà bình khu vực; phát triển kinh tế lấy người dân làm trung tâm, đổi mới – sáng tạo làm động lực chính; và tăng trưởng kinh tế song hành với bảo vệ môi trường và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên.
Để thực hiện điều này, Thủ tướng nêu các vấn đề cần chú trọng, trong đó có việc phát triển hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đẩy mạnh hợp tác nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ; Tăng trưởng xanh và quản lý nguồn nước.
Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua “Tuyên bố Mekong – sông Hàn thành lập quan hệ đối tác vì nhân dân, thịnh vượng và hoà bình” và nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao Mekong – Hàn Quốc lần thứ hai tại Việt Nam trong năm 2020./.